Xây dựng nông thôn mới

Bao nhiêu tiền cũng phải đầu tư

- Thứ Năm, 24/06/2021, 06:16 - Chia sẻ
Hoàn toàn nhất trí cần tiếp tục triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới trong 5 năm tới nhưng các ý kiến tại cuộc họp chiều qua của Ủy ban Kinh tế rất băn khoăn về khả năng bố trí ngân sách để thực hiện. Dù phương án nào được chọn thì cũng cần phải đầu tư hiệu quả, thực chất, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan bày tỏ quan điểm với các đại biểu.

Ngân sách phải bố trí tương xứng

Sau 10 năm triển khai thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt được những kết quả quan trọng, theo như đánh giá của lãnh đạo Đảng và Nhà nước là “to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh khi trình bày Tờ trình của Chính phủ đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trong phiên họp của Ủy ban Kinh tế.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam phát biểu tại phiên họp Ảnh: Quang Khánh
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam phát biểu tại phiên họp
Ảnh: Quang Khánh

Cụ thể, đến hết năm 2020, Chương trình đã hoàn thành vượt 12,4% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (62,4%) so với mục tiêu được giao. Đến tháng 6.2021, cả nước đã có 64,6% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 192 đơn vị cấp huyện đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới; 12 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 đạt 41,7 triệu đồng/người/năm, gấp 1,7 lần so với năm 2015 và gấp 3,25 lần so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn năm 2020 còn khoảng 5,6%...

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu “đến 2025, tối thiểu 80% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 10% đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu”; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 cũng nêu: “Phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới”. Vì vậy, trong 5 năm tới cần tiếp tục đầu tư xây dựng nông thôn mới.

Theo tờ trình của Chính phủ, mục tiêu phấn đấu của chương trình này đến năm 2025 là, cấp xã có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới. Cả nước có ít nhất 15 tỉnh, thành phố được Thủ tướng công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Để hoàn thành đầy đủ các mục tiêu Chương trình đặt ra trong 5 năm tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tính toán ngân sách cần bố trí 51.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ý kiến của Hội đồng thẩm định nhà nước, tổng vốn ngân sách trung ương mới bố trí được khoảng 39.632 tỷ đồng (trong đó, vốn đầu tư phát triển 30.000 tỷ đồng và vốn sự nghiệp 9.632 tỷ đồng).

Theo ý kiến đa số các thành viên Chính phủ, Chính phủ vẫn đề nghị Quốc hội xem xét, phê duyệt vốn ngân sách trung ương cho chương trình giai đoạn 2021 - 2025 là 51.500 tỷ đồng và giao Chính phủ nghiên cứu, tìm nguồn bố trí tăng 11.868 tỷ đồng. “Quan trọng nhất là Chương trình có đủ nguồn lực để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ với chất lượng cao hơn so với phương án chỉ có 39.632 tỷ đồng, bảo đảm duy trì bền vững những kết quả đạt được của chương trình và nâng cao mọi mặt đời sống của người dân nông thôn như mục tiêu của Đảng và Nhà nước đã đề ra”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam bày tỏ. Cụ thể là tăng thu nhập của người dân nông thôn gấp khoảng 1,5 lần (60 triệu đồng/người/năm) so với năm 2020; giải quyết các vấn đề bức xúc (môi trường, an ninh trật tự…); phấn đấu không còn xã dưới 15 tiêu chí và thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền… 

Băn khoăn tính khả thi

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai rất băn khoăn về tính khả thi của con số 51.500 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương. Bà cho biết, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề xuất chọn phương án 39.632 tỷ đồng vì 3 lý do. Thứ nhất, giai đoạn tiếp theo thu ngân sách hứa hẹn tăng nhưng không có đột biến. Thứ hai, cần tính đến ảnh hưởng của dịch bệnh, lộ trình thực hiện chiến lược vaccine còn rất dài nên việc phát triển kinh tế sẽ bị tác động. Thứ ba, nhiệm vụ chi ngân sách tới đây rất lớn, ngoài chi an sinh xã hội còn có nhiều khoản nợ công đến thời hạn phải trả. “Để bảo đảm khả thi, Chính phủ nên giữ phương án 39.632 tỷ đồng”, bà Mai nói.

Từ góc nhìn của Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật, đại biểu Trần Hồng Nguyên cho biết phương án để cho Chính phủ nghiên cứu, tìm nguồn bố trí tăng 11.868 tỷ đồng không phù hợp với Luật Đầu tư công. Cụ thể, Luật Đầu tư công nghiêm cấm quyết định chủ trương đầu tư khi không xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. “Giờ lại giao Chính phủ đi tìm vốn thì tôi rất băn khoăn”.

Chính phủ nên chọn một phương án bố trí ngân sách, ta không lãng phí nhưng đừng tiết kiệm, quan trọng là hiệu quả, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Tạ Văn Hạ nêu quan điểm. Ngược lại, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề Xã hội Đỗ Thị Lan lại nhất trí với việc Chính phủ trình Quốc hội 2 phương án thu xếp ngân sách.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, phương án 51.500 tỷ đồng hay 39.632 tỷ đồng đều có những lý do xác đáng. Cá nhân ông ủng hộ phương án đầu tư nhiều hơn cho nông thôn mới để nông dân được thụ hưởng nhiều hơn nhưng ông cũng thừa nhận nguồn lực còn khó khăn.  

“Chúng ta chia nhiều vai, trình, thẩm định, giám sát chính sách, nhưng cuối cùng chúng ta có bổn phận làm sao để chương trình nông thôn mới thiết thực, hiệu quả, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan nói. Ông cũng khẳng định dù phương án nào về nguồn lực thì cũng cần phải đầu tư hiệu quả, thực chất.

Hà Lan