Bảo tồn đa dạng sinh học từ chính sách pháp luật

- Thứ Bảy, 25/05/2013, 08:13 - Chia sẻ
Không thể phủ nhận vai trò của Luật Đa dạng sinh học (ĐDSH) 2008 là hành lang pháp lý với nhiều quy định cụ thể góp phần điều chỉnh và thực thi có hiệu quả công tác bảo tồn ĐDSH. Thế nhưng, sau nhiều năm thực thi, văn bản này cũng bộc lộ những hạn chế nhất định, thiếu những nội dung quan trọng cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành.
 

So với các văn bản pháp luật về bảo tồn ĐDSH trước đây, Luật ĐDSH 2008 đã thể hiện đầy đủ, toàn diện hơn về công tác bảo tồn song vẫn chưa bảo đảm được sự rõ ràng, minh bạch trong khi đây là mục tiêu quan trọng cần hướng tới khi xây dựng luật. Đơn cử như quy định về nguồn gen trên lãnh thổ Việt Nam, một nội dung đòi hỏi phải có sự thống nhất về nhận thức cũng như cần có giải thích rõ ràng hơn, tránh gây mơ hồ. Thế nhưng, Luật mới chỉ đề cập đến các khu bảo tồn và các hệ sinh thái tự nhiên còn đối với các loài sinh vật, chỉ có động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, các giống cây trồng, giống vật nuôi, vi sinh vật, các loại nấm nguy cấp, quý hiếm được nhắc tới, trong khi đó giới hạn phạm vi điều chỉnh đối với nguồn gene chưa được xác định cụ thể. Ngoài ra, Luật cũng chưa quy định rõ cơ quan nào được phép tiếp nhận và cấp phép tiếp nhận nguồn gene cũng như chưa đề cập tới các vấn đề căn bản như hình thức chia sẻ, tỷ lệ phân chia lợi ích giữa các bên, thẩm định và xác định giá trị nguồn gen làm căn cứ phân chia lợi ích hay các quy định về thỏa thuận chuyển giao công nghệ bản quyền và sáng chế.

Bên cạnh đó, theo khoản 2 Điều 55, Ban quản lý khu bảo tồn, tổ chức được giao quản lý nguồn gene trong khu bảo tồn sẽ được chia sẻ lợi ích từ nguồn gene theo khoản 2, Điều 61. Điều này có nghĩa là cộng đồng sinh sống ở khu bảo tồn không là đối tượng được giao quản lý nguồn gen ở khu bảo tồn thì không được chia sẻ lợi ích từ nguồn gene đó trong khi đây là chủ thể quan trọng cần được ưu tiên nhằm khuyến khích họ tham gia bảo tồn theo các tiếp cận dựa vào cộng đồng. Hơn nữa, theo quy định pháp luật hiện hành thì diện tích vùng đệm lại không tính vào diện tích khu bảo tồn nên càng không có căn cứ để chia sẻ lợi ích từ nguồn gene của khu bảo tồn. Giải pháp tốt nhất hiện nay để đảm bảo được lợi ích của cộng đồng là các văn bản hướng dẫn thi hành Luật ĐDSH về quản lý và chia sẻ lợi ích từ nguồn gen cần phải xác định cụ thể cộng đồng tại vùng đệm là một bên liên quan trong ba bên được chia sẻ lợi ích. Theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật và Chính sách Phát triển bền vững Trần Thị Hương Trang, “mặc dù Nghị định 65/2010/NĐ-CP đã có những quy định liên quan đến tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích song vẫn chưa thực sự rõ ràng, đòi hỏi phải ban hành Nghị định riêng về vấn đề này”. 

Việc thiếu các văn bản dưới luật nhằm hướng dẫn chi tiết, cụ thể nội dung quan trọng được đề cập trong Luật là một thực tế hiện nay trong khi phần lớn các điều luật mới chỉ gợi mở vấn đề chứ chưa đi vào nội dung chính mà còn phụ thuộc nhiều từ “sự hướng dẫn chi tiết” của Chính phủ. Hơn nữa, hoạt động bảo tồn ĐDSH có đạt được hiệu quả hay không cũng cần phải có cơ chế phối hợp giữa các bộ, ban, ngành. Điều đó đòi hỏi phải xây dựng các văn bản pháp luật liên ngành song đây là điểm còn thiếu sót trong chính sách về bảo tồn ĐDSH. “Việc thiếu văn bản liên ngành sẽ khiến cho hiệu quả của công tác bảo tồn ĐDSH không đạt được như ý muốn, dễ dẫn tới tình trạng chia tách, nhỏ lẻ trong thẩm quyền, không tạo được sự gắn kết đồng bộ giữa các cơ quan có trách nhiệm thực hiện” – Ông Trương Hồng Quang, Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp nhấn mạnh. 

Chính sự mâu thuẫn, thiếu rõ ràng và mơ hồ trong các quy định là căn nguyên khiến cho việc thực thi pháp luật trên thực tiễn còn gặp nhiều khó khăn. Đó là chưa kể nhận thức của người dân trong vấn đề về ĐDSH còn chưa đầy đủ và thấu đáo. Có khá nhiều quy định về quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sinh sống hợp pháp trong khu bảo tồn nhưng để những người dân, chính quyền địa phương hiểu và thực thi theo Luật đòi hỏi phải có thời gian. Trong khi đó, tại nhiều nơi, nhận thức của chính quyền địa phương về yếu tố con người trong bảo tồn, phát triển ĐDSH còn chưa cao. Rõ ràng, quy định của pháp luật chặt chẽ, đúng đắn là điều kiện đầu tiên nhưng nếu thiếu nguồn nhân lực thì những quy định đó có hay đến đâu cũng khó đạt hiệu quả trong thực tế. Điều đáng nói là công tác vận động, tuyên truyền và giáo dục với người dân tại địa phương còn chưa đủ mạnh, gây ảnh hưởng lớn đến việc thực thi pháp luật về bảo tồn ĐDSH.

Đỗ Quyên