Luật - Những điểm mới

Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân chưa có nơi thường trú

- Thứ Sáu, 18/12/2020, 07:09 - Chia sẻ
Luật Cư trú năm 2020 đã bổ sung các quy định nhằm quản lý tốt hơn người chưa đăng ký thường trú, tạm trú ở đâu. Quy định mới này có ý nghĩa quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về dân cư, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của một bộ phận công dân Việt Nam chưa có nơi thường trú, nơi tạm trú.

Bổ sung trường hợp bị hạn chế quyền tự do cư trú

Luật Cư trú năm 2020 có 7 chương, 38 điều và có một số nội dung mới so với Luật Cư trú năm 2006 (bổ sung năm 2013). Thiếu tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết, Luật quy định rõ việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân và các trường hợp bị hạn chế quyền tự do cư trú. Quy định mới trường hợp hạn chế đối với người bị cách ly do có nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng; địa điểm, khu vực cách ly vì lý do phòng, chống dịch bệnh theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền, địa điểm, khu vực, địa bàn có tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật; địa điểm không được đăng ký thường trú mới, đăng ký tạm trú mới, tách hộ theo quy định của Luật này để bảo đảm phù hợp với thực tiễn và pháp luật có liên quan như pháp luật về tình trạng khẩn cấp, pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm…

	Thiếu tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng Ảnh: Hoàng Ngọc
Thiếu tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng
Ảnh: Hoàng Ngọc

Luật bỏ một số nội dung quy định hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến sổ hộ khẩu và bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm phù hợp với phương thức quản lý cư trú mới như truy nhập, khai thác, hủy hoại, cản trở, gián đoạn hoạt động, thay đổi, xóa, phát tán, cung cấp trái phép thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú.

Bên cạnh các quyền theo luật hiện hành, Luật Cư trú 2020 bổ sung một số quyền để phù hợp, thống nhất với quy định của các văn bản pháp luật có liên quan và hình thức quản lý cư trú mới. Theo Thiếu tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng, công dân được lựa chọn, quyết định nơi thường trú, tạm trú của mình phù hợp với quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan, được bảo đảm bí mật thông tin cá nhân, thông tin về hộ gia đình trong cơ sở dữ liệu về cư trú, trừ trường hợp cung cấp theo quy định của pháp luật; được khai thác thông tin về cư trú của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, được cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước không phụ thuộc vào nơi cư trú của mình xác nhận thông tin về cư trú khi có yêu cầu.

Luật cũng quy định rõ quyền, nghĩa vụ của chủ hộ và thành viên hộ gia đình về cư trú. Luật quy định, những người cùng ở tại một chỗ ở hợp pháp và có quan hệ gia đình là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh ruột, chị ruột, em ruột, thì có thể đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú theo hộ gia đình.

Chủ hộ là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ do các thành viên hộ gia đình thống nhất đề cử, trường hợp hộ không có người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì chủ hộ là người được các thành viên hộ gia đình thống nhất đề cử. Trường hợp các thành viên hộ gia đình không đề cử được thì chủ hộ là thành viên hộ gia đình do Tòa án quyết định. Trường hợp hộ gia đình chỉ có một người thì người đó đồng thời là chủ hộ. Chủ hộ có quyền, nghĩa vụ thực hiện, tạo điều kiện, hướng dẫn thành viên hộ gia đình thực hiện quy định về đăng ký quản lý cư trú và những nội dung khác theo quy định của luật này. Thành viên hộ gia đình có quyền và nghĩa vụ thống nhất đề cử chủ hộ; thực hiện đầy đủ quy định về đăng ký, quản lý cư trú.

Quy định nơi cư trú của người làm nghề lưu động

Thiếu tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng nhấn mạnh quy định về nơi cư trú của người sinh sống, làm nghề lưu động trên tàu, thuyền hoặc phương tiện khác có khả năng di chuyển. Nơi cư trú của những người này là nơi đăng ký phương tiện đó, trừ trường hợp có nơi cư trú khác theo quy định của Luật Cư trú năm 2020. Đối với phương tiện không phải đăng ký hoặc có nơi đăng ký phương tiện trùng với nơi thường xuyên đậu, đỗ, thì nơi cư trú của người sinh sống, người làm nghề lưu động là nơi phương tiện đó thường xuyên đậu, đỗ.

Luật bổ sung quy định về nơi cư trú của 3 trường hợp: Người hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, trẻ em, người khuyết tật, người không nơi nương tựa trong cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo; người được chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp; người không có nơi thường trú, nơi tạm trú. Cụ thể, nơi cư trú của người hoạt động tín ngưỡng, nhà tu hành, chức sắc, chức việc, người khác hoạt động tôn giáo sinh sống trong cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo là cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo, trừ trường hợp có nơi cư trú khác theo quy định của luật. Nơi cư trú của trẻ em, người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người không nơi nương tựa được nhận nuôi và sinh sống trong cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo là cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo.

Nơi cư trú của người được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng là nơi cư trú của người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng. Nơi cư trú của người không có cả nơi thường trú và nơi tạm trú do không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú là nơi ở hiện tại của người đó; trường hợp không có chỗ ở cụ thể thì nơi ở hiện đại được xác định là đơn vị hành chính cấp xã nơi người đó đang thực tế sinh sống. Người không có nơi thường trú, nơi tạm trú phải khai báo thông tin về cư trú với cơ quan đăng ký cư trú tại nơi ở hiện tại.

 Việc bổ sung các quy định trên đây nhằm bảo đảm quản lý tốt hơn đối với người chưa đăng ký thường trú, tạm trú ở đâu (như người di cư, sống lang thang, không có giấy tờ tùy thân, không có chỗ ở hợp pháp hoặc có chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng không được chủ hộ đồng ý cho đăng ký thường trú, tạm trú…). Các quy định này cũng có ý nghĩa quan trọng trong công tác quản lý nhà nước đối với dân cư, cũng như bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của một bộ phận công dân Việt Nam chưa có nơi thường trú, nơi tạm trú.

“Quy định này sẽ là cơ sở để các địa phương xây dựng và áp dụng chính sách về KT - XH phù hợp cho nhóm người này, bảo đảm tốt hơn nữa trong công tác quản lý dân cư, giữ gìn an ninh, trật tự, nhất là trong giai đoạn tới đây, khi đất nước ta áp dụng phương thức quản lý dân cư bằng cơ sở dữ liệu điện tử thông qua mã số định danh cá nhân”, Thiếu tướng Lê Quốc Hùng khẳng định.

Anh Thảo