Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

Bảo đảm hành lang pháp lý đầy đủ, hiệu quả bảo hộ, khai thác và bảo vệ tài sản trí tuệ

- Thứ Ba, 26/10/2021, 15:15 - Chia sẻ
Chiều nay, 26.10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Luật hiện hành đã phát huy vai trò to lớn

Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thống nhất cao về sự cần thiết sửa đổi Luật. Qua 16 năm thi hành, Luật Sở hữu trí tuệ đã phát huy vai trò to lớn trong việc tạo hành lang pháp lý cho hoạt động sáng tạo, xác lập, khai thác, sử dụng và thụ hưởng các đối tượng của quyền tác giả, quyền liên quan; xác lập, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; góp phần khuyến khích hoạt động sáng tạo; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư nước ngoài; qua đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp

Ảnh: Quang Khánh 

Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển hiện nay việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ vào năm 2009 và 2019 chưa tạo ra động lực mạnh mẽ cho việc nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, cũng như chưa bảo đảm hành lang pháp lý đầy đủ và hiệu quả đối với việc bảo hộ, khai thác và bảo vệ tài sản trí tuệ. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ là cần thiết để khắc phục hạn chế, vướng mắc hiện nay.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ có 92 điều, trong đó bổ sung 12 điều, sửa đổi 80 điều và bãi bỏ 2 điều. Theo ĐBQH Nguyễn Văn Huy (Thái Bình), nội dung dự thảo Luật bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân về quyền sở hữu, quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó, quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa; về chính sách phát triển khoa học và công nghệ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Đại biểu Huy cũng cơ bản nhất trí với các nội dung được đề cập tại Tờ trình số 358 của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra số 218 của Uỷ ban Pháp luật.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp
Ảnh: Quang Khánh

Đại biểu tỉnh Thái Bình tán thành việc sửa đổi quy định theo hướng trao quyền đăng ký sáng chế kiểu dáng công nghiệp, thiết kế, bố trí kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước hoặc một phần ngân sách cho tổ chức chủ trì nhiệm vụ đó một cách tự động và không bồi hoàn. Tổ chức chủ trì có quyền sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế, bố trí khi được cấp văn bằng bảo hộ và trừ các đối tượng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia. Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, hoàn thiện theo hướng bổ sung, làm rõ cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả để thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, nghiên cứu mở rộng cơ chế giao quyền sở hữu tương tự đối với loại giống cây trồng, một số đối tượng quyền tác giả và quyền liên quan để khắc phục sự không thống nhất giữa quy định về quyền đăng ký sở hữu đối với kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước trong các luật hiện hành.

Có dẫn đến khoảng trống pháp lý?

Về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đại biểu Huy nhận thấy, việc quy định không áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với sáng chế kiểu dáng công nghiệp, thiết kế, bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và các hành vi cạnh tranh không lành mạnh là không phù hợp vì điều này sẽ dẫn đến khoảng trống pháp luật trong việc kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Và điều này cũng làm tăng thêm gánh nặng cho hệ thống tòa án hiện đang quá tải cũng như tạo thêm thách thức cho đương sự khi sử dụng các biện pháp tố tụng dân sự.

Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ 

Ảnh: Quang Khánh 

Đại biểu Huy cũng đề nghị sửa đổi một số Quy định về quyền đăng ký nhãn hiệu tại Điều 87 Luật Sở hữu trí tuệ cho phù hợp hơn, cụ thể:

Theo quy định tại khoản 2, Điều 87 của Luật Sở hữu trí tuệ quy định: “Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó”. Quy định như trên về quyền đăng ký nhãn hiệu của tổ chức hoạt động thương mại là chưa hợp lý, chưa rõ ràng, vì chỉ xét đến nhãn hiệu của nhà sản xuất mà không tính đến trường hợp tổ chức thương mại đăng ký nhãn hiệu tương tự với nhãn hiệu của nhà sản xuất. Trên thực tế công ty thương mại có thể đặt sản xuất sản phẩm cho mình và sản phẩm đó mang nhãn hiệu riêng của công ty thương mại, do vậy, quyền đăng ký nhãn hiệu này thuộc về công ty thương mại mà không cần phải có sự khước từ quyền đăng ký nhãn hiệu của nhà sản xuất. Trường hợp công ty thương mại nộp đơn đăng ký nhãn hiệu của nhà sản xuất thì phải được điều chỉnh bằng quy định về nộp đơn không trung thực theo khoản 3 Điều 96 Luật Sở hữu trí tuệ. Do đó đề nghị sửa đổi khoản 2 Điều 87 thành: “Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm”.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 87 của Luật Sở hữu trí tuệ: “Tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hóa, dịch vụ có quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận…”. Với quy định này, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được cho là đáp ứng điều kiện để đăng ký nhãn hiệu chứng nhận, đặc biệt là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương vì có trong tay bộ máy với đầy đủ các cơ quan chuyên môn có khả năng kiểm soát, chứng nhận các đặc tính, chất lượng của hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên, trên thực tế đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập liên quan đến việc phân định thẩm quyền quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ của UBND với quyền sở hữu, quản lý nhãn hiệu chứng nhận mà UBND là chủ sở hữu vì UBND cùng một lúc giữ hai vai trò quản lý nhà nước và chủ sở hữu quản lý tài sản. Tất cả các vấn đề này cần được thống nhất cách hiểu và áp dụng pháp luật giữa các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là giữa Bộ Tư pháp với Bộ Khoa học và Công nghệ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để bảo đảm quyền lợi cho các chủ thể sản xuất các đặc sản địa phương, tăng cường bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam. Do đó đề nghị sửa đổi khoản 4 Điều 87 thành: “Tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hóa, dịch vụ không phải là UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận với điều kiện không tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hóa dịch vụ đó”.

PV