Bao giờ hết định tính?

- Thứ Ba, 23/02/2021, 08:46 - Chia sẻ
Theo Khoản 4, Điều 7, Luật Đầu tư thì điều kiện đầu tư kinh doanh phải được quy định vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng và phải bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, tiết kiệm thời gian, chi phí tuân thủ của nhà đầu tư.

Tuy nhiên, kết quả rà soát gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, một số quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh còn chưa được thể hiện rõ ràng, thậm chí nhiều văn bản quy phạm pháp luật còn chứa đựng các dạng điều kiện kinh doanh được thiết kế theo hướng can thiệp trực tiếp vào quyền tự do thỏa thuận của các bên trong hợp đồng và ít ý nghĩa trong hoạt động quản lý nhà nước.

Đơn cử, việc chưa rõ ràng thể hiện ở chỗ các dạng điều kiện kinh doanh thiết kế theo hướng định tính, sử dụng những cụm từ như “đủ”, “phù hợp”, “cần thiết”. Các dạng điều kiện này đưa đến nhiều cách diễn giải khác nhau giữa doanh nghiệp và cơ quan cấp phép. Điều này tạo ra nguy cơ nhũng nhiễu của các cán bộ thực thi, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Không khó để liệt kê các quy định dạng này như Khoản 3, Điều 1 Nghị định số 150/2018/NĐ-CP sửa đổi một số nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, quy định điều kiện thành lập và hoạt động nhà xuất bản: “Có đủ trang thiết bị để tổ chức xuất bản”; hay Điểm a, Khoản 2, Điều 42 Luật Trồng trọt quy định điều kiện để cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón: “Có địa điểm giao dịch hợp pháp, rõ ràng”...

Một số dạng điều kiện kinh doanh chưa hợp lý khác được thiết kế theo hướng can thiệp trực tiếp vào quyền tự do thỏa thuận của các bên trong hợp đồng và ít ý nghĩa trong hoạt động quản lý nhà nước. Điển hình, yêu cầu doanh nghiệp phải có hợp đồng thuê kho/phương tiện vận tải với thời hạn tối thiểu từ 5 năm trở lên. Mục đích của quy định này hướng tới mục tiêu đảm bảo doanh nghiệp thực sự có cơ sở vật chất theo quy định. Tuy nhiên, cách thức thiết kế điều kiện kinh doanh theo hướng phải có hợp đồng với thời hạn tối thiểu lại chưa hợp lý vì hợp đồng được xác lập trên cơ sở thỏa thuận của các bên. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, một trong các bên có thể không thực hiện hợp đồng, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Đối với trường hợp này, thì yêu cầu về thời hạn tối thiểu của hợp đồng là ít ý nghĩa.

Một dạng điều kiện kinh doanh chưa hợp lý khác là yêu cầu trình độ chuyên môn của một số người ở vị trí quản lý. Trong một số ngành nghề cung cấp dịch vụ phụ thuộc vào năng lực chuyên môn của nhân sự (ví dụ như tư vấn, thẩm định) thì yêu cầu về trình độ chuyên môn của người trực tiếp cung cấp dịch vụ là cần thiết và hợp lý. Nhưng đối với những người ở vị trí quản lý như thành viên Hội đồng quản trị hay Hội đồng thành viên thì yêu cầu trình độ chuyên môn lại dường như chưa thực sự phù hợp vì những người này không tham gia trực tiếp vào hoạt động cung cấp dịch vụ chuyên môn - do đó, yếu tố lợi ích công cộng bị ảnh hưởng là rất ít.

Cụ thể, Điều 4, Nghị định số 16/2019/NĐ-CP quy định điều kiện nhân lực để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thông tin tín dụng gồm: Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty: Có bằng đại học hoặc trên đại học về một trong các chuyên ngành kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin và có ít nhất 3 năm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin…

Từ kết quả rà soát này cho thấy một khía cạnh khác liên quan đến quá trình xây dựng, lấy ý kiến dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Câu hỏi đặt ra là vì sao trong quá trình lấy ý kiến những bất cập này không được phát hiện ra, để đến khi đi văn bản pháp luật vào cuộc sống mới kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung? Hay, đã cho cho ý kiến nhưng không được cơ quan soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý?

Đình Khoa