Thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Bảo đảm tính bền vững, mở rộng độ bao phủ

- Thứ Bảy, 23/10/2021, 05:28 - Chia sẻ
Ghi nhận các kết quả đạt được trong thực hiện các chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) trong thời gian qua, song các ĐBQH cũng chỉ ra nhiều vấn đề cần quan tâm khắc phục trong thời gian tới, nhất là hiện tượng trục lợi, trốn nợ bảo hiểm xã hội. Từ kết quả thực hiện tốt ở một số địa phương cũng cho thấy, nếu có giải pháp tốt, chắc chắn các mục tiêu đề ra về mức độ bao phủ BHXH, BHYT sẽ được hoàn thành.

ĐBQH Ngô Trung Thành (Đắk Lắk):
Làm rõ nguyên nhân, giải pháp khắc phục tình trạng trục lợi BHXH

Ảnh: Hồ Long

Về công tác thanh tra, kiểm tra trong thực hiện chính sách, chế độ BHXH, Báo cáo của Chính phủ nêu, năm 2020, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và ngành BHXH đã thực hiện 8.619 cuộc thanh tra, kiểm tra; đã phát hiện nhiều trường hợp sai phạm, chưa thực hiện đúng, đủ quy định pháp luật về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Tuy nhiên, Báo cáo thẩm tra cho thấy, việc chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính cả giai đoạn 2016 - 2020 còn vẫn ở mức thấp, mới thu hồi 25,2% của tổng số tiền phải thu hồi. Tại một số ít địa phương, vẫn còn tình trạng chưa linh hoạt trong áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế việc lạm dụng, trục lợi quỹ. Như vậy là mức độ chấp hành quá thấp, đề nghị Chính phủ cần làm rõ nguyên nhân và đề ra biện pháp xử lý, giải pháp khắc phục tình trạng này.

Về tình hình thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần, Báo cáo thẩm tra cho thấy, tỷ lệ rút BHXH để hưởng một lần tăng cao, dao động ở mức khoảng 5%, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác phát triển đối tượng. Với tốc độ phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và thực tế đời sống, thu nhập khó khăn như hiện nay, dự báo có thể số người hưởng chế độ BHXH một lần sẽ tăng cao vào các năm tiếp theo. Hiện chúng ta đang đi tìm giải pháp nhằm hạn chế số người rút BHXH để hưởng một lần, trong đó có giải pháp rút ngắn thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm. Tôi cũng kiến nghị, Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan xem xét có giải pháp cho phép những trường hợp người lao động vì một lý do khó khăn nào đó nên phải rút BHXH để hưởng một lần, nhưng sau này điều kiện kinh tế tốt hơn họ muốn đóng lại BHXH thì có thể tái tham gia BHXH mà không phải tính lại thời gian tham gia BHXH.

ĐBQH Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh):
Sớm sửa đổi chính sách khắc phục tình trạng trốn đóng BHXH

Ảnh: Trung Thành

Thực hiện chính sách, chế độ BHXH và quản lý sử dụng Quỹ BHXH năm 2020, về cơ bản BHXH Việt Nam đã có rất nhiều các giải pháp để cố gắng bảo đảm chỉ tiêu về người tham gia BHXH. Trong tình hình ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, việc thanh toán chế độ BHXH cũng đã được thực hiện rất tốt. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu về ứng dụng công nghệ thông tin, thu hồi nợ BHXH… cũng được tăng lên.

Tuy nhiên, có thể thấy thực tế là số người tham gia bảo hiểm tự nguyện giảm so với năm 2019, chiếm 27,5%, trong đó lực lượng trong độ tuổi lao động thì khả năng không tham gia BHXH còn tăng và nếu như không có giải pháp cụ thể sẽ khó đạt được mục tiêu đến năm 2021 có 35% và đến năm 2025 có 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH. Bên cạnh đó, số người thôi tham gia BHXH và thanh toán BHXH một lần cũng tăng dần những năm gần đây, như năm 2020 có 860.741 người hưởng BHXH một lần, tăng 6,65 % so với năm 2019 và gấp 2 lần so với số người tham gia BHXH tăng thêm; số BHXH tự nguyện hưởng BHXH một lần cũng tăng đến 50% so với năm 2019. Đây là vấn đề cần có giải pháp, nhất là giải quyết những vấn đề về lao động tham gia vào các doanh nghiệp trong thời gian tới và phải làm sao bảo đảm được các chế độ chính sách, chế độ BHXH được thanh toán đầy đủ cho người lao động. Qua đó, để người lao động thấy được chính sách an sinh của Quỹ BHXH để tham gia một cách bền vững.

Về tình hình nợ BHXH, tình trạng trốn nợ BHXH vẫn khó khắc phục trong nhiều năm vừa qua, nợ BHXH đến nay vào khoảng 11.600 tỷ đồng và đã tăng 1.566 tỷ đồng so với năm 2019. Tuy nhiên hiện nay, giải pháp để khắc phục tình trạng này vẫn chưa có. Do đó, cần sửa đổi các chính sách để khắc phục tình trạng này, nhất là đối với cơ quan quản lý nhà nước về BHXH như Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng cần làm việc với Tòa án nhân dân, các cơ quan có liên quan để tháo gỡ tình trạng chưa xử lý được những tổ chức, cá nhân nợ trốn BHXH. Nếu doanh nghiệp nợ BHXH thì đồng nghĩa với việc các chế độ, chính sách của người lao động sẽ không được thực hiện.

ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (Vĩnh Long):
Sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế để mở rộng quyền lợi thụ hưởng của người tham gia

Ảnh: Hồ Long

BHXH và BHYT là những trụ cột an sinh xã hội đặc biệt quan trọng với người dân. Trong đó, BHYT giúp cho tất cả người dân, đặc biệt là những người nghèo, khó khăn được tiếp cận với các dịch vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe. Hầu hết những đối tượng yếu thế trong xã hội đều được quan tâm, hầu như các dịch vụ y tế được chi trả 100% mà không phải trả thêm tiền. Đây là chính sách thể hiện rõ tính ưu việt của Nhà nước ta trong chăm sóc sức khỏe người dân. Chúng ta đi sau trong áp dụng hình thức BHYT, nhưng lại về trước khi tăng nhanh độ bao phủ BHYT. Mức độ bao phủ BHYT đã vượt chỉ tiêu được Quốc hội giao 10,85% (Quốc hội giao mức độ bao phủ 80%). Phạm vi hưởng BHYT ở nước ta cũng cao hơn nhiều so với mức đóng; có nhiều đổi mới về quản lý, công khai, minh bạch, giám sát, thẩm định, quyết toán… Câu chuyện một người đi khám nhiều lần dù không thể khẳng định đã hết nhưng hiện giảm nhiều so với trước đây, khi triển khai chính sách thông tuyến BHYT theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.

BHYT luôn được Đảng, Nhà nước xác định là một trong những trụ cột của an sinh xã hội, lưới an sinh xã hội - là những yếu tố có vai trò đặc biệt quan trọng đối với người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế. Nhận thức vai trò quan trọng của BHYT, Bộ Y tế đang chuẩn bị để báo cáo với Chính phủ trình Quốc hội xem xét dự án Luật BHYT (sửa đổi). Chúng tôi mong nhận được sự chia sẻ, ủng hộ của các ĐBQH trong một số vấn đề được đưa vào điều chỉnh tại dự án Luật này.

Cụ thể, để bảo đảm tính bền vững, mở rộng mức độ tham gia của người đóng BHYT, tới đây, khi sửa đổi Luật BHYT sẽ tiếp tục theo đuổi phương án mở rộng quyền lợi, phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT. Dù mức đóng góp của chúng ta có thể thấp hơn nhưng có thể lấy số đông để bù cho các quyền lợi được BHYT chi trả thêm. Đây sẽ là chính sách rất ưu việt khi so sánh với quốc tế, vì ở nhiều quốc gia vận hành theo cơ chế đóng bao nhiêu, hưởng bấy nhiêu.

Trong quá trình phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 vừa qua đã cho thấy y tế cơ sở cần được hết sức quan tâm. Bộ Y tế đang gấp rút xây dựng Đề án tăng cường năng lực hệ thống y tế cơ sở, nhằm thích ứng với những biến đổi khó lường về dịch bệnh, thiên tai trong thời gian tới, thông qua củng cố hệ thống y tế cơ sở, nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm việc cung ứng dịch vụ y tế đối với người dân ngay ở nơi họ sinh sống. 

Thanh Hải - Ngọc Khánh - Thành Trung ghi