Bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh

- Thứ Năm, 26/11/2020, 08:42 - Chia sẻ
Ý kiến chuyên gia nhận định, nếu quy định các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ hỗ trợ kết nối vận tải là kinh doanh vận tải sẽ khiến các doanh nghiệp này phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh chuyên ngành, trong khi họ không thật sự hoạt động trong lĩnh vực đó. Từ đó dẫn tới việc nâng cao chi phí tuân thủ, chi phí vận hành, giảm tính cạnh tranh, giảm tính linh hoạt của thị trường, ảnh hưởng đến quyền lợi và sự lựa chọn của người tiêu dùng.

ĐBQH PHẠM VĂN HÒA (Đồng Tháp):  Không để chồng chéo, mâu thuẫn lẫn nhau

Tôi cho rằng, vận tải truyền thống hay vận tải qua các ứng dụng công nghệ bản chất là giống nhau, đều là vận chuyển hàng hóa và con người. Chúng chỉ khác nhau ở chỗ, một bên là thủ công - tải khách, hàng hóa ở bến, bãi, còn một bên là ứng dụng công nghệ. Cách điều khiển, xử lý phương tiện của hai loại hình này cũng khác nhau. Một bên có chủ xe là các doanh nghiệp, công ty còn một bên là phần lớn xe của các cá nhân hợp tác với hãng có tổ chức mẹ ở nước ngoài, từ đó hình thành một số đơn vị doanh nghiệp ở Việt Nam để điều hành vận tải.

Các nhà làm luật phải có cái nhìn và đánh giá một cách cụ thể, rõ ràng để sao cho vận tải khách truyền thống và vận tải công nghệ không chồng chéo, mâu thuẫn với nhau, bảo đảm được sự công bằng, hợp lý và sự cạnh tranh lành mạnh. Bộ Giao thông Vận tải nên nghiên cứu và xem xét cân nhắc để bổ sung, sửa đổi Luật Giao thông đường bộ phù hợp với tình hình hiện nay, để cho xe khách công nghệ và truyền thống không có sự xung đột về lợi ích với nhau trong thời gian qua. Trước mắt, ban soạn thảo phải có sự thận trọng, tham vấn nhiều ý kiến khác nhau, có sự phản biện của các chuyên gia, Luật đưa ra phù hợp với từng đối tượng bị tác động, khi đó Luật sẽ đi vào cuộc sống. 

ĐBQH NGUYỄN MAI BỘ  (An Giang): Làm rõ mối quan hệ “tay ba”

Câu chuyện ứng dụng công nghệ thông tin vào trong hoạt động kinh doanh vận tải đã gây ra không ít tranh cãi trong thời gian qua. Những doanh nghiệp ứng dụng công nghệ vào việc hỗ trợ kết nối vận tải như Grab, Bee, Go jek…về bản chất, đây là dịch vụ kết nối giữa người có nhu cầu làm dịch vụ vận tải và người có nhu cầu vận tải. Cho nên, phải làm rõ mối quan hệ “tay ba” này, định nghĩa lại một cách cụ thể, xem ai ở vị trí nào thì mới ra được quy định của Luật. Chừng nào còn chưa làm rõ thì chưa thể nói những doanh nghiệp này là kinh doanh vận tải hay chỉ là doanh nghiệp kết nối trong kinh doanh vận tải.

Ngược lại, nếu quy định các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ hỗ trợ kết nối vận tải là kinh doanh vận tải sẽ khiến các doanh nghiệp này phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh chuyên ngành, trong khi họ không thật sự hoạt động trong lĩnh vực đó. Từ đó dẫn tới việc nâng cao chi phí tuân thủ, chi phí vận hành, giảm tính cạnh tranh, giảm tính linh hoạt của thị trường, ảnh hưởng đến quyền lợi và sự lựa chọn của người tiêu dùng. Quan trọng hơn, triệt tiêu động lực đổi mới sáng tạo, đưa công nghệ vào đời sống xã hội, gián tiếp cản trở nỗ lực hướng đến kinh tế số mà Chính phủ đang hướng tới. Do đó, những người làm luật phải có tư duy mới hơn khi đưa ra những quy định đối với các dịch vụ công nghệ, bảo đảm sự thay đổi và phù hợp với thực tiễn.

TS. NGUYỄN XUÂN THỦY, nguyên Giám đốc NXB Giao thông Vận tải: Không thực sự cung cấp dịch vụ vận tải theo nghĩa truyền thống

Vận tải được hiểu là sự dịch chuyển, vận chuyển hàng hóa hoặc con người từ điểm này đến điểm kia, từ khoảng cách này đến khoảng cách khác, từ vận tải đường ngắn, trung bình cho đến đường xa. Vận tải cũng là một trong những dịch vụ hàng đầu, thiết yếu nhất của đời sống xã hội, tạo ra sự dịch chuyển của con người và hàng hóa. Nếu không có vận tải thì sẽ không có thị trường, không có sự phát triển.

Đối với các ứng dụng công nghệ hỗ trợ kết nối vận tải, tôi cho rằng đó là một khái niệm, một hoạt động khác. Những doanh nghiệp này dùng phần mềm, công nghệ để giúp kết nối vận tải với nhau. Doanh nghiệp đó không phải là đơn vị vận chuyển hành khách hay hàng hóa từ điểm này đến điểm kia, mà chỉ giúp cho công nghệ vận tải tốt lên. Từ đó khiến cho các hoạt động vận tải được diễn ra nhanh hơn, khớp nối các dịch vụ vận tải, tạo ra sự liên thông về thông tin, mang đến sự hiệu quả và giảm chi phí. Vì vậy, không thể coi doanh nghiệp ứng dụng công nghệ vào việc hỗ trợ kết nối vận tải như Grab, Bee, Go jek… là dịch vụ vận tải được. Họ chỉ là trung gian kết nối hành khách với lái xe, chứ không thực sự cung cấp dịch vụ vận tải theo nghĩa truyền thống, như là không thật sự sở hữu xe và không có tài xế.

Những người làm luật, làm chính sách phải hiểu được bản chất của điều này. Sản phẩm của vận tải nếu được xác định là vận chuyển, luân chuyển số lượng người, khối lượng hàng hóa trên từng cây số. Còn các ứng dụng kết nối không tạo ra những sản phẩm này nên không thể quy là vận tải. Các ứng dụng kết nối chỉ là công cụ, chỉ là dịch vụ thông tin kết nối chứ không phải là dịch vụ vận tải.

Theo dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ vào việc hỗ trợ kết nối vận tải đều sẽ bị quy là kinh doanh vận tải. Tại Điều 82 của Dự thảo Luật hiện tại cũng đang được lấy ý kiến đã quy định: “Nghiên cứu bổ sung các quy định về dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ kết nối vận tải để quản lý các đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng trong vận tải đường bộ như Uber, Grab, sàn Giao dịch vận tải”.

 

Thảo Anh