Xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc

Bảo đảm quyền của người không hút thuốc

- Chủ Nhật, 19/12/2021, 06:51 - Chia sẻ

Mới đây, Ban Chỉ đạo về Phòng, chống tác hại thuốc lá và Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã ban hành 9 tiêu chí xây dựng nơi làm việc không khói thuốc lá. Bộ tiêu chí hướng tới mục tiêu giúp cho người không hút thuốc giảm được nguy cơ tiếp xúc thụ động với khói thuốc, giảm bệnh tật và nguy cơ tử vong, từ đó, tiết kiệm được chi phí khám, chữa bệnh...

Tỷ lệ hút thuốc thụ động giảm

Theo thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ hút thuốc lá thụ động đã giảm xuống ở hầu hết các địa điểm. Cụ thể, tại nơi làm việc giảm 13,3% (xuống còn 42,6%); tại các trường đại học, cao đẳng giảm 16,4% (xuống còn 37,9%); trên phương tiện giao thông công cộng giảm 15% (xuống còn 19,4%); tại gia đình giảm 13,2% (xuống còn 59,9%).

Việt Nam đang nằm trong số 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại Việt Nam, mỗi năm, có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Dự báo đến năm 2030, con số này có thể tăng lên tới 70.000 người/năm. Nhận thức rõ tác hại của thuốc lá, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên cả nước đã xây dựng mô hình làm việc không khói thuốc như mô hình trường học, bệnh viện, công sở, khách sạn, nhà hàng... không khói thuốc.

Việc các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, nhất là tác hại của thuốc lá điếu, các sản phẩm thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha); địa điểm cấm hút thuốc lá; nội dung xử phạt vi phạm hành chính trong phòng, chống tác hại của thuốc lá theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đã góp phần nâng cao ý thức tự giác của mỗi người trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Đặc biệt, theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay, đã có 1.560 cơ quan hành chính, 3.778 trường mẫu giáo, 3.577 trường tiểu học, 2.502 trường trung học cơ sở, 1.010 trường trung học phổ thông thực hiện quy định cấm hút thuốc trong khuôn viên và trong nhà. Ngoài ra, 169 trường đại học, cao đẳng trong toàn quốc thực hiện cấm hút thuốc lá tại khu vực trong nhà, 208 công ty xe khách thực hiện quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc và trên xe khách…

Xây dựng mô hình công sở “không khói thuốc”
Nguồn: ITN 

Đẩy mạnh phòng, chống hút thuốc nơi công cộng

Số liệu của ngành y tế cho thấy, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc lá trong nhà lên tới 67% và tại gia đình là 49%. Vì vậy, theo bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), muốn hạn chế tình trạng này chúng ta cần siết chặt hơn nữa quy định hút thuốc lá ở nơi công cộng, tiến tới giảm hút thuốc thụ động tại mỗi gia đình.

Theo bà Bà Trần Thị Trang, những năm qua, cùng với việc thực thi Luật phòng chống tác hại của thuốc lá, tình trạng hút thuốc lá thụ động ở các địa điểm công cộng đã giảm một cách rõ rệt, từ 6 - 13%, tuy nhiên tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động vẫn còn cao.

Như chúng ta đều biết, khói thuốc lá chứa hơn 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư. Trong môi trường sống hiện đại ngày nay, đâu đâu cũng có thể có khói thuốc lá, nhất là không có ngưỡng an toàn khi phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động, gây ảnh hưởng đến cộng đồng mà nạn nhân chủ yếu đa phần là phụ nữ và trẻ em. Thống kế cho thấy, 80% phụ nữ phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động, trong khi đó tỷ lệ này ở trẻ em là 50%.

Để đẩy lùi vấn nạn hút thuốc lá nơi công cộng, giảm tỷ lệ phơi nhiễm khói thuốc, Ban Chỉ đạo về Phòng, chống tác hại thuốc lá và Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã ban hành 9 tiêu chí xây dựng nơi làm việc không khói thuốc lá. Bộ tiêu chí nêu rất rõ các cơ quan tổ chức phải có kế hoạch hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá và lấy việc phòng, chống tác hại thuốc lá làm một tiêu chí thi đua của cán bộ, công chức. Ngoài ra, các hoạt động như mua bán thuốc lá hay nhận sự hỗ trợ, tài trợ trực tiếp, gián tiếp của các công ty thuốc lá hay các tổ chức liên quan đến công ty thuốc lá dưới mọi hình thức đều phải nghiêm cấm.

Cũng liên quan tới vấn nạn hút thuốc lá tại nơi công cộng, để tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính về việc phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế đã đề xuất với Chính phủ bổ sung quy định thực hiện thí điểm sử dụng các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện, xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá trong các văn bản pháp luật liên quan.

Bên cạnh đó, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá đang xây dựng ứng dụng phần mềm (app) trên điện thoại di động để tiếp nhận phản ánh của người dân đối với việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Thông qua ứng dụng này, người dân có thể ghi lại các hình ảnh, hành vi vi phạm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và gửi tới cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời.

Bằng những nỗ lực trong xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên cả nước đã góp phần tạo nên môi trường lành mạnh, bảo đảm quyền của những người không hút thuốc được hít thở bầu không khí trong lành. Qua đó, giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá.

Tùng Dương