Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẵn sàng chuyển đổi số

- Thứ Ba, 30/11/2021, 05:28 - Chia sẻ
Cách mạng Công nghiệp 4.0 chính là chuyển đổi số, với sự tích hợp của số hóa, kết nối, siêu kết nối và xử lý dữ liệu thông minh. Đây là quá trình phát triển tất yếu trên mọi lĩnh vực và ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) đã chuẩn bị sẵn sàng tâm thế và nguồn lực cho quá trình chuyển đổi số.

Nắm bắt xu thế phát triển

Ngày 27.9.2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cách mạng Công nghiệp 4.0, trong đó, nhấn mạnh yêu cầu cấp bách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Trên cơ sở đó, Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TW; đồng thời Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 14.1.2020 về “Thúc đẩy phát triển công nghệ số Việt Nam”, Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 3.6.2020 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Đặc biệt, trong các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, những khái niệm như chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số đã lần đầu tiên được đề cập; đặt ra yêu cầu thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số để tạo bứt phá về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Nắm bắt xu thế chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu và định hướng, chiến lược chuyển đổi số quốc gia và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, BHXH Việt Nam là một trong những cơ quan thuộc Chính phủ sớm tiếp cận và có những bước chuyển biến rõ nét trong thực hiện chiến lược chuyển đổi số. Điều đó được thể hiện trong việc BHXH Việt Nam đã và đang đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin của ngành theo định hướng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an sinh xã hội quốc gia, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, toàn diện hơn.

Theo đó, ngành BHXH Việt Nam hiện đang có gần 30 hệ thống ứng dụng; quản lý cơ sở dữ liệu của gần 98 triệu người dân, tương ứng gần 28 triệu hộ gia đình; hơn 20.000 tài khoản công chức viên chức, người lao động thường xuyên truy cập, khai thác và sử dụng để thực hiện các nghiệp vụ của ngành; kết nối liên thông với trên 12.000 cơ sở khám, chữa bệnh và hơn 500.000 tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trên toàn quốc và các bộ, ngành.

Toàn ngành có 25 thủ tục hành chính còn hiệu lực và đều được công khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam và bộ phận “Một cửa” của BHXH cấp tỉnh/huyện, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Mỗi năm, Cổng Giao dịch điện tử tiếp nhận và xử lý gần 100 triệu lượt hồ sơ, riêng từ đầu năm 2021 đến nay là gần 70 triệu hồ sơ. Đáng chú ý, sau gần 1 năm triển khai ứng dụng VssID, cả nước đã có hơn 23 triệu tài khoản giao dịch điện tử cá nhân dùng để đăng nhập, sử dụng ứng dụng này được phê duyệt.

Trung tâm điều hành công nghệ thông tin, Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Chủ động trong tiến trình chuyển đổi

Vừa qua, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã ký ban hành Kế hoạch 3035/KH-BHXH về thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 của ngành BHXH Việt Nam. Trong đó, có nội dung quan trọng về xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số với những mục tiêu cụ thể.

Theo đó, đến năm 2025, sẽ triển khai thành công Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau; 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được cấp định danh và xác thực điện tử thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của BHXH Việt Nam; 90% hệ thống thông tin của BHXH Việt Nam có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia và nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu.

Bên cạnh đó, thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành sẽ không phải cung cấp lại; cung cấp dữ liệu mở theo quy định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước; duy trì kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa Hệ thống báo cáo của BHXH Việt Nam với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; phát triển, hoàn thiện Hệ thống tổng hợp và phân tích dữ liệu tập trung ngành BHXH (Datawarehouse- DWH) phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và các hoạt động nghiệp vụ của ngành; 95% hồ sơ công việc của ngành được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 50% người tham gia BHXH, BHYT có tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan BHXH, trong đó, có 40% sử dụng ứng dụng VssID.

Dự kiến, đến năm 2030, 100% Hệ thống thông tin của BHXH Việt Nam có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia và Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại các dữ liệu quốc giacơ sở dữ chuyên ngành không phải cung cấp lại; 100% hồ sơ công việc của ngành được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 80% người tham gia BHXH, BHYT có tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan BHXH, trong đó có 60% sử dụng ứng dụng VssID.

Được biết, thực hiện Nghị định 43/2021/NĐ-CP, BHXH Việt Nam đã và đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật, tập trung, hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành, danh mục dữ liệu mở để sẵn sàng kết nối, chia sẻ theo chỉ đạo của Chính phủ…

Quốc Túy