Băng có tan?

- Thứ Tư, 28/04/2021, 05:43 - Chia sẻ
Một quan chức cấp cao của Điện Kremlin vừa tiết lộ, Hội nghị Thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden có thể sẽ diễn ra vào đầu tháng 6 tới. Nhiều người kỳ vọng, các cuộc hội đàm trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo sẽ giúp làm tan băng giữa Moscow và Washington.
		Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

Tín hiệu lạc quan

Vào đầu tháng này, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề xuất với Tổng thống Nga Putin về việc nên tổ chức một hội nghị thượng đỉnh trực tiếp ở nước thứ ba trong nỗ lực “bình thường hóa” quan hệ giữa xứ sở Bạch dương và phương Tây, vốn trở nên tồi tệ vì các lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với Điện Kremlin, việc Nga điều động số lượng lớn binh sĩ và khí tài tới gần biên giới với Ukraine cũng như những lo ngại của phương Tây về sức khỏe nhà hoạt động đối lập người Nga Alexei Navalny đang ngồi tù…

Ông Yuri Ushakov, cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin, nói trên kênh truyền hình nhà nước Nga rằng, “hai bên đang bàn bạc về tháng 6, thậm chí còn đề cập đến ngày cụ thể để xem xét tổ chức cho hội nghị”, nhưng “tôi chưa thể nói rõ về những điều này, nhưng nó sẽ vào tháng 6”. Tờ Kommersant của Nga, trích dẫn một số nguồn tin giấu tên, thông tin rằng, ông Biden đề xuất gặp ông Putin ở một nước châu Âu vào khoảng 15 - 16.6. Hiện Áo và Phần Lan đã thể hiện mong muốn trở thành nước chủ nhà cho cuộc họp này.

Mặc dù ông Ushakov phát biểu, hội nghị thượng đỉnh sẽ diễn ra “phụ thuộc vào nhiều yếu tố”, nhưng nhận xét của ông là dấu hiệu mạnh nhất cho thấy Điện Kremlin đang tích cực làm việc để sắp xếp cuộc gặp. Trong khi đó, các quan chức cấp cao khác của Nga cho biết, đề xuất của Tổng thống Biden về tổ chức họp ở một quốc gia châu Âu đã được “đón nhận tích cực”. Ông Biden có kế hoạch đến châu Âu vào tháng 6 tới cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức, để tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Anh từ ngày 11 - 13.6 và Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Bỉ ngày 14.6.

Các bình luận của ông Ushakov diễn ra sau một tuần mà Nga dường như ít đối đầu hơn về những vấn đề mà họ bất đồng với phương Tây. Moscow tuần trước thông báo, hàng nghìn binh sĩ được triển khai gần biên giới Ukraine sẽ trở về căn cứ của họ và nước này cho phép các bác sĩ dân sự đến thăm Navalny trong tù, nơi ông này sau đó đã kết thúc cuộc tuyệt thực kéo dài 24 ngày. Ngoài ra, Tổng thống Putin cũng đồng ý tham gia hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu với ông Biden vào thứ 5 tuần trước.

Lời đề nghị mời ông Putin tham gia hội nghị thượng đỉnh khí hậu được đưa ra chỉ hai ngày trước khi ông Biden công bố một loạt lệnh trừng phạt mới chống lại Moscow mà Washington cho là can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ và các cuộc tấn công mạng vào nước này. Tuy nhiên, ông Biden cũng đưa ra cam kết về khả năng hợp tác nhiều hơn trong mối quan hệ song phương tương lai. Động thái này diễn ra một tháng sau khi ông chủ Nhà Trắng có một câu trả lời phỏng vấn gây sốc vì ông đồng ý với đánh giá rằng Tổng thống Putin là “kẻ giết người”, một bình luận gây phẫn nộ từ Điện Kremlin và khiến Nga triệu hồi Đại sứ của mình từ Washington. Hiện đặc phái viên của Nga vẫn chưa trở lại Mỹ, trong khi Đại sứ Mỹ tại Moscow cũng đã về nước để tham vấn vào tuần trước. Điều đó có nghĩa là đại sứ quán của cả hai đều không có đại diện cấp cao nhất trong bối cảnh đang diễn ra các cuộc thảo luận về hội nghị thượng đỉnh tiềm năng vào tháng 6.

Vẫn còn nhiều lĩnh vực hợp tác

		Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

Quan hệ giữa Mỹ với cả Trung Quốc lẫn Nga đã xuống mức thấp nhất thời hậu Chiến tranh Lạnh kể từ khi ông Biden nhậm chức vào tháng Giêng. Tuy nhiên, chính quyền mới đã sử dụng tình trạng khẩn cấp về khí hậu ngày càng tăng như một cách để tìm ra điểm trung gian. Nga và Mỹ đã thành công trong tổ chức các cuộc đàm phán về khí hậu vào đầu năm nay. Hai quốc gia xác định cháy rừng, năng lượng hạt nhân và Bắc Cực là những lĩnh vực hợp tác. Nền kinh tế Nga vẫn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, các quan chức thời tiết Nga thừa nhận, những đám cháy ngày càng tàn phá ở Siberia và sự sụt giảm lịch sử của băng biển mùa hè ở Bắc Cực có thể một phần bắt nguồn từ biến đổi khí hậu.

Chính vì thế ông chủ Điện Kremlin mới đồng ý tham gia hội nghị thượng đỉnh về khí hậu mà Tổng thống Biden tổ chức ngày 22 - 24.4 cùng nhiều nhà lãnh đạo thế giới. Sự tham dự của Tổng thống Putin cho thấy, ông vẫn sẵn sàng đối thoại với Mỹ bất chấp hàng loạt biện pháp trừng phạt mới. Hội nghị này được coi là dấu ấn cá nhân của ông Biden về việc Mỹ quay trở lại các sáng kiến khí hậu toàn cầu sau khi chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump rút lui. Có thể nói, sự kiện này là diễn đàn hợp tác ít rủi ro cho cả Nhà Trắng lẫn Điện Kremlin.

Trong bài phát biểu hàng năm trước Chính phủ mới đây, Tổng thống Putin đã đặt mục tiêu giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Nga xuống dưới mức của Liên minh châu Âu trong 30 năm tới. Ông cũng cho biết sẽ tăng tiền phạt đối với những người gây ô nhiễm công nghiệp.

Ngoài khí hậu, một số lĩnh vực hợp tác tiềm năng khác, chẳng hạn như hồi sinh Hiệp ước Bầu trời mở, hiệp ước quốc tế cho phép các chuyến bay quan sát qua các cơ sở quân sự - không yêu cầu cuộc họp giữa các tổng thống và có thể được giải quyết phần lớn thông qua các Bộ trưởng Ngoại giao. Tổng thống Biden đã nhiều lần tuyên bố, mặc dù ông sẽ vẫn giữ thái độ cứng rắn với Nga về bất kỳ chính sách thù địch nào, tuy nhiên mặt khác ông cũng đang tìm cách hợp tác ở nhiều lĩnh vực hai bên cùng có lợi như vấn đề phổ biến vũ khí hạt nhân, thỏa thuận hạt nhân Iran, Triều Tiên hay thúc đẩy hòa bình và ổn định ở Afghanistan…

Linh Anh