Kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2021)

Báo chí trong dòng chảy thời đại

- Thứ Hai, 21/06/2021, 07:58 - Chia sẻ
Kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, các thế hệ làm báo Việt Nam có thể tự hào khi vị thế của báo chí và người làm báo được khẳng định, là đội quân xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng ta. Nhưng thách thức đang đặt ra cũng không nhỏ, đòi hỏi báo chí Việt Nam phải nỗ lực không ngừng để mãi xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của đất nước và Nhân dân, để lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam ghi tiếp những trang mới, những mốc son mới trong dòng chảy sôi động hiện nay.

Kịp thời, sống động

Chưa bao giờ đất nước có đội quân làm báo hùng hậu như hiện nay. Cả nước có hơn 800 tờ báo in và báo điện tử, hàng trăm kênh phát thanh, truyền hình. Mọi thông tin đối nội, đối ngoại, đời sống kinh tế - xã hội từ nơi xa xôi hẻo lánh cho đến đô thị sầm uất, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà máy, khu công nghiệp… đều được báo chí phản ánh kịp thời. Không ít tờ báo mở các chuyên mục hay, bắt trúng thực tiễn. Nhiều bài bình luận sắc sảo, định hướng dư luận với những vấn đề thời sự nóng bỏng. Nhiều phóng sự, ký sự, điều tra được thực hiện công phu, được dư luận đánh giá cao. Nhiều cây bút lao vào điểm nóng thiên tai, lũ lụt, hay gần đây là đại dịch Covid-19, để có những tác phẩm báo chí kịp thời, sống động.

Báo chí luôn coi trọng sự chính xác của thông tin, sự trung thực của người cầm bút trên từng dòng tin, bài viết; tôn chỉ, mục đích luôn được đặt lên hàng đầu. Muốn biết bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước, chỉ cần mở các trang báo lớn ra hàng ngày sẽ hiện lên đầy đủ. Báo chí không chỉ ca ngợi một chiều mà còn phản ánh sinh động thực tiễn cuộc sống đặt ra thông qua những bài viết phản biện chính sách, cả những hiến kế mở lối được chọn lọc trong tiếng dân, lòng dân. Nhìn về các tuyến bài xây dựng và chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng và lãng phí trên nhiều tờ báo và kênh truyền hình đủ thấy công sức của báo chí không nhỏ. Có thể thấy, hệ thống báo chí cả nước đã đồng hành với cuộc chiến chống tham nhũng và thao túng quyền lực mà người đứng đầu Đảng ta đã đốt lên lò lửa đến “củi tươi cho vào cũng cháy”!

Thành công của báo chí chính là đi đến cùng sự thật, mổ xẻ thấu đáo những bất cập, rút ra bài học sâu sắc. Rất nhiều cây bút sắc sảo, cách nhận diện vụ việc tinh tường đã cho ra đời những tác phẩm báo chí xuất sắc được trao giải cao trong giải Búa liềm vàng, giải Báo chí quốc gia... Những tác phẩm báo chí ấy cũng đề xuất ý tưởng để các cơ quan chức năng xây dựng quy chế, thể chế chọn lọc đội ngũ cán bộ xứng tầm. Nhiều tác phẩm báo chí đã không ngần ngại, dũng cảm mổ xẻ đến cùng sa ngã của cả cán bộ cấp cao, tướng lĩnh để rút ra bài học cảnh tỉnh... 

 Báo chí cách mạng cũng là cầu nối người dân với Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Thông qua báo chí mà người dân hiểu được hoạt động của lãnh đạo quốc gia. Cũng thông qua báo chí mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ, và các bộ, ngành hiểu hơn tâm tư, nguyện vọng của người dân ở khắp mọi vùng miền.

Phóng viên báo chí tác nghiệp tại Trung tâm Báo chí, Nhà Quốc hội

Mắt sáng, lòng trong, bút sắc”

Báo chí thông tin kịp thời, bắt trúng hơi thở thời đại với những vấn đề nóng từ thực tiễn đặt ra là việc đáng ghi nhận. Nhưng nếu nhìn thẳng, nói thẳng, thì rõ ràng báo chí còn nhiều việc phải làm mới có thể đáp ứng yêu cầu của công chúng với trình độ dân trí ngày càng cao.

 Khi công nghệ thông tin hiện đại thay đổi, tiến bộ hàng ngày, khi kinh tế số như dòng thác khó cưỡng, thì không thể giữ mãi cách làm báo theo lối cũ. Báo chí hiện đại phải đón đầu công nghệ, nắm bắt nhanh nhạy thông tin, định hướng thông tin, chứ không thể cứ tung thông tin ra rồi bỏ mặc người đọc bàn luận ra sao không cần biết. Vai trò định hướng của báo chí phải được đề cao.

 Gia tài của người làm báo chính là sự trung thực, là bản lĩnh nghề nghiệp, là trách nhiệm công dân trước mỗi thông tin. Đạo đức người làm báo chính là sự trung thực, là bản lĩnh, là góc nhìn trước mỗi sự kiện, là cách tiếp cận, thẩm định thông tin, là ngôn từ trong từng bài viết.  

Cạnh tranh thông tin đang là áp lực rất lớn đòi hỏi các cây bút phải vượt lên chính mình. Người đọc báo, người nghe đài, xem truyền hình yêu cầu ngày càng cao. Thế nên làm báo không thể “ngẫu hứng”, càng không thể làm báo theo kiểu né nể, ngại động chạm, viết cho đủ chỉ tiêu tòa soạn giao, mà quên đi chất lượng bài viết. Lòng tự trọng của người cầm bút là sự trung thực. Một bài báo hay trước hết phải viết đúng và trúng. Nhà báo chân chính không thể uốn cong ngòi bút để cố “đẻ ra” những tác phẩm báo chí vô hồn, thậm chí đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc!

Phía trước đất nước còn nhiều thách thức, người làm báo cũng không đứng ngoài những thách thức ấy. Nhưng với truyền thống lịch sử hào hùng, bản lĩnh nghề nghiệp và tâm thế của người làm báo cách mạng “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”, báo chí cách mạng Việt Nam sẽ nỗ lực để mãi xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của đất nước và Nhân dân.

Hà Phương