Báo và văn vẫn nở đua dưới nắng

- Thứ Tư, 26/08/2020, 18:28 - Chia sẻ
Đọc “Dưới ánh hoàng hôn” của Phan Quang, NXB Văn học

Vậy là chưa đầy nửa năm, tôi rất vui được nhận cuốn sách thứ hai mang tên “Dưới ánh hoàng hôn” (Tiểu luận và bút ký) của nhà báo, nhà văn lão thành Phan Quang. Điều làm tôi thích thú là bìa sách lần này mang màu tím trang nhã đáng yêu, y hệt màu cuốn “Tím ngát tuổi hai mươi” lần trước, do nhà mỹ thuật tài ba Văn Sáng trình bày. Cuốn sách phát hành đúng dịp kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, càng nhân lên ý nghĩa thời sự - chính trị, gây sự chú ý tìm đọc đối với những người viết báo, viết văn từng mến mộ tài năng và kiến thức uyên thâm của Phan Quang về văn hóa và báo chí, vừa là người đã và đang sáng tác hàng chục tác phẩm đồ sộ với nhiều thể loại đa dạng, vừa là một trong những dịch giả hàng đầu ở nước ta, mà tác phẩm “Nghìn lẻ một đêm” đã tái bản tới lần thứ 50! Tôi cứ miên man suy ngẫm, tự lý giải: phải chăng cuốn sách trước đó mang tên “Tím ngát tuổi hai mươi”, tác giả muốn ghi lại một số tác phẩm đầu đời của chàng thanh niên 17 tuổi đang dồi dào năng khiếu văn học, tình nguyện “xếp bút nghiên” rời làng quê bên bến sông Nhùng để đi theo tiếng gọi của cách mạng. Và thật không may, sự ấp ủ mộng văn chương đã không thành hiện thực khi tổ chức phân công Phan Quang làm báo Cứu Quốc – tờ báo của Liên khu IV trong gần chục năm, để rồi sau đó về nhận nhiệm vụ ở Báo Nhân dân, sau ngày Thủ đô Hà Nội được giải phóng khỏi ách thực dân Pháp xâm lược. Nhưng có một kỷ niệm theo suốt cuộc đời ông, ấy là năm đầu bước vào làm báo Cứu Quốc trong một tình huống đặc biệt, nhà văn Chế Lan Viên – người phụ trách báo Cứu Quốc lúc đó đã yêu cầu ông phải viết gấp một truyện ngắn để “bít chỗ trống” cho trang Văn nghệ số Tết năm 1949, trong khi các chuyên mục khác đã lên trang. Và truyện ngắn mang tên “Lửa hồng” đã ra đời trong đêm đó, được nhà văn Chế Lan Viên duyệt và gật gù “được lắm”. Đấy là truyện ngắn đầu tay của Phan Quang khi bước sang tuổi 20. Tôi nhắc lại sự kiện này hơi dài một chút, muốn ngụ ý nói rằng “lửa hồng” ấy đã soi sáng tất cả các trang báo, trang văn về sau; và cho đến hôm nay, ông bước sang tuổi 93, trí tuệ vẫn minh mẫn, sức sáng tạo vẫn dồi dào, mặc tuổi tác đã ở giai đoạn “hoàng hôn”, nhưng sự nghiệp báo chí và văn học của ông vẫn đua nở dưới nắng của Đời, của Đất nước qua các cuộc chiến tranh vệ quốc, nay đã tròn 35 năm đổi mới – đó chính là nguồn tư liệu phong phú, đa dạng làm nên hồn cốt các bài viết sinh động, hấp dẫn nhờ tài năng biến hóa phi thường của Phan Quang trong cách tích lũy, lựa chọn tài liệu và phương pháp biểu đạt.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng cùng 3 Chủ tịch Hội: Đinh Thế Huynh, Phan Quang, Hồng Vinh trong buổi Hội Nhà báo Việt Nam đón Huân chương Sao Vàng

Với 32 bài trong 299 trang sách, có bài được chọn đăng lại, có bài được viết mới trong lúc ghi lại “một chút tình người lúc xuân sang” (năm 2020), đặc biệt là khi cả nước đã và đang gồng mình chống đại dịch Covid-19. Dù bài cũ hay bài mới, ta bắt gặp ở đây tấm lòng sâu nặng của tác giả đối với Tổ quốc, với Đảng quang vinh, với nhân dân anh hùng, với bạn bè, đồng nghiệp thân quý… Trong 32 bài, tác giả đã dành 4 bài đặt ở đầu trang với lòng thành kính tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh – người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam. Với Phan Quang, ông có vinh dự được Ban biên tập Báo Nhân dân cử đi tháp tùng để viết bài tường thuật các chuyến thăm, làm việc của Bác ở một số địa phương. Đúng sáng mồng một Tết sau Hà Nội giải phóng, nhà báo trẻ Phan Quang được Bác căn dặn: “Chú là nhà báo, đầu năm Bác chúc nhà báo viết đúng, viết hay, để cho có nhiều người đọc” (trang 32). Sau này, từ lời dạy bảo ấy, Phan Quang đã tổng kết mấy nhân tố làm nên một bài báo hay mà các thế hệ hậu sinh chúng tôi tâm đắc và làm theo: “đúng, trúng, hay, có nhiều người đọc”. Và sứ mệnh cao quý của người cầm bút là thấm sâu lời Bác “báo chí do dân và vì dân” ; nhiệm vụ của báo chí là “cứu quốc và kiến quốc” (trang 51).

Tôi cảm ơn ông vì qua những trang ghi chép, chúng tôi hiểu thêm chặng đường gian nan nhưng cũng rất đỗi hào hùng của người làm báo cách mạng luôn ghi nhớ trong tâm lời dạy của Bác Hồ: “Nhà báo cũng là chiến sĩ. Người cầm bút, người cầm súng, cầm gươm trên cùng chiến tuyến, cùng toàn dân cứu quốc và kiến quốc. Ðũa từng chiếc để rời thì dễ bị bẻ gãy, chụm lại thành bó thì không sức nào bẻ nổi" (trang 39). Tôi có may mắn, ngày 20.4.2005, đã được đi cùng các nhà báo tiền bối Hoàng Tùng, Hồng Hà, Phan Quang… lên khai trương Bia di tích nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam ở xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Trong ngôi nhà sàn bên cạnh khu di tích, nhà báo Hoàng Tùng, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhiều khóa đã kể lại những câu chuyện sinh động về Bác Hồ dạy làm báo, những nhận xét tinh tế của Người khi cân nhắc dùng chữ nghĩa sao cho chuẩn xác, những nhắc nhở thân tình của Bác về đạo đức người làm báo… Bằng thực tiễn và kinh nghiệm hơn 70 năm viết báo, Phan Quang đã ghi chép và tổng kết sâu sắc, đặt ra những vấn đề thời sự đối với đội ngũ báo chí trong thời cách mạng công nghiệp 4.0.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu với một số lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam

Trong tập sách này, ông đã dành nhiều trang viết về cuộc đời làm văn, làm báo của các bậc đàn anh, như Tố Hữu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Bùi Hiển… Tôi say sưa đọc bài “Miên man nhớ thầy thương bạn” (trang 83), trong đó có nhiều xu tít ở dạng câu hỏi được lặp lại nhiều lần: “Chế Lan Viên, anh là ai?”. Trả lời được câu hỏi ấy, Phan Quang đã sống, làm việc nhiều năm bên nhà văn, nhà thơ lớn; hiểu và học được cách tư duy, cách tiếp cận thực tiễn cùng phương pháp diễn đạt hấp dẫn nhờ vốn từ giàu có và sự chắt lọc điêu luyện của Chế Lan Viên. Đề cập mối quan hệ giữa báo và văn, Chế Lan Viên viết: “Bài báo khác bài văn. Cách làm việc của nhà báo cũng khác nhà văn, Nhưng nhà báo đồng thời cũng là nhà văn, hơn thế, nhà văn nên làm cả một nhà báo”. Và đây, một tâm sự đầy chất thơ “xưa làm thơ, tôi hít hương trên ngọn cây, giờ làm báo tôi phải nếm cả rễ cây dưới đất” (trang 92-93).

Trong bài viết về cuốn sách “Vẻ đẹp của một xứ hào hoa” của GS, NGND Hà Minh Đức, ông đã dẫn ra nhiều triết luận sâu sắc của Hà Minh Đức về Đạo và Đời, đặc biệt về văn hóa. Tôi rất tâm đắc câu này: “Người có văn hóa, có tầm nhìn xa, không bị cái trước mắt, cái hữu hạn che khuất và ngăn chặn. Lãnh đạo văn hóa phải có văn hóa, không chỉ một kinh nghiệm, một nguyên tắc, mà cao hơn là một chân lý” (trang 154). Viết về nhà văn quân đội Nguyễn Chí Trung, cả một đời gắn bó với nghiệp nhà binh, với văn chương và báo chí; cả một đời xa xót nỗi đau dân tộc thời bị thực dân, đế quốc thống trị, đau đáu hiến kế cho Đảng cách tháo gỡ khó khăn thời đầu Đổi mới, đề xuất những biện pháp quyết liệt về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Con người đầy “chất thép” ấy, nhưng lại dễ rơi nước mắt trước các bài văn, bài thơ nói về tình đời, tình người, tình đất nước… Phan Quang viết: “Nhớ nhà văn Nguyễn Chí Trung, mời các bạn hãy đọc đoạn anh kết thúc bài Lời khóc từ lúc đọc những trang đầu, lời bạt của bản dịch cuốn tiểu thuyết của Jacques Danois lần thứ hai “Nói sao hết lời cảm ơn sâu thẳm như nỗi đau không đầy, không tận, không cùng của dân tộc chúng ta, hôm nay và còn lâu nữa, hình như thế. Không có khổ đau không có con người, không có khổ đau, không hình thành dân tộc. Có dân tộc nào không trải qua khổ đau sinh nở. Có khổ đau sinh nở nào không mỉm cười buốt thấu xương” (trang 150).

Các nhà báo lão thành Hoàng Tùng, Hồng Hà, Phan Quang, Nguyễn Hồng Vinh bên Bia di tích thành lập Hội Nhà báo Việt Nam

Điều tôi xúc động trước sự quan tâm và bao dung của nhà báo, nhà văn lão thành Phan Quang là, mặc dù ngồi “chiếu trên” của làng báo, làng văn Việt Nam, ông vẫn trân trọng đọc và có những bài viết động viên, khen ngợi lớp đi sau mỗi khi ông nhân được những thành quả lao động sáng tạo của các đàn em, như Phạm Quang Nghị, Nguyễn Hồng Vinh, Nguyễn Uyển, Hồ Quang Lợi, Phạm Quốc Toàn, Vĩnh Trà… Cùng với việc làm đầy tính nhân văn ấy, cũng trong cuốn sách, ông đã đọc và dịch một số tác phẩm của nhà báo, nhà văn quốc tế đã có những bài viết ca ngợi cuộc đấu tranh chính nghĩa, ý chí vượt gian nan của dân tộc ta trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam yêu dấu.

Cuốn sách mới xuất bản của nhà báo Phan Quang

Và bởi thế, khi gấp cuốn sách này, tôi trộm nghĩ rằng, có lẽ Phan Quang khi đặt tên cuốn sách là “Ánh sáng hoàng hôn”, ông muốn gửi đi một thông điệp: với những người cầm bút từ thuở hoa niên cho đến lúc chuẩn bị về với “thế giới người hiền”, vẫn thấy cuộc đời tràn ngập ánh bình minh cả khi hoàng hôn sắp tắt. Báo và văn vẫn nở đua dưới nắng!...

PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh