Nghị quyết của Quốc hội về Quy hoạch và Kế hoạch sử dụng đất quốc gia

Bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong quá trình thực hiện

- Chủ Nhật, 21/11/2021, 04:25 - Chia sẻ
Tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội đã thông qua Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025 với tầm nhìn dài hạn và có sự linh hoạt hơn trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng một số loại đất. Để Quy hoạch và Kế hoạch này phát huy hiệu quả cao nhất, các đại biểu Quốc hội cũng lưu ý quá trình triển khai phải bảo đảm sự tương thích của các quy hoạch ngành có sử dụng đất, giữ nghiêm kỷ cương quy hoạch.

Linh hoạt hơn trong sử dụng đất lúa

Nghị quyết của Quốc hội về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) đưa ra quan điểm rõ ràng về mục tiêu của quy hoạch này. Theo đó, Quy hoạch và Kế hoạch được xây dựng nhằm bảo đảm nhu cầu sử dụng đất để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Phân bổ hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất đai cho các ngành, lĩnh vực và các địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Và, tạo nền tảng để đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Để nâng cao hiệu quả sử dụng hiệu quả đất, Quốc hội giao Chính phủ, các cơ quan hữu quan hoàn thiện các quy định tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng đất chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch. Diện tích đất trồng lúa được cho phép linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, song chỉ trong phạm vi tối đa 300 nghìn hecta đất trồng lúa và bảo đảm không làm thay đổi tính chất, điều kiện sử dụng đất trồng lúa, có thể chuyển đổi trở lại trồng lúa khi cần thiết. Tất nhiên, việc chuyển đổi đất trồng lúa được quy định cần hạn chế và kiểm soát chặt chẽ, nhất là đất chuyên trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp, đặc biệt là đất khu công nghiệp.

Giải thích về lý do được phép linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa, tại Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp thu, chỉnh lý và giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết nêu rõ: Quy hoạch đất trồng lúa được tính toán trên cơ sở bảo đảm nhu cầu lương thực của quốc gia trong thời kỳ quy hoạch, đồng thời bám sát Kết luận số 81-KL/TW của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, phù hợp với tiềm năng đất đai từng vùng, địa phương trong phát triển đất trồng lúa.

Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đưa ra thực tế ở một số nơi, việc sử dụng đất trồng lúa để trồng các cây khác hoặc nuôi trồng thủy sản đang diễn ra và cho thấy hiệu quả kinh tế cao hơn. Trong khi đó, với các quy định tại Luật Trồng trọt, một số văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ ban hành đã có thể quản lý chặt chẽ, quy định điều kiện chuyển đổi linh hoạt đất trồng lúa.

Quy hoạch sử dụng đất quốc gia cần đi trước một bước

Giữ kỷ cương, kỷ luật trong thực thi

Về nguyên tắc, sau khi Quy hoạch sử dụng đất quốc gia được phê duyệt, các tỉnh, thành phố sẽ xây dựng quy hoạch tương ứng ở cấp tỉnh, huyện để thực hiện thu hồi đất phục vụ các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu của địa phương. Nhưng, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo (Bắc Ninh) lo ngại, việc tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch và Kế hoạch sử dụng đất trong thời gian tới sẽ gặp một số vướng mắc. Bởi, theo quy định của Luật Quy hoạch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch, thì việc thu hồi đất để thực hiện các mục tiêu phát triển của địa phương được thực hiện khi có quy hoạch cấp huyện. Song, hiện số lượng quy hoạch cấp tỉnh được phê duyệt thấp, nhìn chung các quy hoạch cấp tỉnh đang hoàn thiện. “Cần phải đẩy nhanh, hoàn thiện toàn bộ các quy hoạch cấp tỉnh, kế hoạch sử dụng đất của địa phương phù hợp với quy hoạch quốc gia thì mới có cơ sở để thực hiện được thu hồi đất phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội…” đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo nói.

Nhấn mạnh đất đai không phải tài nguyên thông thường mà còn là không gian sinh tồn, là cương thổ quốc gia và là nguồn lực phát triển, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Quảng (Đà Nẵng) cho biết, trên thực tế có một số địa phương khi áp các bản đồ quy hoạch ngành sử dụng đất vào quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đều “trật” hết, làm giảm hiệu quả công tác quản lý đất đai. Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Long An) lưu ý, ở các nước tiên tiến thực hiện tích hợp các quy hoạch bằng bản đồ không gian, tức là sử dụng viễn thám và GIS để làm bản đồ chồng lớp, đầu tiên là bản đồ quy hoạch sử dụng đất đai, tích hợp với bản đồ giao thông, bản đồ công trình ngầm... Ở nước ta làm không đồng bộ, nên được cái này thì mất cái kia. Do vậy, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, gốc của vấn đề muốn làm quy hoạch cho tốt, Chính phủ phải xác định các giải pháp để xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai tập trung, thống nhất, có một cơ sở dữ liệu số dùng chung. Có như vậy, khi xây dựng các quy hoạch ngành, lĩnh vực sử dụng đất mới thống nhất với quy hoạch sử dụng đất nền tảng, tạo thuận lợi cho công tác quản lý, cũng như thực hiện giám sát. 

Trong quá trình thực hiện, đại biểu Quốc hội Nguyễn Xuân Thắng (Quảng Ninh) nhấn mạnh, cần nêu cao kỷ cương quy hoạch, đã ban hành Quy hoạch sử dụng đất quốc gia cho thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì không thể có tư duy nhiệm kỳ, điều chỉnh quy hoạch khi sang một nhiệm kỳ mới. Dù Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 được xây dựng không mang tư tưởng khép kín hoặc đóng cứng, không được điều chỉnh, nhưng theo đại biểu Nguyễn Xuân Thắng, sự điều chỉnh ở đây là trên tổng thể đã được phê duyệt. Trong một khu đô thị không thể chèn một công trình khác vào diện tích đất được quy hoạch sử dụng cho mục đích văn hóa, giáo dục, công viên… Cùng với việc giữ kỷ cương trong triển khai thực hiện quy hoạch sử dụng đất, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng lưu ý, cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ, vì như vậy sẽ buộc các cơ quan, đơn vị, cá nhân chấp hành nghiêm quy hoạch.

Với sự đồng hành, vào cuộc từ sớm, từ xa của lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ đã xây dựng và trình Quốc hội xem xét thông qua một quy hoạch sử dụng đất quốc gia cho thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch này được cho là tạo tiền đề quan trọng để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tạo động lực cho nền kinh tế nước ta phát triển trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, một quy hoạch dù tốt đến mấy cũng chỉ thực sự phát huy được hiệu quả khi tất cả các chủ thể liên quan đồng lòng thực hiện, vì mục tiêu chung, bảo đảm sự tương thích, đồng bộ, thống nhất của các quy hoạch ngành có sử dụng đất, giữ nghiêm kỷ cương trong quá trình thực hiện. 

Lê Bình