Bảo đảm người di cư được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe

- Thứ Bảy, 27/11/2021, 07:07 - Chia sẻ
Đại dịch Covid-19 không chỉ là khủng hoảng y tế toàn cầu với hạn chế đi lại, mà còn là cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, ảnh hưởng tới những người dễ tổn thương nhất, bao gồm người lao động di cư và gia đình họ. Theo đó, bảo đảm cho người di cư được tiếp cận đầy đủ và công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản, trong đó có dịch vụ y tế - dân số trong bối cảnh hiện nay chính là thể hiện quyết tâm lớn của các cấp, ngành trong việc thực hiện Nghị quyết số 21- NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới.

Lao động di cư: Nhóm dân cư dễ bị tổn thương

Với khoảng 98 triệu người, Việt Nam là quốc gia có quy mô dân số đứng thứ 15 trên thế giới, thứ 8 tại châu Á và thứ 3 trong cộng đồng ASEAN. Kết quả Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê cho thấy, di cư nội địa trong 5 năm qua của nước ta là hơn 7% dân số. Dòng di cư nội địa chủ đạo của Việt Nam là từ thành thị đến thành thị và từ nông thôn ra thành thị. Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay khi dịch Covid-19 bùng phát tại các tỉnh phía Nam như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... chúng ta đã liên tiếp chứng kiến những làn sóng người lao động di cư về quê.

	Triển khai thỏa thuận toàn cầu về di cư và xây dựng chương trình sức khỏe người di cư Việt Nam
Triển khai thỏa thuận toàn cầu về di cư và xây dựng chương trình sức khỏe người di cư Việt Nam

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số, Bộ Y tế Nguyễn Doãn Tú: Di cư là một sự tất yếu và là động lực của phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, di cư cũng tạo ra những khó khăn, thách thức cho cả nơi đi và nơi đến. Nơi đi là sự khuyết thế hệ và sụt giảm lực lượng lao động; nơi đến là các sức ép đối với cơ sở hạ tầng, dịch vụ an sinh xã hội, y tế, nước sạch, giáo dục, giao thông và thậm chí cả những vấn đề an toàn, an ninh, trật tự xã hội. Bản thân người di cư phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhiều rào cản trong việc tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ trên. Người di cư cũng là một trong những nhóm dân số dễ bị tổn thương, nhất là trong đại dịch Covid-19 hiện nay.

Đồng tình với quan điểm trên, các chuyên gia trong lĩnh vực dân số, bình đẳng giới cũng cho rằng: Dịch Covid-19 xảy ra càng tăng thêm các nguy cơ khác cho người di cư, bởi hầu hết môi trường sống của người lao động di cư thường có mật độ dân số dày, dễ lây truyền dịch bệnh. Bên cạnh đó, người di cư cũng thiếu thông tin về môi trường mới, chưa có hộ khẩu, chưa có bảo hiểm y tế nên việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe gặp không ít khó khăn, vướng mắc. GS.TS. Nguyễn Đình Cử, Viện Dân số gia đình và trẻ em, Bộ Y tế dẫn chứng: Điều tra mới nhất về việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người di cư cho thấy, mới chỉ có khoảng 2/3 người di cư có bảo hiểm y tế, nhiều người di cư không có hộ khẩu. Do đó, có khả năng gặp khó khăn về chăm sóc sức khỏe.

Một trong những mục tiêu quan trọng của Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (Thỏa thuận GCM) là đấu tranh và xóa bỏ nạn mua bán người trong di cư quốc tế. Việt Nam đã thông qua Thỏa thuận GCM và đang tích cực triển khai thỏa thuận này.

Sớm có chương trình chăm sóc toàn diện

Có thể thấy trong những năm qua Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người di cư. Cụ thể, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới đều nhấn mạnh: Bảo đảm người di cư được tiếp cận đầy đủ và công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản, trong đó có dịch vụ y tế - dân số.

Theo đó, nhằm thúc đẩy cách tiếp cận toàn diện, đa ngành, tối ưu hóa lợi ích của người di cư, đồng thời giảm thiểu những rủi ro của quá trình này, Liên Hợp Quốc đã thông qua Thỏa thuận Toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự. Ngày 20.3.2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 402/QĐ-TTG ban hành Kế hoạch triển khai thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên Hợp Quốc. Ngày 31.12.2020, Bộ Y tế cũng đã ban hành Quyết định số 5608/ QĐ-BYT để triển khai Thỏa thuận này trong lĩnh vực y tế.

Trưởng phái đoàn Di cư Quốc tế tại Việt Nam (IOM) Mihyung Park nhấn mạnh: Dịch Covid-19 đặt ra khó khăn cho rất nhiều bên liên quan, đặc biệt là người di cư: Họ bị mắc kẹt ở nước gốc, nước quá cảnh và nước tiếp nhận, đồng thời cũng là một trong nhóm dễ bị tổn thương; việc đáp ứng những dịch vụ y tế thiết yếu cho người di cư còn nhiều hạn chế. Do đó, các quốc gia cần phải tăng cường nỗ lực để bảo đảm di cư diễn ra một cách an toàn, hợp pháp và được hỗ trợ, bảo vệ kịp thời. 

Đồng tình với ý kiến trên, nhiều chuyên gia dân số, pháp luật cho rằng, để bảo đảm tất cả người di cư được tiếp cận đầy đủ và công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản, trong đó có dịch vụ y tế - dân số, việc tăng cường truyền thông về sức khỏe cho người di cư là cần thiết. Theo đó, cần đa dạng hóa kênh truyền thông để thích hợp với từng nhóm đối tượng người di cư như người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất, nhà máy, người sống trong xóm trọ, thậm chí, truyền thông tới cả người quản lý, sử dụng lao động…

Bài và ảnh: Bảo Hân