Bảo đảm vận chuyển thiết bị điện gió

- Chủ Nhật, 19/09/2021, 06:54 - Chia sẻ
Để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong việc vận chuyển thiết bị điện gió siêu trường, siêu trọng trên địa bàn tỉnh Gia Lai, bảo đảm cho các nhà máy đưa vào vận hành theo kế hoạch cuối năm 2021, các sở, ngành liên quan đã và đang đề ra nhiều phương án, giải pháp và tích cực phối hợp với nhà đầu tư dọn đường để vận chuyển thiết bị đến công trình, sớm hoàn thành dự án.

Vận chuyển thiết bị siêu trường, siêu trọng

Dự kiến vận hành thương mại vào cuối năm 2021, Giám đốc Kỹ thuật Công ty cổ phần Phong điện Ia Pết Đak Đoa số Một, Công ty cổ phần Phong điện Ia Pết Đak Đoa số Hai (thuộc Tập đoàn TRE) Nguyễn Anh Khoa cho biết, dự án Nhà máy điện gió Ia Pết - Đak Đoa 1 và Nhà máy điện gió Ia Pết - Đak Đoa 2 đã đạt tiến độ hoàn thành trên 80%. Tiến độ hoàn thành của dự án phụ thuộc toàn bộ vào công tác nhập khẩu và vận chuyển turbine gió, trong đó đa số là thiết bị siêu trường, siêu trọng. Turbine gió của dự án sẽ vận chuyển theo 2 tuyến là từ Cảng Quy Nhơn và từ Cảng Ba Son Phú Mỹ.

Theo đại diện Vụ An toàn giao thông, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trên thực tế, việc vận chuyển những thiết bị điện gió bằng đường bộ gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân do đây là loại hàng có kích thước lớn cả về chiều cao và chiều dài, khi đi qua các đoạn đường cong, có dốc sẽ vướng; khi đi qua các trạm thu phí cũng vướng khổ giới hạn khó di chuyển vì chiều cao của trạm thu phí chỉ có 5m, trong khi trụ điện gió có đường kính 5,5m, khi xếp lên xe vận chuyển sẽ lên đến 6,5m.

Theo lộ trình vận chuyển từ Cảng Quy Nhơn đến công trình phải đi qua tuyến quốc lộ 19 và tỉnh lộ từ đèo An Khê đến địa bàn các huyện nơi xây dựng dự án. Vì cấu kiện của các trụ điện gió đều là các thiết bị siêu trường, siêu trọng, cánh quạt dài từ 60 - 86m, nặng khoảng 25 tấn; trụ tháp - máy phát dài từ 20 - 30m, nặng khoảng 49 - 115 tấn và độ cao của các kiện hàng khi vận chuyển bằng đường bộ có chiều cao 6,5m. Do vậy, phương tiện vận chuyển thiết bị cũng thuộc loại đặc biệt, chuyên dụng như sơ mi rơ moóc đặc chủng dài 70m, thiết bị nâng cánh để hỗ trợ vượt đèo An Khê, Mang Yang đến công trình tại các huyện: Chư Pưh, Chư Prông, Đak Đoa, Kông Chro và thị xã An Khê.

Tuy nhiên, theo đại diện Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn, kích thước của một số công trình giao thông trên cung đường bộ vận chuyển như cầu vượt, trạm thu phí không cho phép các phương tiện vận chuyển trên lưu thông. Do đó, để việc vận chuyển được thông suốt, tại một số điểm cần làm đường tránh, tháo dỡ một phần mái của trạm thu phí, hộ lan can cứng tại một số khúc cua trên quốc lộ 19, đồng thời nâng chiều cao tĩnh không của hệ thống dây điện nằm vắt ngang đường khi xe chuyên dụng vận chuyển cấu kiện đi qua; hỗ trợ điều tiết phân luồng giao thông trong quá trình vận chuyển nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người và tài sản tại các khu vực giao thông trọng yếu…

Vận chuyển cánh điện gió có trọng lượng hơn 19,2 tấn

Nguồn: ITN 

Tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp

Để tháo gỡ khó khăn trong quá trình vận chuyển các thiết bị siêu trường, siêu trọng cho việc xây dựng các nhà máy điện gió, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành đã yêu cầu các sở, ngành liên quan xây dựng các phương án, giải pháp hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để bảo đảm tiến độ thực hiện của các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chú trọng việc đền bù và giải phóng mặt bằng, nâng cao hạ tầng điện, viễn thông, sửa chữa hạ tầng giao thông và các vấn đề phát sinh trong quá trình vận chuyển các thiết bị điện gió lưu thông qua các địa phương.

Hoàn toàn ủng hộ và tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp vận chuyển cũng như các doanh nghiệp triển khai dự án điện gió trên địa bàn, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Gia Lai Phạm Văn Binh cho biết, Sở đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để xây dựng kế hoạch và các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp. Theo dự toán chi phí để thực hiện các công việc phải làm để bảo đảm thông tuyến cho việc vận chuyển là tương đối lớn. Do đó, Sở đã thống nhất với các sở, ngành liên quan và các chủ đầu tư về phương án chia sẻ chi phí thực hiện vận chuyển thiết bị để việc thi công các công trình bảo đảm việc vận chuyển sớm được triển khai, không để ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của các dự án, cũng như tránh lãng phí.

Đại diện Công ty Điện lực Gia Lai cũng thông tin, ngay sau khi tiếp nhận đề nghị từ Cảng Quy Nhơn về việc hỗ trợ nâng đường dây điện, công ty đã làm việc cụ thể với các đơn vị vận chuyển, sau đó phối hợp cùng các đơn vị viễn thông đi khảo sát thực tế đường dây điện, đường dây viễn thông vượt qua đường dọc quốc lộ 19, quốc lộ 14B dẫn đến chân công trình các nhà máy điện gió HBRE Chư Prông, Ia Pết - Đak Đoa1, Ia Pết - Đak Đoa 2, Ia Bang 1 nhằm bảo đảm an toàn cho xe vận chuyển thiết bị phục vụ thi công các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện chủ trương của tỉnh, hiện công tác nâng đường điện hạ thế cũng như đường dây viễn thông từ Quy Nhơn lên Gia Lai đang được tiến hành với sự nhất trí cao độ của các sở, ngành. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị liên quan cũng đang tính toán chi tiết, đề ra các đề án, kế hoạch lâu dài giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2025 - 2030 để xử lý, giải phóng mặt bằng trên tuyến đường vận chuyển đi qua, nâng cao sức chịu tải của các công trình hạ tầng giao thông; đề ra các giải pháp di dời biển báo, dải phân cách, các trạm thu phí BOT phù hợp trên suốt tuyến đường đi qua để bảo đảm an toàn cho các phương tiện trong quá trình vận chuyển các cấu kiện, thiết bị điện gió siêu trường, siêu trọng, từng bước hướng đến mục tiêu đưa Gia Lai trở thành “cứ địa” quan trọng để phát triển năng lượng tái tạo, là nút quan trọng của hệ thống lưới điện quốc gia.

Hiểu Lam