Chính sách cho rừng đặc dụng

Bảo đảm hiệu quả, công bằng

- Thứ Hai, 17/09/2018, 09:22 - Chia sẻ
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đề xuất tiêu chí xác định rừng đặc dụng gồm: Vườn Quốc gia (VQG), khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh… Sau hơn một thập kỷ manh nha và thực hành thí điểm, các mô hình đồng quản lý trong rừng đặc dụng đã phần nào khẳng định được tính ưu việt trong việc gìn giữ, bảo vệ những khu vực rừng giàu tài nguyên và đa dạng sinh học, đồng thời góp phần ổn định đời sống, thu nhập cho người dân sống gần rừng.

Diện tích đất rừng đặc dụng hiện nay ở nước ta vào khoảng 2.265 triệu hécta, với 31 vườn quốc gia, 68 khu bảo tồn thiên nhiên, 45 khu bảo vệ cảnh quan, 20 khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học. Theo quy hoạch đến năm 2020, Việt Nam có 176 khu rừng đặc dụng, trong đó có 34 VQG, 58 khu dự trữ thiên nhiên, 14 khu bảo tồn loài và sinh cảnh, 61 khu bảo vệ cảnh quan.

Để quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng, Bộ Tài chính đề xuất mức hỗ trợ trung bình 100.000 đồng/ha/năm tính trên tổng diện tích khu rừng đặc dụng được giao bộ, địa phương quản lý. Theo đó, đối với quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng, nội dung hỗ trợ gồm: Thuê, khoán, hợp đồng bảo vệ rừng đối với cộng đồng dân cư vùng đệm; thuê người bảo vệ rừng ở vùng giáp ranh. Ban quản lý rừng đặc dụng xác định diện tích rừng cần bảo vệ và bảo tồn thiên nhiên; mua sắm, sửa chữa trang thiết bị phục vụ quản lý bảo vệ rừng gồm: Trang thiết bị dự báo, cảnh báo cháy, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng và các công trình, trang thiết bị khác phục vụ quản lý bảo vệ rừng. Đồng thời hỗ trợ các lực lượng tham gia truy quét bảo vệ rừng; hỗ trợ đào tạo nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên; tuyên truyền giáo dục pháp luật đối với cộng đồng; hỗ trợ chi phí quản lý phát triển cộng đồng vùng đệm, gồm: Chi phí đi lại hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, họp với UBND cấp xã, thôn, bản. Việc đầu tư cho cộng đồng dân cư thôn bản vùng đệm để đồng quản lý rừng đặc dụng với mức hỗ trợ mỗi thôn bản là 40 triệu đồng cho 1 thôn bản trong một năm. Quy định này tạo tiền đề tốt cho việc thu hút sự tham gia của người dân vào công tác quản lý bảo vệ rừng đặc dụng. Tuy nhiên, do nguồn vốn của các địa phương còn hạn chế, quy định này chưa được thực hiện một cách rộng rãi cho các thôn vùng đệm ở các khu bảo tồn.

Bên cạnh đó, phương thức phối hợp quản lý rừng đặc dụng cũng được đánh giá cao. Trọng tâm của việc phối hợp quản lý là thành lập và thúc đẩy hoạt động của Hội đồng quản lý (HĐQL) cùng với Ban quản lý (BQL) của khu bảo tồn. Ví dụ như  HĐQL của khu bảo tồn có thể thành lập ở cấp huyện như ở Khu bảo tồn loài và sinh cảnh (BTL&SC) Mù Cang Chải ở Yên Bái hoặc dưới hình thức hội đồng liên xã ở Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voọc mũi hếch Hà Giang.  Tuy nhiên, mô hình này  thường trùng lặp với cơ cấu tổ chức quản lý nhà nước đã có tại địa phương và nó dựa vào cơ cấu tổ chức đó trong các hoạt động. Cơ chế này do đó không đề cập được những quan tâm và tiếng nói trực tiếp của người dân ở cấp thôn bản, không huy động được nguồn lực tại chỗ của người dân địa phương. Việc sinh hoạt HĐQL khu bảo tồn định kỳ hay họp phối hợp giữa các bên đòi hỏi phải có nguồn kinh phí và nhân lực nhất định, thường không có trong ngân sách các địa phương.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, các chính sách ngành lâm nghiệp hiện vẫn thể hiện quyết tâm của Nhà nước trong việc thực hiện đồng quản lý ở các khu bảo tồn Việt Nam. Tuy nhiên, để cơ chế này thực sự hiệu quả trên thực tế, cần có những quy định đồng bộ và phù hợp nhằm khắc phục những hạn chế của từng cách tiếp cận. Cụ thể: Tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý ở địa phương trong quản lý bảo vệ rừng đặc dụng thông qua các HĐQL và các quy chế phối hợp song phương, đa phương giữa các ban ngành chức năng; Thúc đẩy thành lập và trao quyền đầy đủ cho các tổ chức đại diện thôn bản tham gia quản lý bền vững rừng đặc dụng thông qua các thỏa thuận và sự hỗ trợ tích cực của cán bộ địa bàn; Nâng cao năng lực quản lý bền vững rừng cho cộng đồng thông qua những hoạt động phối hợp quản lý bền vững rừng trên thực tế; phân công và bố trí các cán bộ chuyên trách trong công tác cộng đồng ở mỗi ban quản lý rừng. Bố trí nguồn tài chính thường xuyên cho công tác cộng đồng và cho các thôn xung yếu vùng đệm theo quy định. Phát triển dữ liệu về tài nguyên lâm sản và nghiên cứu hoàn thiện quy trình khai thác sử dụng các loại lâm sản bền vững, làm cơ sở cho việc chia sẻ lợi ích từ tài nguyên rừng; Mở rộng quy định về khai thác lâm sản trong rừng đặc dụng, cho phép người dân được tiếp cận rộng rãi hơn tới tài nguyên rừng, đồng thời đơn giản hóa và hạ cấp quyết định khi làm các thủ tục quản lý lâm sản trong rừng đặc dụng. Xây dựng các cơ chế sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường một cách phù hợp với từng địa phương, bảo đảm tính hiệu quả và công bằng đối với người dân bảo vệ rừng.

Minh Ngọc