Bảo đảm đủ nguồn cung hàng hóa trong dịp Tết

- Chủ Nhật, 26/01/2014, 17:15 - Chia sẻ
Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1 diễn ra chiều 25/1 vừa qua.

Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác điều hành nhằm bình ổn giá thị trường, bảo đảm an toàn xã hội trong dịp tết Giáp ngọ năm 2014, các địa phương trong cả nước đã có kế hoạch triển khai kịp thời, hiệu quả nhằm bình ổn giá thị trường và bảo đảm đầy đủ nguồn cung hàng hóa tiêu dùng cho dịp Tết.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, lượng hàng hóa năm nay khá dồi dào, bảo đảm cung đầy đủ trong dịp Tết. Có được kết quả này là do các địa phương đã có kế hoạch triển khai nguồn dự trữ từ cuối tháng 11 đầu tháng 12, thông qua các hệ thống phân phối, chương trình bán hàng lưu động ở khu vực nông thôn, khu công nghiệp. Đặc biệt là có kế hoạch vận tải và cung ứng hàng hóa vào trung tâm các thành phố lớn trong các dịp cao điểm. Bên cạnh đó, đã có sự thúc đẩy cung ứng hàng hóa giữa các thành phố lớn với tỉnh lân cận ví dụ như TP Hồ Chí Minh với 13 tỉnh miền Tây Nam bộ và 7 tỉnh miền Đông Nam bộ; Hà Nội và một số địa phương liền kề.

Các địa phương đã triển khai kế hoạch phục vụ nhu cầu mua sắm trong dịp Tết cho người tiêu dùng. Nhiều địa phương lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán lẻ có kế hoạch mở cửa bán hàng phục vụ cho người dân đến ngày 30 Tết và chỉ nghỉ ngày 1 tết, và mồng 2 Tết lại mở cửa trở lại. Đây là đổi mới trong thị trường nội địa nhằm giảm được việc tích trữ hàng hóa của người dân, cũng như giảm được tình trạng thiếu nguồn cung như những năm trước.

Với những địa điểm bán buôn phục vụ hàng tết dù đã sôi động hơn nhưng giá hàng hóa không tăng nhiều. Hà Nội, TP Hồ Chí Minh giá nhiều mặt hàng không tăng, thậm chí có những mặt hàng còn giảm, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Hoàng, dự báo trong những ngày cận Tết giá thực phẩm tươi sống sẽ tăng nhưng mức tăng không mạnh vì nguồn cung hàng hóa đã được chuẩn bị từ rất sớm. Đến nay đã có 53/63 địa phương có kế hoạch chuẩn bị đầy đủ nguồn cung cho Tết trong đó triển khai chương trình bình ổn giá thị trường. Chương trình bình ổn giá thị trường năm nay cũng có đổi mới. Trước đây, các địa phương bù lãi suất cho các doanh nghiệp, trung tâm thương mại nhưng năm nay nhiều địa phương không bù lãi suất mà doanh nghiệp tự nguyện vay còn phần lãi suất thì doanh nghiệp tự trả. Điều này tạo được sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp và không làm méo mó giá cả thị trường.

Để bảo đảm bình ổn thị trường, đến nay có 33 địa phương thực hiện chương trình bình ổn thị trường với tổng số tiền ước tính là 1.500 tỷ đồng và đẩy mạnh chương trình kết nối giữa doanh nghiệp với địa phương. Cùng với đó là tập trung hệ thống phân phối, đưa hàng đến người dân vùng sâu, vùng nông thôn, vùng bị thiên tai với mạng lưới bán hàng bình ổn khoảng 10 nghìn điểm. So với năm ngoái tăng 2 nghìn điểm bán hàng, đồng thời kéo dài thời gian bình ổn và mở cửa sớm để phục vụ sau mua sắm sau Tết cho nhân dân.

Về nguồn cung một số mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết, dự trữ lượng gạo cả nước tính đến ngày 15/1 ước đạt 403.463 tấn. Trong đó Tổng cổng ty lương thực miền Bắc và Tổng công ty lương thực miền Nam là 160 nghìn tấn. Đây là nguồn cung rất dồi dào, bảo đảm đầy đủ cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Giá thóc gạo trên thị trường tương đối ổn định. Chỉ có gạo tẻ chất lượng cao và gạo nếp có tăng so với ngày thường song mức tăng chỉ từ 1 - 2 nghìn đồng/kg. Dự báo trong thời gian tới, giá vẫn ổn định.

Về thực phẩm, trong năm 2013, sản lượng gia súc, gia cầm đều tăng so với năm trước, lợn tăng 1,8%, gia cầm tăng 2,4%. Nguồn cung thực phẩm trong dịp Tết dự kiến sẽ tăng từ 10 - 15 % so với những tháng trước đây. Giá thực phẩm tươi sống trong đó có giá thịt lợn thấp hơn so với năm trước từ 4 - 6%. Trong khi đó, thịt bò tăng từ 9 - 12% so với cùng kỳ năm trước. Giá rau củ quả, giảm từ 10 - 15% so với năm trước… Mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến sẵn, dự kiến trong những ngày giáp Tết sẽ tăng, sức mua tăng 20 - 25% so với ngày thường.

Như vậy, với việc triển khai tốt chương trình bình ổn giá và việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa, năm nay người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm mua sắm Tết vì số lượng hàng hóa không bị khan hiếm và giá cả không bị tăng đột biến so với ngày thường như những năm trước đây.

Hà An