Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố khu vực miền Đông Nam Bộ lần thứ 4 tại Lâm Đồng

Bảo đảm tính thời điểm, khả thi trong giải quyết các vấn đề

- Thứ Ba, 26/02/2019, 07:58 - Chia sẻ
Lược ghi phát biểu của ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI UÔNG CHU LƯU

Thưa các vị đại biểu,

Tôi hoan nghênh việc Thường trực HĐND các tỉnh khu vực Đông Nam bộ đã thống nhất lựa chọn chủ đề của Hội nghị lần này là “Kinh nghiệm và giải pháp của Thường trực HĐND trong việc giải quyết những vấn đề của người dân địa phương trên lĩnh vực kinh tế - xã hội”. Nội dung thảo luận hôm nay sẽ góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của HĐND, góp phần tháo gỡ những khó khăn của địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Thưa các vị đại biểu,

Trong hoạt động của HĐND, việc giải quyết những vấn đề phát sinh trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương là hoạt động quan trọng. Tại Hội nghị hôm nay, qua các tham luận cũng như các ý kiến phát biểu của các đại biểu cho thấy, việc HĐND cả nước nói chung và các tỉnh, thành phố trong khu vực đã phấn đấu làm tròn chức năng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, thực hiện tốt nhiệm vụ của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Qua giám sát, HĐND đã có những ý kiến phản biện xác đáng như ở TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Lâm Đồng. Nhân dân ngày càng đặt niềm tin vào cơ quan dân cử. Với vai trò là cơ quan dân cử, điều hạnh phúc nhất là được dân tin.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố còn tồn tại, hạn chế, vướng mắc. Trong đó có nguyên nhân cả về mặt pháp luật do một số quy định còn chưa đầy đủ, rõ ràng, nhưng cũng có cả nguyên nhân do quá trình tổ chức thực hiện. Vì vậy, đề nghị các đại biểu, đặc biệt là Thường trực HĐND các tỉnh, thành trong khu vực nghiêm túc rút kinh nghiệm, đánh giá đúng nguyên nhân khách quan, chủ quan và có các đề xuất cụ thể để khắc phục.

Để việc giải quyết những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đạt kết quả cao, đáp ứng sự kỳ vọng của cử tri, trong khuôn khổ Hội nghị này, tôi xin được trao đổi thêm một số vấn đề cụ thể như sau:

Một là, HĐND cần bám sát đặc điểm, điều kiện đặc thù, đi sâu, đi sát, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được pháp luật quy định để khi thực hiện bảo đảm tính thời điểm, tính khả thi trong việc giải quyết các vấn đề. Vụ việc Thủ Thiêm cho chúng ta một bài học sâu sắc về việc các cấp chính quyền, trong đó có HĐND đã chưa thực sự lắng nghe, kịp thời giải quyết để sai phạm kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân. Các chủ trương, chính sách của HĐND khi ban hành phải đúng và trúng vấn đề đã được cử tri và nhân dân quan tâm, để từ đó phát huy được hiệu quả. Để làm được điều này, cần có sự đánh giá tác động, dự báo các thuận lợi, khó khăn khi nghị quyết có hiệu lực, thực hiện nghiêm túc việc lấy ý kiến của các cơ quan, vấn đề nào liên quan đến ý kiến của người dân thì phải chú ý lấy ý kiến. Nội dung nào cần thiết, bức xúc, vì lợi ích của nhân dân và cử tri thì phải nghiên cứu để làm ngay.

Hai là, kỳ họp HĐND là hình thức hoạt động quan trọng nhất của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, là nơi quyết định những vấn đề cốt yếu, liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống nhân dân của nhân dân,… Do đó, cần chú trọng đến chất lượng, hiệu quả của kỳ họp. Những vấn đề bức xúc trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương phải được thảo luận công khai. Để làm được việc này, Thường trực, các Ban của HĐND cần phối hợp chặt chẽ với UBND, Ủy ban MTTQ cùng cấp ngay từ việc đề xuất, đến việc chuẩn bị nội dung và chương trình của kỳ họp;các Ban HĐND phải chủ động phối hợp với cơ quan soạn thảo ngay từ đầu để xử lý các vấn đề thuộc nội dung của báo cáo, dự thảo nghị quyết; Thường trực HĐND chuẩn bị kỹ để lựa chọn những vấn đề đưa ra chất vấn tại kỳ họp, bảođảm là những vấn đề nóng, liên quan trực tiếp sự phát triển kinh tế - xã hội, đến đời sống  của nhân dân… được cử tri và nhân dân địa phương quan tâm.

Ba là, tiếp tục đổi mới, nâng cao công tác TXCT, tăng cường hoạt động tiếp xúc theo chuyên đề, lĩnh vực; TXCT nơi cư trú và nơi công tác, nhất là những nơi người dân đã có ý kiến, kiến nghị nhưng chưa được giải quyết dứt điểm; những nơi có vấn đề nổi cộm, bức xúc. Ngoài ra, tùy theo điều kiện cụ thể, đại biểu HĐND có thể trực tiếp gặp gỡ, liên hệ với cử tri để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri và những vấn đề mà đại biểu quan tâm. Cần đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động TXCT.

Bốn là, tăng cường giám sát việc thực hiện nghị quyết của HĐND, làm rõ trách nhiệm, lộ trình và nguồn lực thực hiện. Thông tin kịp thời kết quả giải quyết trên hệ thống phương tiện thông tin đại chúng để cử tri biết và giám sát. Đối với các nội dung đang giải quyết, cần yêu cầu UBND chỉ đạo quyết liệt các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện, nhất là những vấn đề có nhiều bức xúc, có phạm vi ảnh hưởng rộng, tác động đến nhiều người và các kiến nghị đã xác định mốc thời gian cụ thể để góp phần bảo đảm an ninh trật tự, ổn định tình hình.

Năm là, tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của đại biểu HĐND trong việc giải quyết những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là đại biểu chuyên trách. Đại biểu cần phải thường xuyên tiếp dân, TXCT để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; nâng cao ý thức trách nhiệm, thể hiện rõ quan điểm, chính kiến và theo đến cùng các vụ việc bức xúc. Thường xuyên tự nghiên cứu, nâng cao trình độ, rèn luyện kỹ năng và hiểu biết của mình để thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của người đại biểu dân cử.

Sáu là, các hoạt động của HĐND phải được tuyên truyền, phổ biến để những nội dung đã được HĐND xem xét, quyết định sớm đi vào thực tế của cuộc sống.Nhân dân và cử tri thấy được sự vào cuộc của HĐND và cùng giám sát việc thực hiện. Kinh nghiệm cho thấy, nhiều vụ việc bức xúc, nổi cộm của một số địa phương bắt nguồn từ việc nhân dân, cử tri chưa tiếp cận các thông tin chính thống để tìm hiểu và tham gia ý kiến vào các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước cũng như các quyết sách của chính quyền địa phương.

Bảy là, tiếp tục nâng cao chất lượng bộ máy tham mưu, giúp việc của HĐND. Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng và khối lượng công việc. Trong đó, cần quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, người lao động; đồng thời quan tâm tới đời sống vật chất, tinh thần của người lao động để tạo động lực khuyến khích, động viên. Mỗi công chức, viên chức, người lao động cũng phải cố gắng tự rèn luyện để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng với nhiệm vụ được giao để thực sự trở thành những chuyên gia tinh thông nghiệp vụ, có bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp...

Khu vực Đông Nam bộ có 3 tỉnh, thành thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh theo Nghị quyết 580/2018/UBTVQH14 của UBTVQH là thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh và Lâm Đồng. Đề nghị các đồng chí chủ động, sáng tạo trong thực hiện thí điểm để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 18 của Trung ương.

Qua việc tham dự các Hội nghị Thường trực HĐND các khu vực, được nghe các ý kiến thảo luận, chia sẻ, cùng những đề xuất kiến nghị, tôi thấy còn nhiều vấn đề về tổ chức và hoạt động của HĐND cần được nghiên cứu để hoàn thiện thêm. QH đang giao cho Chính phủ nghiên cứu, sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương và một số luật chuyên ngành khác liên quan. Trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật, đề nghị HĐND các địa phương tích cực phối hợp, tham gia ý kiến để hoàn thiện nội dung văn bản bảo đảm chất lượng, phù hợp với thực tiễn. Trước mắt, đề nghị thực hiện tốt Nghị quyết số 629/2019 của UBTVQH hướng dẫn một số hoạt động của HĐND.

- Xin trân trọng cảm ơn!

______________

* Đầu đề do Báo Đại biểu Nhân dân đặt

PHƯƠNG MINH lược ghi