Lắp camera "phạt nguội" toàn quốc

Bảo đảm minh bạch, tăng ý thức chấp hành luật

- Thứ Ba, 29/12/2020, 06:42 - Chia sẻ
Khắc phục bất cập trong giám sát, xử lý vi phạm luật giao thông, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an vừa đề xuất lắp camera "phạt nguội" trên toàn quốc. Xung quanh thông tin này, dư luận cho rằng, đề án này nếu được triển khai sẽ là liều thuốc điều trị hiệu quả hành vi cố tình vi phạm Luật Giao thông đường bộ, bảo đảm tính minh bạch, tăng ý thức tự giác chấp hành luật của người tham gia giao thông, đồng thời hạn chế tham nhũng.

Chưa đồng bộ

Theo báo cáo của Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công an, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, song tình trạng vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông còn khá phổ biến. Đáng chú ý là tình trạng người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, ma túy, chạy quá tốc độ quy định, đi không đúng phần đường, làn đường, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy.

Trong năm 2020, cả nước đã xảy ra 84 vụ ùn tắc giao thông kéo dài. Đặc biệt, sau 10 ngày (15.12 - 24.12.2020) thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông phục vụ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý hơn 69.000 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông. Đáng chú ý, trong 10 ngày ra quân cao điểm, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã phát hiện 5.877 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn; 46 tài xế dương tính với ma túy.

Nguyên nhân là do lượng phương tiện tham gia giao thông tăng nhanh trong điều kiện cơ sở hạ tầng giao thông chưa được cải thiện nhiều. Tần suất người và phương tiện ra, vào khu vực nội thành các thành phố quá lớn; công tác tổ chức giao thông chưa phù hợp; năng lực và hiệu quả của hệ thống dịch vụ vận tải công cộng còn nhiều bất cập… Trong khi đó, sử dụng công nghệ trong giám sát hành trình được coi là giải pháp tối ưu nhằm phát hiện, xử lý vi phạm kịp thời, song thực tế hiện nay hệ thống camera chưa được lắp đặt đồng bộ, thống nhất. Trong các thành phố chủ yếu mới chỉ quan sát hành vi dừng đỗ trái phép, các vụ tai nạn xảy ra, các vụ phạm tội trên đường phố; camera trên quốc lộ đo tốc độ tự động để phát hiện vi phạm về tốc độ, nguyên nhân chính gây tai nạn. Mặt khác, do chưa có quy định bắt buộc nhà thầu, nhà đầu tư lắp đặt hệ thống giám sát khi xây dựng các tuyến cao tốc, quốc lộ mới nên chỉ một số tuyến cao tốc mới như Hà Nội - Hải Phòng, Pháp Vân - Cầu Giẽ... được nhà thầu lắp đặt.

Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết: Việt Nam hiện có hơn chục tuyến cao tốc và gần 130 tuyến quốc lộ từ Bắc vào Nam, tuy nhiên chỉ một số tuyến được lắp đặt camera. Cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài 262km, có 110 camera giám sát; cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương dài 61,9km có 11 camera; cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dài 130km, lắp đặt 78 camera. Tuyến Quốc lộ 1A đoạn Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình dài 330km có 90 camera; đoạn TP Hồ Chí Minh - Đồng Nai đã lắp đặt 43 camera.

Theo Cục Cảnh sát giao thông, hệ thống camera xử phạt nguội trên toàn quốc trong hơn một năm qua đã giúp ghi nhận, xử phạt trên 120.000 trường hợp vi phạm.

Lắp camera phạt nguội trên toàn quốc

Thực hiện Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 của Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt, thời gian tới lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó trọng tâm là ứng dụng khoa học kỹ thuật trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông để đạt được mục tiêu xuyên suốt là ổn định tình hình trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là giảm thiểu tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông và xây dựng hình ảnh cảnh sát giao thông thân thiện. 

Theo Đại tá Đỗ Thanh Bình: Hiện việc đầu tư hệ thống camera giám sát có các nguồn vốn khác nhau, trong đó có nguồn vốn do Bộ Công an đầu tư cho Cục Cảnh sát giao thông và công an các địa phương, các đề án do UBND các tỉnh đầu tư sau đó chuyển giao cho công an quản lý. Đơn cử tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nguồn vốn đầu tư lắp đặt camera của địa phương, một số tỉnh thành khác thì UBND tỉnh thuê thiết bị của một số đơn vị… Như vậy, việc lắp đặt các hệ thống khác nhau nhưng nếu không có chỉ đạo thống nhất thì tính kết nối, tính hệ thống rất khó khăn. Do vậy, Cục Cảnh sát Giao thông đã xây dựng Dự thảo Tờ trình Đề án đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, ngoài hệ thống camera hiện có trên một số tuyến cao tốc, Cục Cảnh sát giao thông đề xuất lắp đặt hai loại camera giám sát an ninh, điều khiển giao thông và camera phát hiện lỗi vi phạm trên toàn quốc, bao phủ các tuyến cao tốc và quốc lộ trọng điểm.

Chia sẻ với báo chí về hiệu quả của việc lắp đặt camera "phạt nguội" trên toàn quốc, Đại tá Đỗ Thanh Bình cho rằng: nếu đề án được thông qua sẽ được triển khai vào năm 2021, thì đây là liều thuốc điều trị hiệu quả hành vi cố tình vi phạm pháp luật về giao thông khi không có lực lượng chức năng, từ đó góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông. Việc tăng cường "phạt nguội" sẽ hạn chế xử phạt thủ công, không những bảo đảm được sự minh bạch trong xử phạt, nâng cao ý thức tự giác chấp hành của người tham gia giao thông. Bên cạnh đó, khi hệ thống camera giám sát được lắp đặt đầy đủ thì cảnh sát giao thông sẽ không phải ra đường lập chốt để xử phạt nhiều như hiện nay.

Bình luận về vấn đề này, các chuyên gia về vận tải cũng cho rằng: việc lắp đặt camera không chỉ để xử phạt người có hành vi vi phạm, mà còn có tác dụng nhất định trong việc điều chỉnh ý thức tham gia giao thông ở những nơi không có lực lượng cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm soát. Chuyên gia vận tải Bùi Danh Liên bày tỏ: Việc áp dụng công nghệ vào quản lý nhà nước là điều đáng hoan nghênh. Đây sẽ tạo hành lang pháp lý cho cảnh sát giao thông xử lý vi phạm, giúp lực lượng này đỡ phải ra đường tiếp xúc với tài xế, tránh được tiêu cực, tham nhũng.

Bài và ảnh: Hải Thanh