Quốc hội thảo luận trực tuyến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ:

Bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả

- Thứ Ba, 26/10/2021, 16:50 - Chia sẻ

Nêu quan điểm về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ từ điểm cầu Nhà Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) cho biết, Khoản 10 và Khoản 16, Điều 1 dự thảo Luật thể hiện chính sách về trường hợp giới hạn bản quyền tác giả, giới hạn quyền liên quan, bảo đảm không vi phạm quyền tinh thần của tác giả và quyền của tác giả được nhận thù lao phù hợp do cơ quan có thẩm quyền quy định trong trường hợp các bên không thỏa thuận được. Chính sách này vừa tạo điều kiện đẩy mạnh khai thác, phổ biến tác phẩm, góp phần bảo đảm quyền tiếp cận và hưởng thụ các giá trị văn hóa của công chúng, vừa bảo đảm quyền hưởng thù lao phù hợp của chủ sở hữu quyền tác giả. Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện Điều 26 và Điều 33 Luật Sở hữu trí tuệ có vướng mắc trong trường hợp hai bên không thỏa thuận được tiền bản quyền. Dự thảo Luật quy định trong trường hợp chủ sở hữu quyền tác giả với bên sử dụng không thỏa thuận được tiền bản quyền, thì thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật. Dự thảo Luật giao Chính phủ quy định về nội dung này. Tuy nhiên, đại biểu Tú chỉ rõ, nội dung này không thuộc trường hợp “hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá” quy định tại Điều 19 Luật Giá. Vì vậy, để bảo đảm tính thống nhất của pháp luật và để có cơ sở thực hiện quy định này, ông đề nghị cần thiết xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Giá hoặc thực hiện quy định tại khoản 4, Điều 19 Luật Giá: “Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, giao Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định”.

Về quyền đăng ký, sáng chế kiểu dáng công nghiệp thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, đại biểu tỉnh Kiên Giang nhất trí với phương án 1 về việc giao quyền đăng ký cho tổ chức chủ trì; tổ chức chủ trì có quyền sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí khi được cấp văn bằng bảo hộ, trừ các đối tượng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh vẫn do cơ quan nhà nước thực hiện đăng ký. Theo ông, quy định này góp phần thể chế hóa Nghị quyết số 20 – NQ/TW ngày 1.11.2012 của Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI: “Giao quyền sở hữu các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ…”

ĐBQH Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) phát biểu

Ảnh: Quang Khánh 

Bên cạnh đó, đại biểu Tú cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cần thể chế hóa cụ thể hơn nội dung “… có cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả” như Nghị quyết số 20 – NQ/TW đã quy định để bảo đảm hài hòa giữa lợi ích Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả; nghiên cứu mở rộng đối tượng giao quyền đăng ký cho đơn vị chủ trì đối với giống cây trồng. Trong Báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ về dự kiến tiếp thu, giải trình cơ quan chủ trì soạn thảo đã nêu ý kiến nghiên cứu để đề xuất tiếp thu.

Ngoài ra đại biểu cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần luận giải rõ hơn việc không áp dụng cơ chế giao quyền đăng ký cho đơn vị chủ trì đối với một số đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan. Trong Báo cáo tiếp thu, giải trình, cơ quan chủ trì soạn thảo cho rằng “… nguy cơ tác phẩm, chương trình bị sửa đổi, lồng ghép, biến tấu, thay đổi nội dung, có thể ảnh hưởng đến định hướng của Nhà nước". Các hành vi này là hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan, vi phạm pháp luật. Các cơ quan có thẩm quyền, với chức năng quản lý nhà nước, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, có quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc hình sự; không phụ thuộc vào việc có áp dụng cơ chế giao quyền đăng ký cho đơn vị chủ trì hay không.

Về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Chính phủ đưa ra 2 Phương án: Phương án 1, các hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ không bị xử phạt hành chính mà chỉ bị xử lý bằng biện pháp dân sự. Phương án 2, áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với tất cả các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đại biểu Tú đề nghị nên xem xét, lựa chọn Phương án 2 vì các lý do: 

Thứ nhất, nếu theo Phương án 1 thì chưa bảo đảm tính thống nhất trong xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Một số hành vi xâm phạm (như: đối với quyền tác giả, quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng) thì bị xử lý hành chính. Một số hành vi xâm phạm (như : đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp... ) thì không bị xử lý hành chính. 

Thứ hai, có ý kiến cho rằng “hành vi xâm phạm quyền dân sự, cần được xử lý bằng các biện pháp dân sự”. Theo tôi, hành vi xâm phạm “quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh”, không chỉ xâm phạm quyền dân sự, mà còn xâm phạm trật tự quản lý kinh tế - xã hội. Bên cạnh biện pháp dân sự để xử lý như yêu cầu bồi thường thiệt hại; hành vi xâm phạm này có thể bị xử lý bằng biện pháp hành chính, cao hơn có thể bị xử lý bằng biện pháp hình sự (Điều 226 Bộ luật Hình sự quy định tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp).

Thứ ba, nếu loại trừ việc xử lý hành chính đối với hành vi xâm phạm “quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh” sẽ làm ảnh hưởng đến quyền chủ động, kịp thời, nhanh chóng của cơ quan nhà nước trong xử lý hành chính đối với hành vi vi phạm trong các trường hợp nêu trên.

Thứ tư, về pháp lý, có 4 loại trách nhiệm: trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự, trách nhiệm kỷ luật. Trách nhiệm hành chính không loại trừ trách nhiệm dân sự. Trách nhiệm hành chính là trách nhiệm của người có hành vi vi phạm pháp luật hành chính với Nhà nước. Người bị xâm phạm vẫn có quyền khởi kiện yêu cầu người có hành vi xâm phạm bồi thường thiệt hại.

Vì vậy, đại biểu Tú đề nghị xem xét, lựa chọn Phương án 2, áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với tất cả các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Quang Khánh