Ý kiến đại biểu:

Bảo đảm công bằng trong khen thưởng

- Thứ Sáu, 29/10/2021, 05:44 - Chia sẻ
ĐBQH Tạ Thị Yên (Điện Biên)

Tôi thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng lần này, nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng qua đó nâng cao chất lượng và tạo chuyển biến mạnh mẽ và thực chất công tác thi đua, khen thưởng.

Trước hết, tôi đề nghị, cần có biện pháp bảo đảm công bằng trong khen thưởng, nhất là đối với người không giữ chức vụ quản lý, trực tiếp lao động. Theo thiết kế của dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) quy định tại các Điều 30, 33, 34, 35, 39, thì quá trình cống hiến lâu dài trong cơ quan, tổ chức, đoàn thể dường như được coi là “công trạng, thành tích” và được xem xét là một trong những căn cứ để xác định hình thức khen thưởng. Thực ra quá trình cống hiến và công trạng, thành tích không hoàn toàn đồng nhất. Hơn nữa, điều này có thể dẫn đến sự thiệt thòi đối với một số đối tượng, nhất là những người không làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đoàn thể hoặc thậm chí những người làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhưng không giữ chức vụ lãnh đạo. Thực tế hiện nay, theo quy định của pháp luật hiện hành, các cán bộ quản lý trước khi nghỉ hưu đều được nhận hình thức khen thưởng.

Do đó, tôi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, thiết kế luật làm sao để bảo đảm công bằng, trong đó chú trọng đến việc khen thưởng cho những đối tượng không phải là cán bộ quản lý, hoặc người lao động trực tiếp cũng có quá trình cống hiến lâu dài đểbảo đảm khen thưởng chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch, có tác dụng giáo dục, nêu gương. Quan tâm và cụ thể hóa bằng các quy định về việc “khen thưởng người trực tiếp lao động” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X.

Thứ hai, cần đổi mới cách thức khen thưởng. Khen thưởng không phải chỉ có tuần tự từ hình thức thấp lên hình thức cao: Nguyên tắc khen thưởng tại khoản 2 Điều 6 dự thảo Luật đã quy định, một hình thức khen thưởng có thể tặng nhiều lần cho một đối tượng; thành tích đến đâu khen thưởng đến đó. Không quy định khen thưởng phải nhất định đi tuần tự từ thấp lên cao. Theo khoản 2 Điều 6 của dự thảo Luật, có thể đi tuần tự nhưng cũng có thể không theo tuần tự. Trong dự thảo Luật, nguyên tắc khen thưởng với các điều quy định từng thứ hạng Huân chương vẫn thể hiện khen thưởng phải đi từ thứ hạng thấp lên thứ hạng cao và trở thành tiêu chuẩn. Tôi đề nghị xem xét lại quy định này.

Thứ ba, cần rà soát các nghị định hướng dẫn về thi đua, khen thưởng đã ban hành, nếu các quy định đã tốt, ổn định thì đề nghị nâng lên thành luật. Ở dự thảo Luật, tôi nhận thấy trong 98 điều thì có trên 40 điều giao Chính phủ quy định. Như vậy, nếu Luật được thông qua thì Chính phủ phải ban hành rất nhiều nghị định để hướng dẫn thi hành thì mới triển khai thực hiện được. Mặt khác, cần quy định chặt chẽ tiêu chuẩn xét và công nhận các danh hiệu, vì việc xét tặng các danh hiệu đang có xu hướng tràn lan, cào bằng, không thực chất, tiêu chuẩn xét tặng còn chưa rõ ràng. Vì vậy, các nội dung liên quan đến đối tượng, tiêu chuẩn không nên giao Chính phủ quy định, đề nghị đưa vào trong Luật. Chỉ giao Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục là phù hợp.

Thứ tư, tôi ủng hộ việc quy định tặng thưởng Huy chương Thanh niên xung phong. Đây là lực lượng đặc thù, do Đảng, Bác Hồ chỉ đạo thành lập, đã hoạt động xuyên suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh biên giới và tới ngày nay với khẩu hiệu “Phục vụ quên mình, anh dũng xung phong, lập công xuất sắc”. Trong quá trình này, hàng vạn thanh niên ưu tú hy sinh, bị thương, nhiễm chất độc da cam và nhiều thanh niên xung phong còn sống chưa được hưởng các chế độ, chính sách do vướng mắc về giấy tờ, thủ tục. Vì vậy, việc vinh danh các thanh niên xung phong có thành tích, cống hiến với đất nước là trách nhiệm và nghĩa vụ mà chúng ta nên làm, đồng thời cũng là để thể chế hóa kết luận của Ban Bí thư tại Thông báo số 3257-CV/VPTW ngày 7.2.2017. Tuy nhiên, đề nghị khoanh lại đối tượng được nhận danh hiệu này là những thanh niên xung phong đã tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc.

Anh Phương ghi