Bảo đảm các điều kiện với giải pháp cụ thể

- Thứ Sáu, 27/11/2020, 09:53 - Chia sẻ
Tự chủ đại học được coi là nhân tố quyết định tạo nên thành công của các cơ sở giáo dục đại học. Để các quy định về tự chủ đại học trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học thực sự đi vào cuộc sống, cần tiếp tục có những giải pháp cụ thể, như có hướng dẫn để sớm hoàn thiện cơ cấu tổ chức trường đại học theo Luật; tạo hành lang pháp lý huy động vốn đầu tư; và trên hết, cần có chính sách ủng hộ, thúc đẩy và bảo đảm tự do học thuật như là giá trị cốt lõi của tự chủ đại học.

PGS.TS. Lê Văn Học, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ: Đẩy nhanh hoàn thiện cơ cấu tổ chức trường đại học

Cơ quan quản lý nhà nước và cấp ủy đảng có thẩm quyền cần sớm có văn bản quy định rõ mối quan hệ làm việc của Đảng ủy (cấp ủy) của cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) với hội đồng trường. Các quy định về bổ nhiệm cán bộ quản lý cấp trường (hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) cũng phải thay đổi và sớm có hướng dẫn để thực hiện.

Để các cơ sở GDĐH công lập có thể tự chủ đầy đủ thì phải có hội đồng trường với cơ cấu, thành phần được thành lập đúng luật, công khai, dân chủ, khách quan; Hội đồng trường là đại diện của chủ sở hữu nhà nước tại trường, do vậy để tự chủ đại học đi vào thực chất, phát huy được tiềm năng rất lớn của các cơ sở GDĐH trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phải hướng dẫn, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ cấu tổ chức trường đại học theo Luật, thi hành nghiêm chỉnh Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Trong giai đoạn thí điểm giao quyền tự chủ cho một số cơ sở GDĐH đã có đủ khả năng tự chủ được một phần hoặc hoàn toàn kinh phí chi thường xuyên, các cơ sở đã thực hiện tương đối tốt, có được một số kinh nghiệm; một số cơ chế, chính sách chưa thật phù hợp trong thực tiễn cũng đã được chỉnh sửa. Do vậy, đề nghị Nhà nước tiếp tục mở rộng diện thí điểm cho các cơ sở GDĐH đã có đủ điều kiện thực hiện quyền tự chủ nhằm phát huy và nâng cao hiệu quả tự chủ GDĐH, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao phục vụ xây dựng đất nước trong thời kỳ mới.

Giờ học cùng giảng viên nước ngoài của sinh viên Trường ĐH Kinh tế quốc dân - Nguồn: NEU

TS. Đặng Văn Định, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam: Tạo hành lang pháp lý huy động vốn đầu tư

Trong nền kinh tế thị trường, các phương án đầu tư và quan hệ tài chính đối với các cơ sở GDĐH cần được mở ra trên phạm vi rộng lớn. Ngoài hoạt động đào tạo, nghiên cứu, nhà trường còn có cả quan hệ với các đối tác tài chính trung gian, với lĩnh vực dịch vụ, với giới đầu tư trong và ngoài nước. Với tinh thần này, xin kiến nghị Chính phủ: Thứ nhất, hướng dẫn các cơ sở GDĐH công lập sử dụng tài sản nhà trường vào việc kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết nhằm khai thác hiệu quả tài sản nhà trường theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Thứ hai, quy định hành lang pháp lý để huy động vốn đầu tư cho các cơ sở GDĐH từ các nguồn vốn trong và ngoài nước. Đối với trong nước, hướng vào việc huy động vốn vay, vốn liên doanh, liên kết từ các tổ chức, cá nhân trong xã hội. Đối với nước ngoài, tiếp tục thu hút vốn ODA và các quỹ quốc tế khác, đồng thời tạo điều kiện để các cơ sở GDĐH có thể tiếp cận các nguồn vốn ODA, các nguồn tài trợ từ các cá nhân và các tổ chức quốc tế.

Chính phủ kịp thời đưa giải pháp khắc phục những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện chủ trương tự chủ đại học. Thứ nhất, thực hiện điều tiết tuyển sinh thông qua biện pháp hành chính cùng hỗ trợ ngân sách nhà nước đối với các cơ sở GDĐH công lập. Về nguyên tắc, các cơ sở GDĐH công lập có quy mô đào tạo, trình độ đào tạo, chuẩn đầu vào, đầu ra theo xác định cụ thể và chịu sự giám sát chặt chẽ của Bộ GD - ĐT. Thứ hai, rà soát những vấn đề cản trở quá trình tự chủ đại học, đang gây xung đột giữa Luật Giáo dục đại học và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học với các luật khác, để kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi. Thứ ba, điều chỉnh cơ chế làm việc của cơ quan chủ quản (cơ quan quản lý trực tiếp). Về nguyên tắc, tất cả nhà trường đại học công lập đã tự bảo đảm chi thường xuyên thì “cơ quan quản lý trực tiếp” không được quyền can thiệp vào cơ cấu tổ chức, nhân sự, phương án tài chính và tổ chức đào tạo của nhà trường.

TS. Bùi Tiến Đạt, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội: Thúc đẩy và bảo đảm tự do học thuật

Tự chủ học thuật ở Việt Nam cần thực sự hướng tới quan niệm về tự do học thuật phổ biến trên thế giới nhằm phát triển giáo dục nói chung giáo dục đại học nói riêng hướng tới trình độ khu vực và thế giới.

Trước hết, Nhà nước cần có chính sách ủng hộ, thúc đẩy và bảo đảm tự do học thuật như là giá trị cốt lõi của tự chủ đại học. Bên cạnh đó, chính các trường đại học cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế cho phép và khuyến khích tự do học thuật như là một khía cạnh của tự chủ đại học để phát huy tốt nội lực của đội ngũ giảng viên.

Tiếp theo, Nhà nước cần xây dựng khung pháp lý tốt cho tự chủ đại học và tự do học thuật. Việc xây dựng riêng một Luật về giáo dục đại học là phù hợp với xu thế của nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, xét riêng về giảng viên trong các cơ sở giáo dục công lập cũng thấy những điểm đặc thù. Họ là viên chức, công chức, nên pháp luật điều chỉnh hoạt động của họ có sự kết hợp giữa Luật Giáo dục đại học và Luật Viên chức, Luật Cán bộ, công chức. Giảng viên đại học công vừa có những quyền và nghĩa vụ chung của giảng viên theo pháp luật về GDĐH, vừa có thêm những quyền và nghĩa vụ đặc thù của pháp luật về công chức, viên chức. Việc xây dựng khung pháp lý cho tự chủ đại học và tự do học thuật cần hướng tới sự bình đẳng giữa giảng viên của hai khu vực đại học công và đại học tư.

Ngoài các chính sách và pháp luật lệ nêu trên, kinh nghiệm thế giới cho thấy các đại học tiên tiến cần xây dựng hướng dẫn, quy tắc nội bộ về tự do học thuật.

Ngọc Phương lược ghi