Phiên họp thứ 54 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Bảo đảm chất lượng nội dung kỳ họp

- Thứ Hai, 15/03/2021, 16:08 - Chia sẻ
Cũng trong phiên làm việc sáng nay, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ Mười một - kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV.

Báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số vấn đề liên quan tới việc chuẩn bị Kỳ họp thứ Mười một, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, sau khi dự kiến chương trình kỳ họp được gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đa số ý kiến nhất trí với dự kiến chương trình. Bên cạnh đó, một số đại biểu đề nghị Quốc hội yêu cầu Chính phủ báo cáo đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đối với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, hiệu quả sử dụng các gói hỗ trợ, đưa ra các giải pháp, chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong ngắn hạn, dài hạn nếu tình hình dịch bệnh phức tạp, kéo dài và đề cập trong trong Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020; tăng thời gian thảo luận các báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và Kiểm toán Nhà nước (dự kiến chương trình đã bố trí tăng 0,5 ngày). Ông Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu các đề xuất này trong chương trình Kỳ họp của Quốc hội. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Liên quan đến công tác nhân sự, ông Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ, để thực hiện nguyên tắc làm việc (quyết định theo đa số) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự kiến chương trình đã bố trí việc miễn nhiệm và bầu các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành theo 3 đợt: bầu Chủ tịch Quốc hội, một số Phó Chủ tịch Quốc hội, một số Ủy viên Ủy  ban Thường vụ Quốc hội. Dự kiến, Kỳ họp thứ Mười một sẽ khai mạc ngày 24.3, với tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 12 ngày, bế mạc ngày 8.4 (dự phòng ngày 9.4.2021).

Về công tác chuẩn bị tài liệu, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho hay, hiện nay, các cơ quan hữu quan đã và đang khẩn trương tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện tài liệu và gửi đến đại biểu Quốc hội. Về công tác bảo đảm khác, Văn phòng Quốc hội đã chủ động triển khai và phối hợp với các cơ quan hữu quan để chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ công tác phục vụ kỳ họp; trong đó đã phối hợp với Bộ Y tế xây dựng các phương án bảo đảm phòng, chống dịch phục vụ kỳ họp (kể cả việc xét nghiệm SARS-CoV-2). Bên cạnh đó, đã chuẩn bị các công việc cần thiết để phục vụ đại biểu Quốc hội chụp ảnh lưu niệm và việc trao tặng quà lưu niệm, kỷ niệm chương hoạt động của Quốc hội.

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với thời gian và các nội dung dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ hợp thứ Mười một. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, đây là kỳ họp quan trọng, phải bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và thực hiện theo đúng Nghị quyết của Đảng về phân công cán bộ đảm nhận các vị trí quan trọng của Nhà nước. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Văn phòng Quốc hội cần bảo đảm chất lượng các nội dung trình Quốc hội, nhất là công tác nhân sự; đồng thời, bảo đảm tuân thủ các biện pháp về phòng, chống dịch. 

Thanh Chi