Xây dựng các quy chuẩn môi trường

Bảo đảm khoa học, khả thi và phù hợp với hội nhập

- Thứ Sáu, 27/08/2021, 06:46 - Chia sẻ
Việc hoàn thiện các bản dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường cần bảo đảm tính khoa học, khả thi, hội nhập tiêu chuẩn quốc tế và khu vực, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ chất lượng môi trường sống trong lành cho người dân. Đó là yêu cầu của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân tại cuộc họp trực tuyến về xây dựng các quy chuẩn môi trường.

15 dự thảo quy chuẩn đã được hoàn thiện

Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường có vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động bảo vệ môi trường, nhằm bảo vệ môi trường sống trong lành cho mọi người dân. Một hệ thống các quy chuẩn kỹ thuật môi trường phù hợp sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Đến nay, Tổng cục đã xây dựng được 15 dự thảo quy chuẩn Việt Nam (QCVN) bao gồm: 5 QCVN về chất lượng môi trường, 4 QCVN về chất thải và 6 QCVN về phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất. Điểm nổi bật khi xây dựng các dự thảo QCVN này là các nhóm soạn thảo đã dựa vào kinh nghiệm, thông số trong quy chuẩn của các nước tiên tiến như Hàn Quốc, đồng thời so sánh với các nước có cùng trình độ phát triển như Việt Nam để đưa ra các ngưỡng quy định phù hợp, bảo đảm tính thực tiễn, khoa học.

Đơn cử, đối với dự thảo QCVN về chất lượng không khí xung quanh, về cơ bản các thông số khí cơ bản đã được quy định tương đương với mức của Hàn Quốc và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Tuy vậy, riêng đối với 2 thông số bụi PM10 và bụi PM2,5 (tổng các hạt bụi lơ lửng có đường kính khí động học nhỏ hơn hoặc bằng 10), nhóm soạn thảo đã rà soát các số liệu quan trắc hiện trạng chất lượng môi trường tại một số thành phố lớn, trong đó có Thủ đô Hà Nội. “Theo đó, nhóm soạn theo kiến nghị đối với 2 thông số này, ngưỡng quy định đề xuất cần phải dựa vào thực tế số liệu quan trắc và các điều kiện khí tượng, đặc điểm khí hậu của Việt Nam để cân nhắc đưa ra ngưỡng phù hợp” Vụ trưởng Vụ quản lý chất lượng môi trường Lê Hoài Nam cho hay.

Về dự thảo QCVN về chất lượng nước mặt, dự kiến sẽ phân vùng chất lượng nước thành 4 khu vực thay vì 7 mức chất lượng như của Hàn Quốc. Quy định này sẽ bảo đảm các ngưỡng quy định phù hợp với thực tế chất lượng nước ở Việt Nam, bảo đảm mục tiêu tham khảo, học tập cách tiếp cận và quy định của Hàn Quốc nhưng vẫn phù hợp với pháp luật và thực tế hiện hành tại Việt Nam.

Đối với Dự thảo QCVN về chất lượng đất, ông Lê Hoài Nam cho biết, nếu như ở Hàn Quốc, ngưỡng quy định các thông số ô nhiễm trong đất được chia làm 3 nhóm đất theo phân loại vào theo 2 ngưỡng (gồm ngưỡng cảnh báo và ngưỡng xử lý); thì tại Việt Nam, việc phân loại các ngưỡng chất lượng đất chỉ dựa trên 1 ngưỡng nồng độ ô nhiễm và có đánh giá đối với các tiêu chí khác như: diện tích khu vực ô nhiễm, mức độ ảnh hưởng... Vì vậy, nhóm soạn thảo kiến nghị trong QCVN chất lượng đất sẽ sử dụng 1 ngưỡng nồng độ để phù hợp với quy định pháp luật về quản lý của Việt Nam.

Xây dựng các quy chuẩn môi trường là cơ sở để thực thi Luật Bảo vệ môi trường

Kiểm soát “đầu ra” không vượt quá sức chịu tải của môi trường

Liên quan đến QCVN về chất thải, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý chất thải Nguyễn Phạm Hà thông tin, đối với QCVN về nước thải công nghiệp, nhóm soạn thảo đề xuất toàn quốc áp dụng 1 quy chuẩn nước thải chung, tùy thuộc loại hình sản xuất của cơ sở xả thải sẽ quy định bắt buộc các thông số môi trường tối thiểu cần giám sát, quan trắc; cơ quan cấp phép môi trường có thể tùy loại hình dự án đặc thù có thể bổ sung thêm một số thông số khác theo yêu cầu quản lý trong giấy phép môi trường. Đối với QCVN về khí thải công nghiệp, đề xuất xây dựng 1 quy chuẩn chung, các thông số quan trắc, ngưỡng kiểm soát theo loại hình công nghệ, thiết bị xả thải. QCVN về nước thải chăn nuôi có quy định ngưỡng kiểm soát cho 7 thông số (pH, BOD, COD, TSS, T-N, T-P, tổng Coliform).

Để kiểm soát nước thải sinh hoạt và nước thải đô thị, do hiện nay nước thải từ các trạm xử lý nước thải đô thị chưa được quản lý thống nhất (có nơi quy định theo QCVN 14, có nơi quy định theo QCVN 40) nên TCMT đề nghị được quy định cụ thể tại QCVN này (thay thế QCVN 14). Trong đó, do tính chất nước thải đô thị chủ yếu là nguồn nước thải sinh hoạt, nhưng có lưu lượng xả thải rất lớn, thường từ 10.000 - 15.000m3/ngày trở lên (hơn nhiều lần so với hầu hết các nguồn nước thải công nghiệp) nên các thông số kiểm soát được kế thừa từ QCVN 14 nhưng ngưỡng kiểm soát có giá trị chặt chẽ hơn để bảo đảm tổng tải lượng chất ô nhiễm không vượt quá sức chịu tải của môi trường.

Thông tin thêm về tình hình xây dựng và hoàn thiện các dự thảo Quy chuẩn này, đại diện lãnh đạo Vụ Khoa học và công nghệ cho biết, đến nay, 6 Quy chuẩn phế liệu đã đủ điều kiện ban hành. Đối với 5 QCVN về chất lượng môi trường, sau khi nhận được hồ sơ từ Tổng cục Môi trường, Vụ sẽ phối hợp Vụ Pháp chế hoàn thiện lại, sau đó gửi Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định và có thể ban hành được vào tháng 10. Với 4 QCVN về chất thải, Vụ khoa học và Công nghệ đề nghị Tổng cục Môi trường khẩn trương tổng hợp các ý kiến góp ý, gửi Vụ Khoa học và Công nghệ thẩm tra để kịp ban hành trong năm 2021.

Nhấn mạnh vai trò việc ban hành các quy chuẩn môi trường, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho rằng, các quy chuẩn môi trường của Việt Nam chính là cơ sở để thực thi Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật. Do vậy, ông Nhân yêu cầu Tổng cục Môi trường phối hợp với các đơn vị khẩn trương rà soát, đề xuất xây dựng kịp thời các quy chuẩn. Các quy chuẩn môi trường mới được xây dựng dựa trên phương thức tiếp cận mới, sát thực tiễn, khách quan, khoa học và phù hợp với quốc tế để các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, giúp đất nước phát triển bền vững.

Nhật Anh