Nhịp cầu

Bảo đảm việc làm sau đào tạo nghề

- Thứ Năm, 05/11/2020, 06:08 - Chia sẻ
Thực hiện chương trình đào tạo nghề, gắn với giải quyết việc làm trên địa bàn huyện Sơn Hòa, Phú Yên giai đoạn 2018 - 2019, UBND một số xã cơ bản đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng của việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm với việc chuyển dịch cơ cấu và nâng cao chất lượng lao động của địa phương cũng như thu nhập của người lao động. Từ đó, đã tích cực triển khai các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn và đạt được những kết quả khả quan, góp phần làm thay đổi ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo và các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, qua làm việc tại UBND các xã: Suối Trai, Sơn Định, Cà Lúi, Phước Tân và Trường Trung cấp nghề Thanh niên dân tộc Phú Yên mới đây, Đoàn giám sát Ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện Sơn Hòa đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khó khăn trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại các xã như: Trình độ học vấn của người lao động tại một số xã còn hạn chế, độ tuổi bình quân lớn, vừa học nghề vừa lao động sản xuất theo mùa vụ; lực lượng lao động của các xã lớn nhưng đa số là lao động phổ thông. Người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước nên chưa ý thức được hiệu quả của việc học nghề, do đó, chất lượng học nghề chưa cao. Mặt khác, thị trường lao động ở địa phương chưa phong phú, nhu cầu sử dụng lao động của các cơ sở sản xuất kinh doanh còn hạn chế gây khó khăn giải quyết việc làm sau khi được đào tạo. Trên thực tế, đa số lao động học nghề xong vẫn phải quay lại sản xuất theo thói quen truyền thống, lạc hậu.

Mục tiêu của công tác đào tạo nghề nhằm chuyển dịch cơ cấu, tăng năng suất lao động, cải thiện và nâng cao đời sống của người dân, đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nhưng với thực trạng trên, nhất là việc đa số lao động học nghề xong vẫn phải quay lại sản xuất theo thói quen truyền thống, lạc hậu cho thấy chương trình đào tạo nghề chưa thực sự gắn với giải quyết việc làm.

Vì vậy, bên cạnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng những việc làm, thông tin cụ thể liên quan đến hiệu quả của từng đợt học; chú trọng nâng cao chất lượng giảng viên, đi sâu vào thực hành nghề, các ngành cấp huyện, cũng như Trường Trung cấp nghề Thanh niên dân tộc Phú Yên cần phối hợp với các địa phương xác định đúng, trúng nghề nghiệp, đúng nhu cầu việc làm trên từng địa bàn. Trên cơ sở đó, xây dựng, gắn kết chặt chẽ với các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, bảo đảm việc đào tạo lao động đáp ứng được nhu cầu việc làm cũng như bảo đảm việc làm sau đào tạo.

TUY AN