Bảo hiểm xã hội Việt Nam cơ bản hoàn thành mục tiêu Nghị quyết 116

- Thứ Ba, 23/11/2021, 06:22 - Chia sẻ
Thực hiện Nghị quyết 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và chủ sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp, sau hơn 1 tháng khẩn trương triển khai, đến nay, cả nước đã hỗ trợ bằng tiền cho hơn 11,77 triệu người lao động với tổng số tiền 28.000 tỷ đồng. Đồng thời, giảm mức đóng cho hơn 363.600 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng với 9,68 triệu người lao động và số tiền tạm tính điều chỉnh giảm đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp lên tới 7.595 tỷ đồng.
Nguồn: ITN

Theo các chuyên gia, với sự nỗ lực, sáng tạo trong triển khai BHXH Việt Nam đã cơ bản hoàn thành mục tiêu Nghị quyết 116/NQ-CP của Chính phủ; qua đó, thể hiện quyết tâm cao phục vụ người lao động và doanh nghiệp của ngành bảo hiểm xã hội.

Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, kết quả này được ông dự đoán ngay từ những ngày đầu triển khai chính sách, bởi quy trình mà ngành BHXH Việt Nam đưa ra rất hợp lý.

“Các cơ sở để triển khai chính sách hỗ trợ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như dữ liệu, quy trình, phương thức… Dựa vào những mục định trên có thể thấy, ngành BHXH Việt Nam đã đi đúng hướng ngay từ khi triển khai với nguồn dữ liệu chuẩn và phương thức chi trả trực tiếp vào tài khoản của người lao động. Đặc biệt, tôi cũng đánh giá rất cao việc đăng ký nhận hỗ trợ thông qua ứng dụng VssID của BHXH Việt Nam - đây được coi là điểm nhấn quan trọng trong triển khai chính sách này”- ông Lê Đình Quảng nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo TS.Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, qua gặp gỡ trực tiếp với công nhân, người lao động tự do, bản thân ông thấy thực tế là các chính sách của Chính phủ và các cấp, các ngành đối với người lao động trong 2 năm vừa qua cho thấy hiệu quả rõ rệt. Đặc biệt, các chính sách sau ngày càng kịp thời hơn, thiết thực hơn và thuận tiện hơn trước. Riêng 2 gói hỗ trợ gần đây nhất, đặc biệt là gói hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết 116/NQ-CP, tất cả người lao động và doanh nghiệp đều rất phấn khởi vì tính kịp thời, thủ tục thuận tiện. Hầu hết người lao động và doanh nghiệp đều đã tiếp cận được gói này. Lúc đầu tôi cũng rất hoang mang với mục tiêu 45 ngày, nhưng đến nay về cơ bản đã hoàn thành mục tiêu "tốc tiến, tốc thắng" đặt ra ban đầu của ngành BHXH Việt Nam.

Đồng ý với quan điểm trên, PGS.TS Giang Thanh Long, Viện trưởng Viện Chính sách Công và Quản lý, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho rằng, các chính sách hỗ trợ rất kịp thời, thiết thực và thuận lợi hơn cho người lao động và chủ sử dụng lao động khi tiếp cận. Nghị quyết 116 cho phép doanh nghiệp giảm đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống 0% là rất hợp lý và hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp. Nhìn trong dài hạn, việc khuyến khích người lao động tham gia đóng BHXH là điều cực kỳ quan trọng. Càng nhiều người tham gia quỹ BHXH, càng có nguồn lực để chia sẻ rủi ro với người mất việc, làm tấm nệm để đỡ họ chống lại những cú sốc tương tự như cú sốc do Covid-19 gây ra vừa rồi.

Tuy nhiên, một vấn đề cần chú ý là theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong quý II.2021, tỷ lệ lao động phi chính thức đạt mức cao nhất trong 3 năm trở lại đây, với tỷ lệ 57,4%. Có thể thấy, hàng chục triệu người lao động được coi là lao động phi chính thức. Như vậy, các chính sách hỗ trợ vẫn chưa bao phủ được hết, vẫn còn một số lượng khá lớn lao động phi chính thức chưa tiếp cận được hoặc tiếp cận chậm với chính sách.

Chính vì vậy, công tác rà soát, thống kê giữ vai trò rất quan trọng, giúp người dân tiếp cận chính sách dễ dàng, thuận tiện hơn. Ví dụ từ việc những người được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 116; ngành BHXH Việt Nam đã có đầy đủ thông tin trong cơ sở dữ liệu và được hỗ trợ nhanh chóng. Việc số hóa công tác quản lý lao động sẽ giải quyết chính sách rất nhanh và giảm chi phí rà soát. Đây chính là yếu tố giúp sử dụng hiệu quả các quỹ hỗ trợ cho người lao động. 

Hà Thủy