Báo động về nguồn nước ngầm bị nhiễm arsenic

- Chủ Nhật, 20/07/2008, 00:00 - Chia sẻ
Tại Diễn đàn “Chiến lược và khoa học về arsenic và sức khoẻ con người ở Việt Nam: Tầm nhìn thế giới” do Bộ Y tế và Viện nghiên cứu Chulabobhorn Thái Lan vừa tổ chức tại Hà Nội, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, vấn đề arsenic (thạch tín) bị nhiễm trong lòng đất, nước ngầm đang là mối quan tâm hàng đầu của các nước Bănglađét, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Myanma, Thái Lan và Việt Nam.

      Hiện có tới 21,5% dân số Việt Nam đang dùng nguồn nước giếng khoan chưa qua xử lý, do đó nguy cơ bị nhiễm arsenic trong nước sinh hoạt rất cao

      Nhiều địa phương nguồn nước bị nhiễm arsenic
      Cùng với một số nước trên thế giới như Bănglađét,  Ấn Độ, Hoa Kỳ, Thái Lan, Myanma đang phải đối mặt với khó khăn vì ngày càng nhiều người dân đang phải dùng nước bị nhiễm arsenic với nồng độ cao. Việt Nam cũng đang đứng trước nguy cơ đó. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho biết: trong những năm gần đây, ô nhiễm môi trường và tác động của các yếu tố ô nhiễm lên sức khoẻ cộng đồng đang diễn biến phức tạp. Ô nhiễm kim loại nặng, đặc biệt là ô nhiễm arsenic trong nguồn nước ăn uống và sinh hoạt của người dân đã tác động đến sức khoẻ của hàng triệu người. Ở Việt Nam, mức độ ô nhiễm arsenic trong nước ngầm là rất nghiêm trọng. Tỷ lệ mẫu nước giếng khoan ở đồng bằng sông Hồng có nồng độ arsenic cao hơn giới hạn cho phép tương đối cao, có nơi cao tới vài trăm lần. được biết,  so với quy định của Tổ chức y tế thế giới (WHO) và cộng đồng châu Âu, nồng độ arsenic cho phép có trong nước chỉ 10 g/l, nhưng một số nghiên cứu đã cho thấy nồng độ arsenic trong các mẫu nước ngầm ở Việt Nam cao hơn mức trên, trung bình trên 30g/l ở đồng bằng châu thổ sông Mêkông ở miền Nam và hơn 150g/l ở đồng bằng sông Hồng. 
      Cũng theo một nghiên cứu về mạch nước ngầm tại các tỉnh Hà Tây, Hà Nam, An Giang, Long An và Đồng Tháp của Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường (Bộ Y tế) cho thấy, Hà Nam là địa phương có mức độ nhiễm arsenic trong nước nặng nhất. 80% các giếng khoan có nồng độ arsenic cao ở mức nguy hiểm từ 100 g/l đến 500 g/l. Hà Tây, mức độ nhiễm arsenic trong nguồn nước ngầm cũng rất cao. Khi kiểm tra 11.500 mẫu nước ở 11 huyện thì phát hiện thấy gần 40% số mẫu bị nhiễm arsenic, có nơi nồng độ nhiễm cao hơn 0,05 g/l, trong khi theo quy định của WHO, hàm lượng arsenic trong nước sinh hoạt chỉ ở mức 0,01 g/l. Các tỉnh còn lại được xác định cũng có những biểu hiện ô nhiễm arsenic trong nguồn nước ngầm. Kết quả nghiên cứu về Chương trình nước sạch vệ sinh môi trường của UNICEF cũng  đã minh chứng, nguồn nước ngầm ở Việt Nam có hàm lượng sắt rất cao, nước có mùi tanh và chát. Bể lọc cát kết hợp với giàn phun mưa chỉ có thể lọc bớt nồng độ arsenic và độ nhiễm sắt cao xuống dưới 50 g/l. Nhưng bể lọc không phát huy hiệu quả đối với nguồn nước ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bởi nước vùng này không có sắt hay nồng độ sắt rất thấp. 
      Tăng cường phòng chống ô nhiễm arsenic trong nước
      Các nhà khoa học cho biết, thạch tín là nguyên tố tự nhiên, có nhiều ở lưu vực sông Hồng và sông Cửu Long. Sự xâm nhập của thạch tín vào nước ngầm chủ yếu là do sự hòa tan của thạch tín sẵn có trong lòng đất. Thâm nhập vào cơ thể con người, thạch tín tích tụ nhiều trong các mô da, móng, tóc và trong các tổ chức giàu biểu mô như niêm mạc vòm miệng, thực quản, dạ dày, ruột non. Sự thâm nhập chủ yếu qua đường ăn uống, hô hấp, qua da hoặc truyền từ mẹ sang con. Mức độ tích lũy của thạch tín trong cơ thể  tăng dần theo tuổi. Theo TS Nguyễn Huy Bảo, Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường, nhiễm độc thạch tín mạn tính xảy ra sau khi sử dụng nước bị ô nhiễm thạch tín từ 3 năm trở lên. Nếu uống nước bị ô nhiễm thạch tín với nồng độ quá cao (trên 0,05 mg/l), bệnh sẽ xuất hiện sớm hơn. Bệnh có biểu hiện đặc trưng bởi các tổn thương da điển hình như biến đổi sắc tố da, dày sừng, ung thư da. Ngoài ra có thể thấy biểu hiện ở nhiễm độc thai nghén, sinh con thiếu cân, sẩy thai, thai chết lưu. TS William A. Suk, Phó Giám đốc Điều hành Viện nghiên cứu sức khoẻ môi trường Hoa Kỳ cũng thừa nhận, arsenic là vấn đề toàn cầu. Hiện đã có khoảng 100.000 người trên thế giới phơi nhiễm arsenic ở mức độ cao đủ để gây ra nhiễm độc cấp tính và ung thư bàng quang, ung thư da, ung thư gan..., thậm chí có cả hiện tượng biến đổi gen. Theo kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy, hiện ở Việt Nam cũng đã có những đối tượng có biểu hiện rõ rệt của nhiễm độc arsenic do sử dụng nguồn nước bị nhiễm arsenic. Vì vậy, rất cần đến sự hợp tác toàn cầu trong việc đánh giá nguyên nhân của tình trạng phơi nhiễm đến sự phát triển các bệnh mãn tính và những dấu hiệu bất thường của người sử dụng.  Nhưng khó nhất hiện nay là khâu chẩn đoán lâm sàng và chưa có phác đồ điều trị các trường hợp nhiễm độc arsenic. Cách làm duy nhất hiện nay là hạn chế bớt nồng độ thạch tín trong nguồn nước. Trường hợp không có nguồn nước thay thế, có thể sử dụng bể lọc cát kết hợp với giàn phun mưa. Nếu sử dụng các hệ thống, thiết bị lọc thạch tín khác thì phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
      Về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ Chulabhorn- Viện trưởng Viện nghiên cứu Chulabhorn Thái Lan cho biết, so với Campuchia, Thái Lan, Hoa Kỳ, ÂÆn Độ, nồng độ arsenic trong nước của Việt Nam còn thấp, nhưng theo quy định của Tổ chức y tế thế giới thì nồng độ này đã cao hơn gấp nhiều lần cho phép. Do đó đây cũng là cảnh báo đối với Việt Nam nếu không có kế hoạch và biện pháp khắc phục sớm tình trạng ô nhiễm arsenic trong nước ngầm thì hậu quả sẽ  khôn lường.
      Trước tình trạng ô nhiễm arsenic trong nguồn nước ảnh hưởng tới sức khoẻ cộng đồng, Bộ trưởng Bộ Y tế  Nguyễn Quốc Triệu cho biết, thời gian tới các nhà khoa học Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Thái Lan, Việt Nam... sẽ  thực hiện dự án hợp tác quốc tế về phòng chống ô nhiễm arsenic trong nguồn nước, góp phần bảo vệ sức khoẻ người dân trong khu vực và quốc tế.

Mai Hương