Thực hiện chương trình OCOP Hà Nội

Bảo đảm cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho người dân

- Thứ Tư, 08/09/2021, 05:59 - Chia sẻ
Việc thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch bệnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của đại bộ phận người dân Thủ đô, nhất là việc đi lại, mua sắm phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Với sự tích cực vào cuộc chủ động của các ngành chức năng, hỗ trợ của các hội, đoàn thể và nhất là tinh thần nhạy bén, sáng tạo các chủ thể OCOP, người dân Thủ đô vẫn dễ dàng tiếp cận được các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu.
Điểm cung ứng sản phẩm nông sản của Công ty Hương Việt Sinh trên địa bàn quận Hoàn Kiếm

Phát huy vai trò của các hội, đoàn thể

Kể từ khi Hà Nội thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, các cấp chính quyền phường Hàng Bồ (quận Hoàn Kiếm) đã phối hợp chặt với Hội Phụ nữ địa phương cùng các cơ sở cung ứng nông sản, thực phẩm, đặc biệt là các chủ thể OCOP cung cấp thực phẩm thiết yếu đến người dân bằng xe lưu động. Chủ tịch UBND phường Lê Minh Đức cho biết: Phường đã chủ động tổ chức mô hình cung ứng thực phẩm lưu động để cung cấp thực phẩm cho người dân thông qua hệ thống chi hội phụ nữ của 6 tổ dân phố. Để bảo đảm an toàn, tất cả các thành viên tham gia cung ứng đều được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine trở lên và được trang bị các thiết bị bảo hộ khi thực hiện nhiệm vụ. 

Với vai trò là nhà cung ứng thực phẩm, đại diện Công ty Hương Việt Sinh Trần Thanh Bình cho biết: Công ty tiếp nhận thông tin đơn hàng thông qua Hội Phụ nữ phường. Sau đó, kiểm tra, tập hợp sản phẩm theo đơn và hẹn thời điểm giao hàng. Sau khi hoàn thành, đơn hàng sẽ được bàn giao lại cho Hội Phụ nữ của phường để chuyển đến tay người tiêu dùng. "Hiện, chúng tôi đang cung cấp thực phẩm 2 ngày trong một tuần. Chúng tôi sẽ nỗ lực đáp ứng đầy đủ đến tay người dân những sản phẩm chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm", đại diện Công ty Hương Việt Sinh khẳng định. 

Chia sẻ với phóng viên, bà Phạm Thị Lý (phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm) cho biết: Rất yên tâm với các mặt hàng nông sản, thực phẩm của các đơn vị được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố giới thiệu. Các sản phẩm đều bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Theo bà Lý, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 hiện nay, việc người dân tiếp nhận nông sản, thực phẩm thông qua Hội Phụ nữ phường là cách làm hay, sáng tạo. Qua đó, hỗ trợ đắc lực cho việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn phường. 

Ứng biến linh hoạt với diễn biến dịch bệnh

Thời gian qua, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố đã phối hợp, chủ động chuẩn bị nguồn cung để cân đối cung cầu; chỉ đạo các hệ thống phân phối dự trữ hàng hóa tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường và dự trữ trong 3 tháng. Hàng hóa thường xuyên dồi dào đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân trong mọi tình huống, giá cả ổn định. Các hệ thống phân phối cũng đa dạng các hình thức bán hàng như: Bán online trên nền tảng thương mại điện tử, bán hàng combo, đi chợ hộ, tổ chức bán hàng lưu động phục vụ Nhân dân... ứng biến linh hoạt với diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Đồng thời, vừa hỗ trợ các chủ thể OCOP tiêu thụ sản phẩm, không làm đứt gãy chuỗi liên kết, vừa bảo đảm cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân trên địa bàn.

Tại các quận, huyện, thị trên địa bàn Thủ đô hiện cũng đã xây dựng phương án tổ chức triển khai điểm bán hàng lưu động trong tình huống dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, sẵn sàng kích hoạt 2.500 điểm bán hàng lưu động đã bố trí. Đến nay, 9 quận của Hà Nội đã tổ chức 45 điểm bán hàng lưu động, 63 điểm bán hàng dã chiến phục vụ người dân do trên địa bàn có chợ hoặc cơ sở kinh doanh phải đóng cửa do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Một số quận đã lập nhóm Zalo giữa người dân với các đơn vị phân phối để thực hiện giao dịch mua bán hàng hóa thuận tiện, hạn chế đi lại. 

Theo Sở Công thương Hà Nội, để đưa hàng hóa tới tay người tiêu dùng trong thời gian giãn cách xã hội, 13 doanh nghiệp đã đăng ký triển khai bán hàng lưu động bằng ô tô, xe buýt. Trong trường hợp cấp bách, thành phố sẽ kêu gọi doanh nghiệp mở rộng triển khai mô hình này. Cụ thể, Công ty CP Sữa nông trại Ba Vì; Công ty CP Dafusa Việt Nam; Công ty TNHH Thực phẩm Phú Thiên Tân; Công ty CP TTTM Lotte Việt Nam; Công ty TNHH Đầu tư và Dịch vụ Lan Chi; Công ty TNHH Aeon Việt Nam, Công ty TNHH Thực phẩm Lương An; HTX Đầu tư nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì; HTX Nông nghiệp Khánh Phong; Công ty CP Rau an toàn Hà Nội; CLB làng nghề cốm Mễ Trì, HTX Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp An Phát. Riêng Công ty TNHH du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến đăng ký 10 xe buýt bán hàng lưu động.

Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết: Các doanh nghiệp bán hàng lưu động bằng xe ô tô, xe buýt sẽ triển khai bán hàng ở các khu nhà trọ, khu đông dân cư để người dân không phải đi chợ. Thành phố cũng đã chỉ đạo, xây dựng phương án huy động, điều động phương tiện phục vụ vận chuyển lưu thông hàng hóa và kịp thời chỉ đạo các lực lượng chức năng tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong vận chuyển. Qua đó, bảo đảm cung ứng lương thực, thực phẩm kịp thời cho người dân, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.

________

Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội

Khánh Duy