Phiên họp thứ Hai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Bao quát hết các đặc thù lớn của từng ngành, lĩnh vực và địa phương

- Thứ Ba, 17/08/2021, 18:01 - Chia sẻ
Chiều 17.8, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ Hai, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, biểu quyết thông qua Nghị quyết về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp
Ảnh: Hồ Long

Phân bổ chi thường xuyên cho các cơ quan Trung ương theo kết quả đầu ra

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, do thời kỳ ổn định ngân sách nhà nước (NSNN) giai đoạn 2017-2020 được kéo dài sang năm 2021, nên thời gian ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên để áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách mới cũng được lùi lại. Trên cơ sở quy định pháp luật hiện hành, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ chi thường xuyên NSNN cho năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách (giai đoạn tới bắt đầu từ năm 2022). Trên cơ sở đó trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN năm 2022 làm căn cứ để xây dựng dự toán, phân bổ ngân sách cho các bộ, địa phương thời kỳ ổn định ngân sách mới, bắt đầu từ năm 2022.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình của Chính phủ
Ảnh: Hồ Long

Về quy định cụ thể, Bộ trưởng cho biết, dự toán ngân sách cho chi quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể của các bộ, cơ quan trung ương sẽ bỏ căn cứ theo biên chế như hiện nay, và được xây dựng căn cứ chức năng, nhiệm vụ, khối lượng, quy mô, tính chất nhiệm vụ được giao để từng bước đổi mới phương thức quản lý ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt. NSNN bảo đảm chi tiền lương và chế độ, chính sách theo quy định đối với số biên chế được giao; ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng, thiết yếu; bố trí chi thường xuyên bảo đảm hoạt động bộ máy và các khoản chi nghiệp vụ chuyên môn thường xuyên của các bộ, cơ quan Trung ương trên tinh thần triệt để tiết kiệm.

Đối với phân bổ cho ngân sách địa phương, Chính phủ đề nghị tiếp tục thực hiện theo tiêu chí dân số của 4 vùng, gồm vùng đặc biệt khó khăn, vùng khó khăn, vùng đô thị và vùng khác còn lại. Dân số của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được xác định theo số liệu dân số trung bình năm 2022 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cung cấp.

Theo Tờ trình của Chính phủ, chi thường xuyên của các cơ quan, đơn vị ở địa phương được phân cấp theo 13 lĩnh vực chi nhằm mục tiêu định hướng cho các bộ quản lý ngành, lĩnh vực thực hiện chức năng quản lý nhà nước, đồng thời định hướng cho UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh để ban hành hệ thống nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên của ngân sách địa phương chi tiết theo từng lĩnh vực, bảo đảm đủ kinh phí thực hiện các chính sách, chế độ chi đã được Trung ương ban hành, đồng thời chú trọng ưu tiên kinh phí cho các lĩnh vực chi quan trọng.

Ảnh: Hồ Long

Đối với các tỉnh, thành phố có cơ chế, chính sách đặc thù, có tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương, Chính phủ đề xuất, thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh được phân bổ thêm 80% số chi tính theo định mức dân số. Các thành phố trực thuộc Trung ương là Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ được phân bổ thêm 70% số chi tính theo định mức dân số. Với các địa phương có tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương, Chính phủ đề xuất, địa phương có tỷ lệ điều tiết từ 40% trở lên được phân bổ thêm 60%; có tỷ lệ điều tiết từ 15% đến dưới 40% được phân bổ thêm 50%. Các địa phương có tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương còn lại được phân bổ thêm 40%.

Đối với các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên Huế, căn cứ các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định hỗ trợ thêm địa phương nêu trên là 45% số chi tính theo định mức dân số.

Lĩnh vực y tế cần được lưu tâm trong phân bổ ngân sách địa phương

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho rằng, hồ sơ dự thảo Nghị quyết do Chính phủ trình đã bảo đảm yêu cầu theo quy định, đủ điều kiện trình UBTVQH xem xét, quyết định theo đúng thẩm quyền. Trong đó, về tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN cho các bộ, cơ quan Trung ương, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy, như phương án định mức phân bổ cho các bộ, cơ quan Trung ương được Chính phủ xác định thì sẽ căn cứ trên chức năng, nhiệm vụ, khối lượng, quy mô, tính chất nhiệm vụ được giao (bỏ việc xây dựng định mức phân bổ theo biên chế). “Đây là bước chuyển biến hướng đến phương thức quản lý ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ, chuyển từ việc chú trọng yếu tố đầu vào sang quản lý theo kết quả đầu ra”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhấn mạnh. 

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra
Ảnh: Hồ Long

Đa số ý kiến của Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí về chủ trương đổi mới phương pháp phân bổ ngân sách như Chính phủ trình. Tuy nhiên, cách thức triển khai cụ thể chưa được làm rõ trong dự thảo của Chính phủ. Để thật sự triển khai phương thức phân bổ ngân sách theo kết quả đầu ra, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị, Chính phủ sớm có hướng dẫn về phương pháp thực hiện với các định mức kinh tế - kỹ thuật cụ thể, chi tiết làm cơ sở xác định chi phí và có bộ tiêu chí đánh giá kết quả đầu ra, bảo đảm việc phân bổ NSNN được công khai, minh bạch, công bằng.

Về tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN cho các địa phương, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy, việc bỏ nhiều “tiêu chí bổ sung” bên cạnh việc sử dụng tiêu chí dân số là chưa thật phù hợp, vì đã không tính đến yếu tố đặc thù của từng ngành, lĩnh vực. Đồng thời, việc sử dụng tiêu chí dân số trong thời gian qua cũng cho thấy sự chưa hoàn toàn hợp lý đối với một số lĩnh vực chi như chi quốc phòng, chi phát thanh - truyền hình, duy tu bảo trì đường bộ…Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nêu rõ, cần bổ sung các tiêu chí phụ, như mật độ dân số, dân số vãng lai, số đơn vị hành chính cấp huyện ít nhưng vẫn phải bảo đảm các nhiệm vụ theo quy định, bảo đảm tính đặc thù của từng ngành, lĩnh vực, địa phương. Trong đó, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng lưu ý, định mức phân bổ chi sự nghiệp y tế cho các địa phương còn thấp, nhất là trong bối cảnh phức tạp của dịch bệnh hiện nay, lĩnh vực y tế cần được ưu tiên bố trí kinh phí.

Ảnh: Hồ Long

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ và báo cáo thẩm tra chi tiết của Ủy ban Tài chính - Ngân sách; thống nhất cần sớm thông qua, ban hành Nghị quyết về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN để áp dụng cho xây dựng dự toán ngân sách năm 2022 và thời kỳ ổn định ngân sách mới.

Về thời kỳ ổn định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu, Chính phủ xây dựng Tờ trình để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ Hai tới đây. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu, rà soát và thể hiện trong Nghị quyết về việc bảo đảm thực hiện các tiêu chí, định mức và cải cách tiền lương (được thực hiện từ ngày 1.7.2022), đồng thời dự phòng các rủi ro và  phương án xử lý các rủi ro. Bên cạnh đó, bảo đảm tương thích với tỷ lệ phân chia dự toán ngân sách năm 2022 sẽ được Quốc hội quyết định tại Kỳ họp thứ Hai tới đây, cũng như phù hợp với các chỉ tiêu, mục tiêu trong Kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội quyết định.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất tiêu chí dân số là tiêu chí chính để phân bổ ngân sách cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Song, Chính phủ cần rà soát các tiêu chí bổ sung để bao quát hết các đặc thù lớn của từng vùng miền, lĩnh vực chi; đồng thời, lưu ý các ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, định mức phân bổ chi sự nghiệp y tế cho các địa phương cần có định mức phân bổ rõ hơn với y tế dự phòng, y tế cơ sở, bảo đảm thực hiện chủ trương “y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng” nêu trong Nghị quyết số 20, Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII.  

Về tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN cho các bộ, cơ quan Trung ương, do Bộ trưởng Bộ Tài chính thống nhất chuyển sang cách tính theo biên chế, thay vì căn cứ vào hiệu quả đầu ra như đề xuất ban đầu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất, sẽ thể hiện trong dự thảo Nghị quyết việc xây dựng định mức phân bổ dựa trên tiêu chí số lượng biên chế trên cơ sở vị trí việc làm. Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị, cần chú ý phân bổ dự toán ngân sách theo một số nhiệm vụ được giao cụ thể cho từng cơ quan.   

Với cơ chế đặc thù, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị, chỉ tiếp tục áp dụng cơ chế đặc thù đối với một số cơ quan, đơn vị Trung ương đến trước ngày 1.7.2022. Sau khi chính sách tiền lương mới được cơ quan có thẩm quyền quyết định sẽ xóa bỏ cơ chế đặc thù hiện nay. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí, phân định thêm số chi cho các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên Huế, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai, để chấp hành nghiêm quy định tại Điều 74, Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành.

Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua về nguyên tắc chung với Nghị quyết về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022. Đồng thời, giao Ủy ban Tài chính - Ngân sách phối hợp với Ủy ban Pháp luật, các Ủy ban của Quốc hội và Bộ Tài chính rà soát, thống nhất các nội dung còn ý kiến khác nhau hoặc cần làm rõ để hoàn thiện Nghị quyết; xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi ban hành.

Hồ Long