Bảo đảm nguyên tắc khi bầu Ủy viên Ủy ban Nhân dân

- Thứ Bảy, 12/06/2021, 07:25 - Chia sẻ
Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định chức danh Ủy viên Ủy ban Nhân dân (UBND) gắn với chức vụ người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND là quy định mới có tính khoa học về tổ chức hành chính, góp phần tăng cường hoạt động giám sát của HĐND, tạo ra khung khổ pháp lý cần thiết, giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và bộ máy hành chính nhà nước ở địa phương. Vì vậy, trình tự bầu chức danh Ủy viên UBND cấp tỉnh, cấp huyện và bổ nhiệm họ vào chức danh người đứng đầu cơ quan chuyên môn cùng cấp tại Kỳ họp thứ Nhất HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 sao cho bảo đảm nguyên tắc áp dụng pháp luật và tính thống nhất trong thực thi là vấn đề cần được quan tâm.

Thiếu thống nhất trong nhận thức, áp dụng

Thực tế nhiệm kỳ 2016 - 2021, việc nhận thức, áp dụng pháp luật về trình tự bầu chức danh Ủy viên UBND tại Kỳ họp thứ Nhất ở các địa phương có khác nhau. Có nơi, thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương (TCCQĐP) 2015 và hướng dẫn số 1138/HD-UBTVQH13 ngày 3.6.2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau khi HĐND bầu Ủy viên UBND thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện mới ra quyết định bổ nhiệm cán bộ trúng cử Ủy viên UBND làm người đứng đầu cơ quan chuyên môn tương ứng thuộc UBND cùng cấp (trừ Ủy viên phụ trách công an và Ủy viên phụ trách quân sự thực hiện theo cơ chế tản quyền).

Phiên họp thứ 40 của Thường trực HĐND tỉnh Lâm Đồng cho ý kiến về Kỳ họp thứ Nhất của HĐND tỉnh Khóa X - ẢNH L. NGUYÊN
Phiên họp thứ 40 của Thường trực HĐND tỉnh Lâm Đồng cho ý kiến về Kỳ họp thứ Nhất của HĐND tỉnh Khóa X 
Ảnh: L. NGUYÊN

Tuy vậy, có nơi không thực hiện theo quy trình đó, tức không ra quyết định bổ nhiệm cán bộ trúng cử Ủy viên UBND làm người đứng đầu cơ quan chuyên môn, vì cho rằng: Những người đứng đầu cơ quan chuyên môn là công chức (áp dụng theo Luật Cán bộ công chức 2008), đã được bổ nhiệm trước thời điểm bầu cử HĐND và đang trong thời hạn bổ nhiệm theo quy chế bổ nhiệm công chức lãnh đạo quy định tại Quyết định số 27/2003/QĐ - TTg ngày 19.2.2003; có quan điểm còn coi Ủy viên UBND chỉ là chức danh kiêm nhiệm, tức là “làm thêm” (!). Hệ quả pháp lý của quy trình này dẫn đến việc HĐND bầu Ủy viên UBND chỉ là hình thức.

Chưa có thống kê cụ thể về 2 cách làm khác nhau nói trên ở 63 tỉnh, thành phố và hơn 700 đơn vị hành chính cấp huyện trong cả nước, nhưng có thể thấy rằng, cách nhận thức, áp dụng pháp luật còn thiếu thống nhất và chưa có văn bản quy phạm nào điều chỉnh mâu thuẫn này trong nhiệm kỳ qua.

Bảo đảm tính hợp pháp, hợp lý

2021 - 2026 là nhiệm kỳ thứ hai thực hiện Luật TCCQĐP 2015. Để tìm câu trả lời quy trình nào bảo đảm tính hợp pháp và hợp lý của quy phạm pháp luật trong hai cách làm nói trên, xin trao đổi mấy vấn đề có tính tham khảo.

Thứ nhất, việc thiết kế mô hình bộ máy nhà nước và quy trình về tổ chức cán bộ tất yếu phải xuất phát từ cơ sở chính trị của Nhà nước. Hiến pháp nước ta thiết lập chế độ chính trị dân chủ cộng hòa theo tư tưởng Hồ Chí Minh “Nước ta là một nước dân chủ”, “Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra”. Chức danh Ủy viên UBND do HĐND bầu cũng chính là do dân cử ra, hoạt động theo nhiệm kỳ của HĐND. Chức danh Ủy viên UBND có trước - là “việc chính” chứ không phải việc “kiêm nhiệm” hay “việc phụ” - là tiêu chuẩn để Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện ra quyết định bổ nhiệm vào chức vụ người đứng đầu cơ quan chuyên môn; khi hết nhiệm kỳ HĐND thì đương nhiên chức vụ đó cũng không còn hợp pháp và phải thực hiện bầu lại, bổ nhiệm lại mới “chính danh”. Nghị định số 138/2020/NĐ-CP (bãi bỏ Quyết định số 27/2003/QĐ - TTg) quy định tại Điều 42, về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm cán bộ, công chức cũng đã ghi rõ: “Bảo đảm tiêu chuẩn chung, tiêu chuẩn chức danh theo quy định của Đảng, Nhà nước và tiêu chuẩn cụ thể của chức vụ bổ nhiệm theo quy định của cơ quan có thẩm quyền”.

Thứ hai, theo quy định tại Điều 156, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) 2015 về nguyên tắc áp dụng VBQPPL luật: “Trong trường hợp các VBQPPL có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn”. “Trong trường hợp các VBQPPL do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của VBQPPL ban hành sau”. Điều 24, Luật Cán bộ, công chức 2008 (Luật chuyên ngành) cũng đã quy định rõ việc bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm chức vụ, chức danh cán bộ theo nhiệm kỳ trong cơ quan nhà nước từ Trung ương đến cấp huyện được thực hiện theo quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức HĐND và UBND. Như vậy, tất cả các quy trình bầu cử, bổ nhiệm cán bộ, công chức đều phải tuân thủ theo Luật TCCQĐP 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) và các VBQPPL ban hành có căn cứ theo Luật này; những VBQPPL liên quan có căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND 2003 đương nhiên không còn giá trị pháp lý, trừ trường hợp có quy định khác của pháp luật.

Thứ ba, xuất phát từ những nguyên tắc cơ bản trong áp dụng pháp luật nêu trên, Chính phủ đã ban hành các Nghị định số 107/2020/NĐ-CP và Nghị định số 108/2020/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2014/NĐ-CP và Nghị định số 24/2014/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và cấp huyện. Trong đó, quy định rõ trình tự: Người đứng đầu sở thuộc UBND cấp tỉnh là Ủy viên UBND cấp tỉnh do HĐND cấp tỉnh bầu, do Chủ tịch UBND cấp tỉnh bổ nhiệm. Người đứng đầu phòng thuộc UBND cấp huyện là Ủy viên UBND cấp huyện do HĐND cấp huyện bầu, do Chủ tịch UBND cấp huyện bổ nhiệm. Như vậy, Nghị định Chính phủ đã quy định bầu rồi mới bổ nhiệm.  

Từ luận cứ cơ sở chính trị và pháp lý nêu trên có thể khẳng định, Luật TCCQĐP 2015 quy định chức danh Ủy viên UBND gắn với chức vụ người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND là quy định mới có tính khoa học về tổ chức hành chính, góp phần tăng cường hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, tạo ra khung khổ pháp lý cần thiết, giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và bộ máy hành chính nhà nước ở địa phương. Việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn bản VBQPPL liên quan nhằm hướng dẫn, khắc phục những bất cập, mâu thuẫn phát sinh nêu trên cần dựa trên nguyên tắc “ưu tiên áp dụng luật được ban hành sau” và trên cơ sở thực thi Luật TCCQĐP, Nghị định số 107/2020/NĐ-CP và Nghị định số 108/2020/NĐ-CP, hướng tới mục tiêu và lộ trình hoàn thiện thể chế, bảo đảm đồng bộ, liên thông giữa pháp luật của Nhà nước với quy định của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Thạc sĩ Nguyễn Vân Hậu