An toàn thực phẩm tại chợ tự phát

Bao giờ hết lo?

- Thứ Năm, 27/01/2022, 06:33 - Chia sẻ
Sau thời gian “đóng băng” vì dịch Covid-19, các chợ tự phát tại TP. Hồ Chí Minh đã hoạt động trở lại. Để bảo đảm các điều kiện phòng dịch và an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là trong bối cảnh Tết Nguyên đán 2022 đang đến gần, các lực lượng chức năng và người dân trên địa bàn cần cương quyết không tiếp tay cho việc tụ họp bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng, mất vệ sinh tại các chợ tự phát.

“Phớt lờ” các quy định

Đã thành thông lệ, dịp cuối năm, hoạt động mua bán lương thực, thực phẩm diễn ra sôi nổi ở cả vùng nông thôn lẫn thành thị. Đây cũng là dịp để hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng có nguy cơ được tuồn ra thị trường. Tại TP. Hồ Chí Minh, các chợ tự phát sau thời gian “đóng băng” vì dịch Covid-19, nay hoạt động tấp nập trở lại và các quy định về an toàn thực phẩm tại đây bị người bán lẫn người mua “phớt lờ”, đặc biệt trong những ngày cận Tết. Dù thành phố đã có chỉ đạo kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng vận chuyển, lên xuống hàng hóa và kinh doanh tại các điểm mua bán tự phát lấn chiếm lòng lề đường, không bảo đảm quy định phòng chống dịch Covid-19, không để xảy ra tình trạng phát sinh mới và tái lấn chiếm để kinh doanh nông sản thực phẩm tại khu vực xung quanh 3 chợ đầu mối là Bình Điền, Hóc Môn và Thủ Đức.

Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm tại chợ tự phát
Nguồn: ITN

Đơn cử, hàng ngày, từ 23 giờ trở đi, khu vực hai bên đường Quản Trọng Linh (đường vào cổng chợ Bình Điền) nhộn nhịp không khí mua bán. Theo đó, cả trăm quầy sạp xếp thành dãy dài buôn bán quanh khu vực chợ; xe tải liên tục xuống hàng, người bán ra giữa đường chào mời các loại thực phẩm từ rau củ, thịt cá, thủy hải sản… có giá rẻ hơn từ 20 - 30%, thậm chí tới 50% so với các mặt hàng cùng loại tại chợ.

Tại khu vực xung quanh chợ đầu mối Hóc Môn, từ đầu Quốc lộ 22 rẽ vào đường Nguyễn Thị Sóc, các hoạt động mua bán nông sản hết sức tấp nập, các loại rau củ quả, trái cây được đóng túi lớn 10 - 20kg để bán sỉ; một số xe lôi phát loa để bán lẻ cho người đi đường. Gần chợ Bà Chiểu, khu vực đường Vũ Tùng, Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thạnh), nhiều người bày rau củ, thịt cá la liệt dưới lòng đường, mặc nắng mưa, gió bụi. Hay trên nhiều tuyến đường như Võ Văn Kiệt, Hồ Học Lãm… (quận Bình Tân), khu công nghiệp Tân Tạo… chợ tự phát cũng vô tư họp giữa đường đi. Chỉ cần kê một chiếc bàn nhỏ, “tiểu thương” di động bày nào thịt gà, giò heo, thịt bò với giá rẻ tới 1/3 so với hàng bán trong chợ, siêu thị.

Theo đại diện Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền, hàng hóa kinh doanh ở khu tự phát không những không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn thực phẩm, mất vệ sinh môi trường mà còn ảnh hưởng việc lưu thông hàng hóa, mất an ninh trật tự, an toàn giao thông trước cổng chợ. Dù các lực lượng chức năng thường xuyên ra quân kiểm tra, xử lý các tuyến đường chính thường xuyên có chợ tự phát, hàng rong nhưng vẫn chưa dẹp được triệt để. Nguyên nhân là do lực lượng mỏng, người bán hàng rong đối phó bằng cách tản ra khi có đoàn kiểm tra, chưa kể chính người dân cũng tiếp tay bằng cách mua hàng.

Thống kê của Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, năm 2021, đã tiến hành thanh tra, kiểm tra hơn 3.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó phát hiện hơn 109 cơ sở vi phạm, xử phạt 100 cơ sở. Ngoài ra, Ban đã phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố, kiểm tra hơn 7.000 lượt xe, phát hiện 23 lượt xe vi phạm quy định kiểm dịch và các quy định về thú y trong quá trình vận chuyển.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Theo Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan, chợ tự phát vẫn có thể tồn tại là do tiện lợi, tiết kiệm cho người dân như giá thành rẻ, có thể mua ngay mà không cần gửi xe vào chợ… Cùng với đó, hiện nay các tiểu thương ở cả 3 chợ đầu mối và người đến chợ vẫn phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc phòng chống dịch, từ xét nghiệm lấy mẫu, khử khuẩn, tiêm vaccine; trong khi các chợ tự phát chủ yếu hoạt động ở vỉa hè thì không có biện pháp phòng chống dịch bệnh. Chính vì vậy, việc các chợ tự phát vẫn hoạt động tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, kể cả nguy cơ về bùng phát dịch bệnh.

Trên thực tế, việc các chợ tự phát theo các chợ đầu mối và chợ truyền thống trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh là vấn đề được nói tới nhiều năm nay, nhất là vấn đề quản lý an toàn thực phẩm. Do đó, để bảo đảm an toàn thực phẩm, đặc biệt là dịp Tết, thành phố đã ban hành và triển khai kế hoạch ở trên nhiều mảng khác nhau, trong đó nhấn mạnh vấn đề ngộ độc thực phẩm; tăng cường thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau Tết; nâng cao nhận thức cho cộng đồng. Cùng với đó, 11 đoàn thanh tra các quận, huyện và các chợ đầu mối tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh những kho bãi tích trữ thực phẩm để tung ra trong dịp Tết cũng như công tác lấy mẫu để phát hiện trường hợp vi phạm.

Ngoài ra, khi dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiều nơi vẫn tiếp tục bùng phát với hàng nghìn ca mỗi ngày, trong đó hoạt động của chợ tự phát cũng là một nguyên nhân khiến cấp độ dịch ở nhiều địa phương tăng. Để bảo đảm các điều kiện phòng dịch và an toàn vệ sinh thực phẩm, các cấp, các ngành chức năng cần có giải pháp cụ thể, đồng bộ như ra quân lập lại trật tự mua bán ở lòng lề đường; đóng cửa các nơi tụ họp gây mất trật tự an toàn giao thông, cản trở đường đi lối lại; tổ chức kiểm tra kiểm soát, nhắc nhở người dân về an toàn vệ sinh thực phẩm được bày bán.

Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện thuận lợi để các chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng tiện ích được mở rộng hoạt động; phục vụ tốt nhất nhu cầu mua sắm của người dân. Mặt khác, tăng cường tuyên truyền để người bán người mua có trách nhiệm hơn, nhất là hàng hóa lương thực thực phẩm phải bảo đảm an toàn; không tiếp tay cho việc bán hàng hóa quá hạn, kém chất lượng, mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hiểu Lam