Dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến

Bảo đảm việc xét xử bình thường của Tòa án

- Chủ Nhật, 24/10/2021, 06:34 - Chia sẻ
Tham gia thảo luận trực tuyến dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến chiều qua, ý kiến đại biểu tại các điểm cầu nhất trí cao với việc Quốc hội ban hành Nghị quyết này nhằm thích ứng với bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay, bảo đảm việc xét xử bình thường của Tòa án. Và mục tiêu cao nhất chính là góp phần xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, bảo đảm quyền con người, bảo vệ công lý ngày càng hiệu quả hơn.

Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang): Xu hướng tất yếu

Tôi tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến, hoàn toàn phù hợp với quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Đồng thời, đây là nhu cầu, xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp trực tuyến cũng như xu hướng toàn cầu hóa về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xét xử của Tòa án.

Tôi cho rằng, mục tiêu cao nhất của việc xây dựng Tòa án điện tử, Tòa án số, trong đó có việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là để góp phần xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, bảo đảm quyền con người, bảo vệ công lý ngày càng hiệu quả hơn. Cùng với đó, tình hình thực tiễn đang đặt ra yêu cầu hết sức cấp bách khi đại dịch Covid-19 bùng phát, luôn thay đổi với các biến chủng mới, đã, đang và có thể sẽ diễn biến hết sức phức tạp, nguy hiểm, thì việc tổ chức phiên tòa trực tuyến sẽ bảo đảm cho việc xét xử bình thường của Tòa án, kịp thời bảo vệ quyền con người của bị cáo, quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân.

ĐBQH Trần Thị Thu Phước (Kon Tum): Cần bước đi cẩn trọng, chặt chẽ, tránh xảy ra sơ suất

Thời gian gần đây, dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, kéo dài do thực hiện giãn cách xã hội, nhiều tòa án không thể đưa vụ án ra xét xử theo thời gian luật định. Việc này làm ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động tư pháp, quyền và lợi ích của Nhà nước, tổ chức và cá nhân. Đồng thời, còn làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động khác của tố tụng hình sự, như giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố… và dự kiến sẽ tiếp tục có nhiều ảnh hưởng đến hoạt động xét xử của ngành tòa án. Do vậy, tôi thống nhất cao việc ban hành nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Tại Điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2020 quy định các trường hợp cụ thể về phạm vi quy định trong Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, tại Tờ trình số 185 của Tòa án Nhân dân tối cao chưa làm rõ việc Quốc hội ban hành quy định về tổ chức xét xử trực tuyến thuộc trường hợp nào. Do đó, tôi đề nghị cần xác định Nghị quyết này được ban hành thuộc trường hợp nào theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2020. Nếu ban hành thuộc trường hợp thí điểm thi cần xác định rõ thời gian thí điểm trong dự thảo Nghị quyết và thí điểm trong trường hợp nào chưa có luật điều chỉnh hay khác với các quy định của luật để xác định nội dung của dự thảo Nghị quyết cho phù hợp hơn.

Bên cạnh đó, dù xét xử trực tuyến là xu thế chung nhưng đây là một vấn đề mới, cần bước đi cẩn trọng, chặt chẽ và tránh xảy ra sơ suất. Trước hết, phương án áp dụng trong vụ án dân sự, tranh chấp thương mại, hành chính là chủ yếu và một số vụ án hình sự thì cần thiết vừa làm, vừa rút kinh nghiệm trong hoạt động xét xử. Hơn nữa, trong xét xử không chỉ có thẩm phán, thư ký tòa án mà còn có điều tra viên, kiểm sát viên, luật sư, hội thẩm viên, người làm chứng… Vì vậy, cần chuẩn bị chu đáo việc đào tạo, tập huấn cho đội ngũ tham gia hoạt động tố tụng và bổ trợ tư pháp. Ngoài ra, Nghị quyết cũng phải có những quy định cụ thể hoặc dẫn chiếu đến các luật chuyên ngành… để bảo đảm thực hiện tốt nhất phương thức xét xử trực tuyến.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh): Dù là giải pháp tình thế, nhưng cần chuẩn bị chu đáo

Tôi nhất trí với việc tổ chức phiên tòa trực tuyến, cũng như chủ trương lâu dài là xây dựng Tòa án điện tử. Việc này các nước đã triển khai thực hiện từ ít nhất hơn ba chục năm trước, theo từng bước tuần tự. Tuy nhiên, tổ chức phiên tòa trực tuyến và xây dựng Tòa án điện tử là hai việc khác nhau. Trước hết, Tòa án điện tử là một hệ thống và đòi hỏi những điều kiện như hạ tầng công nghệ, nền tảng số hóa, đặc biệt là số hóa toàn bộ hồ sơ, chứng từ... Tòa án điện tử cũng đòi hỏi có một hệ thống để có thể tương tác và giao dịch trực tuyến, lưu trữ hồ sơ… Tức là, phải có công nghệ, phương tiện, trang thiết bị, sự kết nối như thế nào để không bị gián đoạn, trục trặc trong quá trình vận hành. 

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, để tránh các vụ án bị dồn lại, tồn đọng, ảnh hưởng đến công việc của Tòa án, quyền lợi của các đương sự, chúng ta phải tổ chức phiên tòa trực tuyến. Và, để có một phiên tòa trực tuyến, thì trước đó phải tiến hành một loạt các khâu như điều tra, khởi tố, Viện Kiểm sát truy tố, làm cáo trạng, tiến hành tống đạt, bắt giam, luật sư tiếp cận đương sự ngay từ khâu khởi tố… Quan trọng nhất là để các bên tiếp cận được hồ sơ vụ án trực tuyến thì đòi hỏi nhiều yếu tố như hạ tầng công nghệ tốt, sự phối hợp nhịp nhàng để không vi phạm thời hạn, pháp luật tố tụng, cũng như bảo đảm quyền con người, quyền công dân, bảo đảm yếu tố bảo mật, sự tương tác lẫn nhau giữa các cơ quan, cá nhân tham gia phiên tòa. Nói cách khác, tổ chức phiên tòa trực tuyến là giải pháp tình thế trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay, nhưng để triển khai phải được chuẩn bị chu đáo.

Một phiên tòa trực tuyến đòi hỏi nhiều yếu tố, do đó trong Nghị quyết của Quốc hội cần giao Tòa án Nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan xây dựng Đề án. Cùng với Đề án này, nếu có vấn đề pháp lý phát sinh, chúng ta cũng sẽ phải xử lý theo thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tòa án Nhân dân Tối cao… để không ảnh hưởng đến quyền công dân, quyền của các bên tham gia và của các cơ quan tham gia tố tụng.

Thanh Hải - Anh Thảo - Trung Thành ghi