Bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe

- Thứ Sáu, 02/07/2021, 05:17 - Chia sẻ
Kết quả thực hiện Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi, bổ sung năm 2014 đã tiếp tục khẳng định rõ nét, cùng với ngân sách nhà nước, Quỹ BHYT là nguồn tài chính công đóng góp đáng kể cho hoạt động khám, chữa bệnh của người tham gia BHYT, góp phần thực hiện mục tiêu công bằng trong chăm sóc sức khỏe Nhân dân và bảo đảm an sinh xã hội. Đó là chia sẻ của Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam PHẠM LƯƠNG SƠN với Báo Đại biểu Nhân dân, nhân Ngày Bảo hiểm Y tế Việt Nam 1.7.

- Sự ra đời của Luật BHYT sửa đổi năm 2014 là một bước tiến quan trọng trong xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHYT. Xin ông chia sẻ về những kết quả nổi bật sau 6 năm triển khai thi hành Luật?

- Có thể nói, sau 6 năm triển khai thực hiện Luật BHYT, số người tham gia BHYT đã có sự tăng trưởng ấn tượng. So với năm 2015, số người tham gia BHYT năm 2016 tăng nhiều nhất tới 11%, năm 2015 và 2017 mỗi năm tăng 6 - 7%, giai đoạn 2018 - 2020 duy trì mức tăng trên dưới 3% mỗi năm. 

 

Tính đến ngày 31.12.2020, số người tham gia BHYT là 87,97 triệu người, tăng 23,37 triệu người so với năm 2014 (tương ứng tăng 36%), đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 90,85% dân số, vượt 0,15% so với chỉ tiêu BHYT của Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28.6.2016; về đích trước thời hạn 4 năm theo mục tiêu Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1.6.2012 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI (mục tiêu năm 2020, tỷ lệ bao phủ BHYT ở nước ta là 80%). Đây là tiền đề để cả nước phấn đấu sớm đạt được mục tiêu đến năm 2025 có 95% dân số tham gia BHYT, đến năm 2030 tỷ lệ tham gia BHYT trên 95% theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII.

Tuy nhiên, còn khoảng 10% dân số chưa tham gia BHYT, chủ yếu rơi vào nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình, nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng, một phần của nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng. Bao gồm, những người tự đóng và tự đóng một phần không có thu nhập ổn định, người cận nghèo, hộ gia đình nói chung và hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp và có mức sống trung bình...

- Quyền lợi của người tham gia BHYT đã được bảo đảm theo Luật định như thế nào, thưa ông? 

- Luật BHYT với quy định về việc các cơ sở khám, chữa bệnh không phân biệt công hay tư nếu đủ điều kiện đều được ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT đã góp phần phát triển mạng lưới cơ sở y tế tham gia khám, chữa bệnh BHYT. Theo đó, số cơ sở khám, chữa bệnh ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT duy trì trong 5 năm, tăng từ 2.000 lên đến 2.400 cơ sở và hơn 10.000 trạm y tế xã ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT thông qua bệnh viện, trung tâm y tế huyện, số cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân tham gia khám, chữa bệnh BHYT cũng ngày càng gia tăng, gấp gần 4 lần so với năm 2010. Người tham gia BHYT có thể lựa chọn nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại tuyến huyện, tuyến xã phù hợp với nơi cư trú hoặc nơi làm việc. 

Bên cạnh đó, những quy định về khám, chữa bệnh BHYT trái tuyến nhưng được hưởng quyền lợi như đúng tuyến, cải cách thủ tục hành chính, sử dụng thẻ BHYT để khám, chữa bệnh trên ứng dụng VssID - BHXH số… đã tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT tiếp cận dịch vụ y tế, giảm thủ tục hành chính mỗi khi phải chuyển tuyến. Trong 5 năm (giai đoạn 2015 - 2019) đã có hơn 809 triệu lượt khám, chữa bệnh được quỹ BHYT thanh toán; tần suất khám, chữa bệnh bình quân duy trì ở mức 1,9 - 2,1 lần/người/năm.

Luật BHYT góp phần thực hiện mục tiêu công bằng trong chăm sóc sức khỏe Nhân dân và bảo đảm an sinh xã hội
Nguồn: ITN

- Việc quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch, bảo đảm cân đối thu, chi Quỹ BHYT, theo quy định của Luật BHYT, đang được triển khai như thế nào, thưa ông? 

- Trong 6 năm kể từ khi thực hiện Luật BHYT sửa đổi, bổ sung 2014, quỹ BHYT đã chi trả trên 130 nghìn tỷ đồng cho các dịch vụ xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng, phẫu thuật thủ thuật, phục hồi chức năng, y học cổ truyền; chi hơn 151 nghìn tỷ đồng tiền thuốc và gần 25 nghìn tỷ đồng cho các loại vật tư y tế tính ngoài giá dịch vụ từ dây truyền, bơm kim tiêm đến các vật tư y tế hiện đại như giá đỡ động mạch vành (stent), van tim nhân tạo, máy tạo nhịp tim…

Trong giai đoạn 2015 - 2019, số thu BHYT tăng qua các năm, tổng số thu từ tiền đóng của người tham gia BHYT của năm 2019, tăng 1,7 lần so với năm 2015. Với mức đóng bằng 4,5% mức tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp thất nghiệp hoặc mức lương cơ sở... thì tổng quỹ khám, chữa bệnh BHYT của 5 năm là 360 nghìn tỷ đồng; tổng số chi khám, chữa bệnh BHYT là 427 nghìn tỷ đồng. Kể từ năm 2016 đến nay, số chi khám, chữa bệnh BHYT thường xuyên cao hơn quỹ khám, chữa bệnh BHYT được sử dụng trong năm, tỷ lệ sử dụng quỹ khám, chữa bệnh BHYT trong năm của năm 2016 là 112%, của năm 2017 là 123,1%, năm 2018 là 109,7%, năm 2019 là 119% và năm 2020 ước tính là 112%. 

Việc gia tăng chi phí khám, chữa bệnh hàng năm; mức đóng BHYT thấp; điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT mới, có kết cấu thêm tiền phụ cấp y tế đặc thù, tiền lương hay việc thực hiện phương thức thanh toán theo phí dịch vụ, các cơ sở y tế chuyển dần sang tự chủ tài chính, đã khuyến khích tăng cung ứng dịch vụ khám, chữa bệnh khi chưa thực sự cần thiết, dẫn đến việc quỹ khám, chữa bệnh BHYT mất cân đối thu chi.

Thời gian tới, ngành bảo hiểm xã hội sẽ tiếp tục đề xuất sửa đổi Luật BHYT cho phù hợp, nhằm bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT, cân đối thu chi, hướng tới phát triển nền BHYT bền vững, góp phần củng cố vững chắc hơn công tác chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân.

- Xin cảm ơn ông!

Dương Cầm thực hiện