Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)

Bảo đảm phù hợp với đặc thù của Quốc hội

- Thứ Tư, 19/01/2022, 05:49 - Chia sẻ
Cho ý kiến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) tại Phiên họp thứ Bảy sáng qua, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật đã khắc phục cơ bản những bất cập trong khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách thời gian vừa qua. Tuy nhiên, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, cần tiếp tục nghiên cứu, đầu tư làm rõ các nội dung liên quan đến thi đua, khen thưởng phù hợp với đặc thù hoạt động của Quốc hội, đồng thời, phải bảo đảm thống nhất và phù hợp với thực tiễn.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên họp Ảnh: L. Hiển
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên họp
Ảnh: L. Hiển

Chưa thống nhất với thực tiễn 

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho rằng, thời gian qua, công tác thi đua, khen thưởng trong khối các cơ quan nhà nước mới chỉ tập trung vào khối các cơ quan hành pháp mà chưa chú ý tới khối các cơ quan dân cử, nhất là các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách. Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách tán thành với việc cần thiết bổ sung, làm rõ các nội dung liên quan đến khen thưởng ĐBQH chuyên trách ở Trung ương và địa phương. Dự thảo Luật đã bổ sung thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khoản 1, Điều 77 và Điều 96), thẩm quyền của Tổng Thư ký Quốc hội (khoản 3 Điều 81), bổ sung đại diện lãnh đạo Quốc hội vào thành phần của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương (khoản 2 Điều 87).

Về thẩm quyền đề nghị khen thưởng, dự thảo Luật giữ nguyên như quy định Luật hiện hành là giao cho Tổng Thư ký Quốc hội. Tuy nhiên, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, khen thưởng là việc ghi nhận, biểu dương, tôn vinh công trạng và khuyến khích đối với cá nhân có thành tích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để nắm bắt, hiểu rõ thành tích của ĐBQH hoạt động chuyên trách ở Trung ương cũng như địa phương, thì ngoài cơ quan trực tiếp quản lý đại biểu còn có cơ quan được giao nhiệm vụ giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác đại biểu.

Quy định như dự thảo Luật không thống nhất với thực tiễn phân công công tác của Ban Công tác đại biểu hiện nay. Ban Công tác đại biểu là cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phụ trách theo dõi công tác tổ chức, nhân sự, chế độ, chính sách đối với ĐBQH và các cơ quan Quốc hội. Thực tiễn, tất cả khen thưởng đối với ĐBQH do Ban Công tác đại biểu đề nghị. Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị, cần cân nhắc và lý giải cụ thể hơn để rõ nội dung liên quan đến giao thẩm quyền đề nghị khen thưởng ĐBQH hoạt động chuyên trách ở Trung ương cho Tổng Thư ký Quốc hội, hay cơ quan được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao về công tác đại biểu. “Ở đây không phải câu chuyện ai làm mà là ổn định thiết kế trong dự thảo Luật nhằm bảo đảm tính khoa học, hợp lý và phù hợp với thực tiễn”, Trưởng ban Công tác đại biểu nêu vấn đề. 

Theo khoản 3, Điều 81 dự thảo Luật, Tổng Thư ký Quốc hội trình khen thưởng Huân chương, Huy chương, danh hiệu vinh dự Nhà nước cho ĐBQH chuyên trách ở trung ương, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đối với 2 hình thức khen thưởng là Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước, thì ĐBQH hoạt động chuyên trách ở Trung ương có được nhận không? Và nếu có thì cơ quan nào, người có thẩm quyền nào sẽ trình hai hình thức khen thưởng này đối với ĐBQH hoạt động chuyên trách ở Trung ương? - Trưởng ban Công tác đại biểu nêu câu hỏi.

Cũng theo khoản 3, Điều 81 dự thảo Luật, ĐBQH hoạt động chuyên trách ở địa phương do địa phương khen thưởng và đề nghị khen thưởng theo phân cấp về thẩm quyền quản lý đối với cán bộ ở địa phương. Trưởng ban Công tác đại biểu băn khoăn, với quy định ở khoản này, đại biểu hoạt động chuyên trách ở địa phương do địa phương khen thưởng thì có loại trừ việc ĐBQH hoạt động chuyên trách ở địa phương được nhận Kỷ niệm chương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hay không? Cơ quan tiếp thu, giải trình, chỉnh lý cần làm rõ mối quan hệ và những quy định thiết kế trong dự thảo Luật như vậy đã bảo đảm hợp lý trong việc phân cấp cũng như triển khai thực hiện hai nội dung này hay chưa?

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị nội dung nêu trên cần được đầu tư thêm, vì quy định như dự thảo Luật không giải quyết được vấn đề bức xúc của rất nhiều ĐBQH chuyên trách ở địa phương thời gian vừa qua. Thực tiễn cho thấy, mặc dù theo Quy định 105-QĐ/TW của Bộ Chính trị là phân cấp quản lý của cấp ủy ở địa phương. Nhưng các ĐBQH hoạt động chuyên trách ở địa phương hầu như không được đề nghị khen thưởng do cấp ủy địa phương “không biết gì về hoạt động của ĐBQH hoạt động chuyên trách ở địa phương”, bởi những đại biểu này thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Quốc hội giao liên quan đến hoạt động của Quốc hội. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Hoàng Thanh Tùng đề nghị, dự thảo Luật cần giải quyết mối quan hệ giữa thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với thẩm quyền quản lý địa phương một cách hài hòa; làm rõ ai đề xuất, kiến nghị, ai khen thưởng”.

Các điều khoản khen thưởng trong khối Quốc hội không khớp nhau

Dự thảo Luật đã bổ sung thẩm quyền, trách nhiệm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thi đua, khen thưởng. Trong đó, bổ sung thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tặng Kỷ niệm chương (khoản 1, Điều 77 dự thảo Luật) đối với cá nhân, trong đó có các ĐBQH, và đối với tổ chức như Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cơ bản tán thành với nội dung này, song Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, dự thảo Luật chưa quy định hình thức khen thưởng phù hợp với tính chất hoạt động của Quốc hội, của cơ quan dân cử. Xét về mặt tổ chức và mặt tập thể thì Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban, các cơ quan của Quốc hội có được khen thưởng tập thể hay không? Đặt vấn đề này, Trưởng ban Công tác đại biểu đề nghị nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Luật hình thức khen thưởng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Điều 94 dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về thi đua, khen thưởng đối với ĐBQH, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị, làm rõ hơn phạm vi Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về thi đua, khen thưởng đối với các đối tượng: cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ĐBQH, trong đó có ĐBQH hoạt động chuyên trách.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, kể cả thi đua, khen thưởng đối với cơ quan Quốc hội và ĐBQH thì vẫn phải "tuân theo những quy định của Luật Thi đua, khen thưởng chứ không thể vượt qua Luật được". Vì vậy, Điều 94 dự thảo Luật cần phải xác định rõ phạm vi Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định, ví dụ quy định cụ thể tiêu chuẩn, thủ tục, trình tự để phù hợp với đặc thù hoạt động Quốc hội. Xác định rõ phạm vi, nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định, tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ để sau này hướng dẫn thi hành.

Trên cơ sở nghiên cứu toàn diện dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhận thấy, các điều khoản về khen thưởng trong khối Quốc hội được thiết kế "không khớp với nhau". Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ủy ban Xã hội - cơ quan chủ trì thẩm tra và tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật này, cần phối hợp với các cơ quan liên quan, trong đó có Ban Thi đua - Khen thưởng của Bộ Nội vụ, để lập ra đề cương, làm rõ những vấn đề gì đưa vào luật, còn vấn đề gì Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn?

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị, Ủy ban Xã hội tiếp tục chủ động phối hợp với Ban soạn thảo, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tư pháp, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan có liên quan để tiếp thu đầy đủ, thấu đáo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, tiếp tục tổ chức tọa đàm, hội thảo, lấy ý kiến rộng rãi để bảo đảm chất lượng của dự án Luật khi trình Quốc hội.

Nhật An