Đồng Nai

Bảo đảm an toàn giao thông đường thủy

- Thứ Ba, 24/11/2020, 06:54 - Chia sẻ
Có hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc nên vấn đề bảo đảm an toàn giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đặc biệt được chú trọng, nhất là khi đang bước vào cao điểm mùa mưa, mực nước trên sông Đồng Nai dâng cao và ở mức báo động.

Nguy cơ mất an toàn giao thông

Dù có kinh nghiệm nhiều năm làm nghề lái tàu trên sông, nhưng ông Hoàng Văn Thanh không khỏi lo lắng trước những nguy hiểm, sự cố vào mùa nước lớn. Chỉ một đoạn sông từ cầu Hóa An đến cầu Đồng Nai (TP Biên Hòa) đã có gần 5 bãi đá ngầm lớn, gây khó khăn cho tàu thuyền qua lại. Tất cả những bãi đá ngầm này chỉ cách mép luồng tàu chạy từ 15 - 80m. Ngoài những rủi ro từ các lớp đá ngầm dưới lòng sông, những ai làm nghề chở hàng hóa trên sông nước đều “nơm nớp” lo sợ trước thiên tai. Vào mùa mưa, các vị trí xoáy nước lúc ẩn, lúc hiện đe dọa đến sự an toàn của các phương tiện đường thủy.

Kiểm tra điều kiện hoạt động của người điều khiển phương tiện đường thủy
Nguồn: ITN

Theo số liệu từ Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai, trong 9 tháng năm 2020, toàn tỉnh đã xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông đường thủy, làm chết 11 người, bị thương 2 người. Các lỗi vi phạm chủ yếu là chở quá vạch an toàn, chở quá tải, vi phạm các quy định về tín hiệu, sơn kẻ vạch an toàn, danh bạ thuyền viên… Trong đó, vi phạm chở quá vạch an toàn và quy định tín hiệu là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn đường thủy.

Để ngăn ngừa, hạn chế các vụ tai nạn giao thông đường thủy xảy ra, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã yêu cầu Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam triển khai công tác điều tiết, hướng dẫn giao thông khu vực từ cầu Hóa An đến cầu Đồng Nai. Từ cuối tháng 9 đến nay, Chi cục đã bố trí 2 tổ công tác trực chốt 24/24 giờ tại vị trí cầu Hóa An và cầu Đồng Nai. Mỗi vị trí chia làm 2 phía ở thượng nguồn và hạ nguồn có nhiệm vụ trực chiến chống trôi, va đập vào trụ, thành cầu. Các phương tiện đường thủy khi lưu thông đến khu vực trên phải tuyệt đối tuân theo sự hướng dẫn của báo hiệu và lực lượng điều tiết.

Tuy nhiên, theo thành viên tổ điều tiết thuộc Công ty Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 10 Trần Hoàng Tùng, công tác bảo đảm an toàn giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh Đồng Nai còn gặp nhiều khó khăn, nhất là khi mực nước sông dâng cao, lượng phương tiện tập trung đông đúc nên việc thực hiện điều tiết, hỗ trợ tàu thuyền qua lại rất vất vả. Bởi khi nước dâng lên buộc các phương tiện phải neo đậu 2 bên cầu, chờ nước hạ mới lưu thông được. Trong quá trình chờ, việc neo đậu cũng cần bảo đảm an toàn, tránh trôi phương tiện tự do.

Đồng bộ các giải pháp

Đồng Nai đang bước vào cao điểm mùa mưa, kéo theo đó, mực nước trên sông Đồng Nai đang dâng cao và ở mức báo động, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình lưu thông của tàu thuyền trên sông. Ngoài 17 tuyến sông nhỏ, dài hàng trăm cây số thì Đồng Nai còn có hệ thống sông lớn, hồ, đập… rất phức tạp, làm cho tuyến giao thông thủy luôn tiềm ẩn các nguy cơ tai nạn cao.

Để bảo đảm an toàn cho cầu và các phương tiện lưu thông trên sông, Đồng Nai đã yêu cầu các ngành chức năng phải thực hiện đồng bộ các giải pháp như phân luồng, cắm biển báo ở những nơi có nguy cơ mất an toàn; đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra ở những nơi dễ gây mất an toàn giao thông đường thủy; khẩn trương, nhanh chóng xây dựng các trụ bảo vệ chân cầu nhằm hạn chế các phương tiện lưu thông đâm, va vào cầu.

Theo Thanh tra giao thông tỉnh Đồng Nai (Sở Giao thông - Vận tải), từ đầu năm 2020 đến nay, lực lượng chức năng đã kiểm tra hơn 2 nghìn lượt phương tiện chở hàng hóa tại các khu vực neo đậu, bến khách ngang sông, lập biên bản xử phạt hành chính đối với 276 trường hợp với các lỗi như vượt quá vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện; không bố trí đủ định biên thuyền viên; neo, đậu phương tiện gây cản trở giao thông; khai thác bến thủy quá thời hạn…

Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải tỉnh đã chỉ đạo các đội thanh tra giao thông trực thuộc tiến hành kiểm tra các công trình giao thông đường thủy nội địa. Trong đó, kiểm tra các cây cầu quan trọng gồm Hóa An, Đồng Nai, Ghềnh, Rạch Cát, Thủ Biên, Hiệp Hòa, Bửu Hòa, An Hảo; đồng thời thường xuyên kiểm tra tình hình nạo vét luồng trên các sông thuộc địa bàn tỉnh.

“Lực lượng thanh tra cũng thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền các chủ bến, lái phà chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường thủy nội địa (sửa đổi năm 2014) trong việc vận chuyển hành khách, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Cùng với đó, nhắc nhở hành khách tự giác mặc áo phao, dụng cụ nổi khi xuống phà; kiên quyết không để xảy ra tình trạng đò, phà chở khách xuất bến mà thiếu các điều kiện về an toàn” - Phó Chánh thanh tra giao thông tỉnh Đồng Nai Nguyễn Công Đáng cho biết.

Ngoài ra, để bảo đảm an toàn giao thông đường thủy mùa nước lớn, Bộ Giao thông - Vận tải cũng đã yêu cầu các ngành chức năng, đơn vị quản lý các tuyến đường sông phải thực hiện đồng bộ các giải pháp như phân luồng, cắm biển báo ở những nơi có nguy cơ mất an toàn; đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra ở những nơi dễ gây mất an toàn giao thông đường thủy.

Hiểu Lam