Bảo đảm tỷ lệ chi ngân sách cho văn hóa - xã hội

- Thứ Ba, 28/09/2021, 17:13 - Chia sẻ
Sáng 28.9, tại trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về thực hiện kế hoạch dự toán ngân sách nhà nước (NSNN), kế hoạch đầu tư công năm 2021, xây dựng kế hoạch năm 2022 và kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 đối với các lĩnh vực: Giáo dục - đào tạo; văn hóa - thể thao - du lịch; thông tin - truyền thông; thanh niên - trẻ em. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh chủ trì buổi làm việc.

Từ đầu năm đến nay, ảnh hưởng, tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đã đặt ra không ít thách thức trong công tác quản lý, điều hành để phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục ghi nhận, đánh giá cao Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nỗ lực tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách về tài chính và đầu tư phát triển làm cơ sở khơi thông, huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng an ninh, trong đó có các lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh chủ trì buổi làm việc

Về tình hình thực hiện dự toán NSNN, việc phân bổ vốn bảo đảm nguyên tắc, tiêu chí, định mức chi thường xuyên, thời gian giao vốn kế hoạch cơ bản đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước (trước 30.12.2020). Tuy nhiên, dự toán chi sự nghiệp giáo dục và đào tạo, dạy nghề năm 2021 chỉ chiếm 15,6% tổng chi NSNN, trong khi theo quy định là không dưới 20%. Bên cạnh đó, Bộ chưa tổng hợp được số liệu tách riêng nguồn NSNN dành cho đối tượng thanh niên và trẻ em, số liệu gắn với việc sử dụng ngân sách theo các lĩnh vực. Việc báo cáo ghép số liệu tổng hợp 2 lĩnh vực thuộc hai bộ quản lý khác nhau (như văn hóa - thông tin thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý) gây khó khăn cho công tác nghiên cứu, phân tích và đánh giá…

Do Luật Ngân sách Nhà nước không quy định dự toán chi NSNN theo lĩnh vực, việc phân bổ ngân sách địa phương thuộc thẩm quyền của Hội đồng Nhân dân, nên đến thời điểm hiện tại chưa có số liệu dự toán NSNN (cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) chi tiết theo lĩnh vực giai đoạn 3 năm 2022 - 2024. Báo cáo của Bộ Tài chính mới đưa ra dự kiến bố trí NSNN năm 2022 cho một số nội dung các lĩnh vực văn hóa - thông tin; thể dục - thể thao - du lịch; phát thanh, truyền hình, thông tấn (cũng chỉ nêu nhiệm vụ chi, chưa có dự toán chi cụ thể).

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng báo cáo tình hình thực hiện dự toán NSNN đầu năm 2021 các lĩnh vực văn hóa, giáo dục...

Về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công, mặc dù kế hoạch đầu tư công năm 2021 là một phần của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 mới được thông qua tại Kỳ họp thứ Nhất Quốc hội Khóa XV, nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động, tích cực tham mưu Chính phủ xây dựng bảo đảm tính khả thi, đồng bộ.

Qua phân tích số liệu cho thấy, mặc dù tổng nguồn vốn đầu tư công năm 2021 cho các lĩnh vực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phụ trách còn khiêm tốn (bằng 5,07% cả nước), tỷ trọng nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho các công trình thuộc lĩnh vực còn thấp nhưng đã tăng 24% so với kế hoạch năm 2020 và chiếm 17,5% Kế hoạch đầu tư công trung hạn cả giai đoạn 2021 - 2025. Điều đó thể hiện sự nỗ lực, quan tâm đối với các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch; giáo dục - đào tạo; thông tin - truyền thông...

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021

Việc phân bổ vốn đầu tư công NSNN năm 2021 cho lĩnh vực này cơ bản bảo đảm nguyên tắc, tiêu chí và định mức theo Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14, đúng thứ tự ưu tiên thanh toán nợ đọng, đủ vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi, các dự án hoàn thành trong năm 2021… Đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kịp thời đổi mới phương thức lập, giao và theo dõi kế hoạch bằng hình thức trực tuyến phù hợp với tình hình, điều kiện thực tiễn của đất nước đang chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và xu thế của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị bảo đảm ngân sách cho giáo dục - đạo tạo để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới

Tuy nhiên, kỷ luật, kỷ cương từ khâu xây dựng kế hoạch, giao vốn đến tổ chức thực hiện, quyết toán đầu tư chưa được chấp hành nghiêm túc như: Xây dựng kế hoạch chưa sát nhu cầu thực tiễn, giao vốn khi còn chưa đảm bảo thủ tục đầu tư, chậm triển khai, chậm giải ngân, hồ sơ quyết toán thiếu, không bảo đảm, nợ đọng xây dựng cơ bản... Đây là tồn tại đã diễn ra nhiều năm, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có giải pháp căn cơ, quyết liệt, nhằm khắc phục sớm và triệt để.

Theo số liệu tổng hợp trong báo cáo thì tỷ trọng vốn đầu tư công các lĩnh vực, ngành Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phụ trách so với tổng vốn đầu tư công cả nước giai đoạn 2021 - 2025 còn quá thấp. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị quan tâm hơn đến đầu tư cho văn hóa - xã hội, bảo đảm theo đúng tỷ lệ đã được xác định trong các nghị quyết của Trung ương, của Quốc hội. Đầu tư phải hướng tới sự thụ hưởng của người dân. Các chương trình, dự án, đề án được đầu tư theo thứ tự ưu tiên, có trọng tâm, trọng điểm…

Nhật Linh