Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống gắn với phát triển bền vững

- Thứ Tư, 13/01/2021, 18:14 - Chia sẻ
Trích đăng phát biểu của ỦY VIÊN BỘ CHÍNH TRỊ, PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TÒNG THỊ PHÓNG tại Hội thảo Triển khai thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải miền Trung

Bước ngoặt lớn, rất tích cực cho công tác dân tộc

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS và MN) giữ vị trí chiến lược và tầm quan trọng đặc biệt về chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại và bảo vệ môi trường sinh thái. Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành và triển khai thực hiện đồng bộ nhiều chính sách dân tộc và đã đạt được những thành tựu quan trọng, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào từng bước được nâng cao, diện mạo vùng DTTS và MN đã thay đổi rõ rệt, góp phần quan trọng tạo nên sự ổn định, phát triển của các dân tộc.

Đặc biệt, trong Văn kiện Đại hội Đảng qua các thời kỳ đều khẳng định nhất quán nguyên tắc, định hướng chiến lược là “bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển”, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc; thể hiện khá toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, nhằm nâng cao mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại Hội thảo

Vấn đề dân tộc tiếp tục được Đảng xác định có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng, được chú trọng, đổi mới và được sự đồng thuận cao của nhân dân. Đại hội XII tiếp tục định hướng chỉ đạo nhằm: “...phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây duyên hải miền Trung. ...”. Điểm mới trong Văn kiện là sự bổ sung thêm địa bàn “Tây duyên hải miền Trung”, là địa bàn hội thảo chúng ta đang đề cập, ngoài 3 khu vực trọng điểm Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ như trước đây.

Để thể chế Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành và địa phương đã xây dựng, ban hành nhiều chính sách, pháp luật đối với đồng bào DTTS và MN. Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XIV, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 88 về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021 - 2030; tại Kỳ họp thứ Chín, ngày 19.6.2020, với sự đồng thuận của 100% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết, Quốc hội đã quyết định phê duyệt chủ trương đầu tưChương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021-2030. Đây là quyết định mang tính lịch sử của Quốc hội nhằm thực hiện Khoản 5, Điều 70 của Hiến pháp năm 2013 “Quốc hội quyết định chính sách dân tộc của nhà nước”. Việc thông qua Nghị quyết phê duyệt Đề án còn tạo bước ngoặt lớn, rất tích cực cho công tác dân tộc và chính sách dân tộc trong giai đoạn 2021 - 2030. Điều đó càng khẳng định sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Đây cũng là niềm tự hào, là động lực to lớn đối với toàn thể đồng bào dân tộc thiểu số trong công cuộc giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, hòa cùng với phát triển chung của cả nước.

Nói đi đôi với làm để đồng bào tin, yêu mến và làm theo

Đối với địa bàn các tỉnh Tây Nguyên và Tây duyên hải miền Trung, Tây Nguyên gồm 5 tỉnh (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng) và Tây duyên hải miền Trung gồm 14 tỉnh kết nối giữa hai miền Nam - Bắc, là vùng có vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển và các hoạt động kinh tế trên dải đất liền ven biển. Miền Trung còn là cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên, kết nối tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. Vùng có tiềm năng và nhu cầu mở cửa, hội nhập rất lớn. Vùng Tây Nguyên có vị trí đặc biệt về chiến lược thuộc khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam với đường biên giới dài. Tây Nguyên được coi là “mái nhà của Đông Dương”, có chức năng phòng hộ rất lớn, là đầu nguồn của 5 con sông, có vị trí rất quan trọng về môi trường sinh thái, là nguồn nước ngọt cho sự phát triển ổn định và bền vững của cả vùng miền Trung và Tây Nguyên. Với đủ 54 thành phần dân tộc, vùng Tây Nguyên có tiềm năng lớn về phát triển thủy điện, điện mặt trời, nông nghiệp, lâm nghiệp, chế biến nông, lâm sản, du lịch.  

Với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái của Tây duyên hải miền Trung và Tây Nguyên đối với đất nước, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành nhiều văn bản quan trọng, đó là: Nghị quyết số 10, Thông báo Kết luận số 148, Kết luận số 12, Kết luận số 25 nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ, Tây duyên hải Trung bộ và Tây Nguyên vào những năm tiếp theo. 

Để đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên và Tây duyên hải miền Trung phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, Hội nghị quan trọng này là rất cần, rất kịp thời triển khai Nghị quyết của Quốc hội, cũng là trực tiếp triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản của Đảng về đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên, Bắc Trung bộ và Tây duyên hải miền Trung. Đồng thời, tại hội nghị này, đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận, cùng bàn, thống nhất giải pháp với quyết tâm chính trị cao nhất để triển khai thực hiện có hiệu quả hơn một số nhiệm vụ trọng yếu sau đây:

Thứ nhất, tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số. Giải quyết tốt vấn đề về đất đai, việc làm nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao thu nhập; phấn đấu đến năm 2025 giải quyết căn bản vấn đề đất đai, ưu tiên giải quyết đủ đất sản xuất, tập trung vào việc giao rừng, khoán rừng để đồng bào có thể sinh sống được từ nghề rừng. Đồng thời, giải quyết vấn đề thuỷ lợi, hỗ trợ cây, con giống, làm tốt công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công và phát triển tiểu thủ công nghiệp.

Làm tốt công tác định canh, định cư và ổn định đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, đặc biệt là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, vùng biên giới và đồng bào lên xây dựng kinh tế mới, chú ý số đồng bào di cư không theo quy hoạch đang gặp khó khăn. Phát huy tinh thần tự lực của người dân; đẩy mạnh việc tổ chức liên kết sản xuất, chuyển dịch cơ cấu lao động trong vùng dân tộc thiểu số. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đào tạo, dạy nghề, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm tất cả các xã, buôn làng có đường giao thông đi lại cả hai mùa, có điện, hệ thống cấp nước, trường học, trạm xá, bưu điện và các cơ sở dịch vụ sản xuất thiết yếu.

Thứ hai, phát triển văn hóa, giáo dục, ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và địa bàn biên giới. Quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 76 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Trong đó, tập trung xây dựng đời sống văn hóa mới và bảo đảm nhu cầu sinh hoạt văn hóa của đồng bào các dân tộc, trên cơ sở bảo tồn những tinh hoa văn hóa truyền thống, gìn giữ, kế thừa có chọn lọc, phát huy những giá trị tiêu biểu, loại bỏ dần hủ tục, từng bước xây dựng giá trị mới về văn hóa, nghệ thuật, nếp sống văn minh. Tiếp tục đầu tư nghiên cứu, sưu tầm, phục hồi các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, khôi phục các lễ hội và sinh hoạt văn hóa truyền thống theo nhu cầu, nguyện vọng của đồng bào.

Phát triển mạnh giáo dục, đào tạo hướng vào việc hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân; có chính sách đặc thù để nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao trình độ dân trí cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số. Khống chế có hiệu quả các dịch bệnh; bảo vệ sức khỏe đồng bào, bảo đảm đồng bào dân tộc thiểu số được khám, chữa bệnh miễn phí, thu hẹp sự chênh lệch về khả năng tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe của đồng bào dân tộc thiểu số, chú ý sức khỏe sinh sản của một số cộng đồng dân tộc còn ít người, phòng chống suy dinh dưỡng để nâng cao thể lực, tầm vóc của các cháu, nâng dần chất lượng dân số trong thời kỳ mới.

Thứ ba, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, xã hội.  Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, đề án của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; thực hiện tốt các chính sách về phát triển kinh tế - xã hội, chính sách tôn giáo, dân tộc, xóa bỏ tư tưởng kỳ thị, tự ti, ly khai, tự trị. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền và đối ngoại; hợp tác có hiệu quả với Lào, Campuchia trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự khu vực biên giới hai nước.

Thứ tư, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh. Tập trung xây dựng, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, gần dân, sát dân, hoạt động ngày càng có chất lượng, hiệu quả, chủ động giải quyết những vấn đề phát sinh từ cơ sở. Từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác cán bộ là người dân tộc thiểu số; duy trì tỷ lệ thích đáng và bảo đảm cơ cấu cán bộ người dân tộc thiểu số trong bộ máy đảng, chính quyền từ các tỉnh đến cơ sở, đồng thời quy hoạch tạo nguồn, chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận người dân tộc thiểu số. Đặc biệt chú ý đến các dân tộc còn rất ít người, chăm lo đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số tại chỗ; chăm lo công tác phát triển Đảng là người dân tộc thiểu số; có cơ cấu hợp lý đại biểu là người dân tộc thiểu số trong các cơ quan dân cử; tuyển chọn những cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, biên phòng tạo nguồn cán bộ cho cơ sở; làm tốt công tác dân vận của chính quyền.

Sau hội nghị này, gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đảng bộ tỉnh, các tỉnh Tây Nguyên và Tây duyên hải miền Trung sẽ tiến hành rà soát, bổ sung chương trình hành động của tỉnh thành những công việc cụ thể. Chúng ta cùng nhau phát huy ưu điểm, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, những thiếu sót trong công tác dân tộc, miền núi, hướng về cơ sở. Chúng ta cùng nói đi đôi với làm, mà làm thật, để đồng bào tin, đồng bào yêu mến và làm theo.

Muốn thực hiện được các yêu cầu rất cao đó, tôi đề nghị các tỉnh cần chủ động phối hợp với các cơ quan ở Trung ương, các bộ, ban, ngành trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, thiết thực chăm lo cho đời sống của đồng bào. Tôi đề nghị các bộ, ngành Trung ương thực sự quan tâm đến các tỉnh Tây Nguyên, Bắc Trung bộ và Tây duyên hải miền Trung khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội khu vực dân tộc thiểu số và miền núi. Tôi cũng mong các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội phối hợp giám sát việc thực hiện chính sách dân tộc tại các  tỉnh trong khu vực này.

Hội nghị của chúng ta được tổ chức tại Đắk Lăk, tôi được trở về nơi ứng cử đại biểu 2 khóa Quốc hội: Khóa XII, Khóa XIII, được về Buôn Ma Thuột, được ghi nhận sự phát triển nhanh của Đắk Lắk, sự ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, củng cố hệ thống chính trị của Đắk Lắk; được trao đổi về những kinh nghiệm quý của lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk. Đúng là: còn thương nhau còn về Buôn Ma Thuột, nơi có cái nắng, có cái gió, nơi trung tâm, nơi giao thoa thuận lợi của các tỉnh Tây Nguyên và Tây duyên hải miền Trung. Đến với Tây Nguyên chúng ta cùng ghi nhận sự nỗ lực của Lãnh đạo các tỉnh Tây nguyên và các tỉnh miền Trung, cùng đồng bào các dân tộc, đã nỗ lực sưu tầm, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc tại Tây nguyên, để chúng ta cùng say đắm về sự độc đáo kỹ thuật diễn tấu cồng chiêng của dân tộc Ê Đê, Gia Rai, Ba Na, Mơ Nông thật thanh cao, tâm linh, huyền ảo; thấy được sức sống trường tồn của những áng sử thi, thơ ca đi vào lòng người, gắn liền với phong tục tập quán, nghi lễ và ca, múa, nhạc; là giá trị tinh thần gắn với các lễ hội truyền thống về những quan niệm về vũ trụ, về con người một cách độc đáo; là tinh hoa của văn hóa vật thể, phi vật thể.

Cá nhân tôi rất biết ơn đồng bào, đồng chí các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên đã giúp tôi thấu hiểu thêm về đặc trưng, bản sắc văn hóa vùng, về giá trị nghệ thuật, giá trị vật chất, giá trị tinh thần cố kết, giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất anh hùng này. Càng thấy trách nhiệm của chúng ta, rất cần có việc làm thiết thực góp phần vào việc cùng đồng bào, động viên, giúp đỡ đồng bào trong bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Tây Nguyên, cũng chính là giữ gìn các di sản văn hóa vô cùng quý báu của nước nhà. Càng tự hào việc nước ta được công nhận: giữ gìn không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.

Do đó, tại Hội thảo chúng ta cần bàn kỹ về bảo tồn, phát huy bản sắc Tây Nguyên gắn với phát triển bền vững và sau Hội thảo này, chúng ta sẽ có những chương trình công tác cụ thể, hướng về cơ sở, phát huy văn hóa cơ sở, phát động đồng bào với lòng tự hào dân tộc của mình, tiếp tục giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa độc đáo, cùng với phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh cho tốt, lập thành tích cao nhất hướng về Đại hội Đảng toàn quốc, báo cáo với đồng chí Tổng Bí thư và dâng lên Đại hội tấm lòng son sắt của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đi theo Bác Hồ, theo Đảng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Tin tưởng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sẽ thành công tốt đẹp.

_______________

*Đầu đề và các tít xen do Báo Đại biểu Nhân dân đặt

Quang Khánh