Bảo vệ môi trường là ưu tiên hàng đầu

- Thứ Bảy, 16/06/2012, 08:58 - Chia sẻ
Đó là lời khẳng định của Tổng giám đốc Công ty TNHH Vàng Phước Sơn LÊ MINH KHA khi trao đổi với PV báo ĐBND về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong khai thác, chế biến khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường.

- Thưa ông, việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường được công ty thực hiện thế nào?


 Hệ thống xử lý nước thải Nhà máy                                                                  Ảnh: Chí Tuấn

- Là một doanh nghiệp chuyên hoạt động về khai thác và chế biến khoáng sản, chúng tôi luôn xác định phải tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật, đặc biệt công tác bảo vệ môi trường là ưu tiên hàng đầu. Cụ thể: trước khi triển khai dự án khai thác, chúng tôi đã hoàn tất các thủ tục theo quy định của Luật Khoáng sản như: thuê đất, thăm dò, đăng ký hoạt động mỏ… đồng thời xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường, trong đó nêu rõ các biện pháp về kiểm soát chất lượng môi trường trong hoạt động khai thác, các giải pháp bảo vệ môi trường và xử lý quặng đuôi thải sau chế biến.

Trong quá trình tiến hành hoạt động khai thác và chế biến, chúng tôi thực hiện nghiêm túc tất cả các cam kết về bảo vệ môi trường; cải tạo, phục hồi môi trường; hoàn thổ sau khai thác và công nghệ xử lý nước thải, khí thải... Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật bảo vệ môi trường cho toàn thể cán bộ, công nhân viên trong toàn công ty, giúp họ nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và sự phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, công ty luôn tuân thủ các quy định của luật pháp về An toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ trong khai thác mỏ. Toàn thể công nhân được hướng dẫn sử dụng trang thiết bị bảo hộ cũng như các nguyên tắc an toàn và vệ sinh công nghiệp và được cấp các trang thiết bị bảo hộ cần thiết cho công việc.

- Chính phủ yêu cầu các đơn vị khai thác khoáng sản phải đầu tư công nghệ khai thác, vậy hiện nay công ty đang áp dụng công nghệ gì, đặc biệt trong việc xử lý nước thải?

- Hầu hết các máy móc đang hoạt động tại công ty chúng tôi đều nhập từ Australia và Canada - những quốc gia đứng đầu về công nghệ trong khai thác mỏ thân thiện với môi trường. Quặng nguyên khai được tuyển luyện qua các công đoạn: nghiền thô, nghiền tinh, tuyển trọng lực, tuyển nổi và ngâm chiết xianua tinh quặng, chiết tách bằng than hoạt tính, rồi điện phân, cup-pen hóa, thiêu kết nung luyện đúc thỏi vàng. Tất cả những công đoạn này đều được đầu tư công nghệ hiện đại.

Cùng với đó, các giải pháp bảo vệ môi trường và xử lý quặng đuôi thải sau chế biến được đầu tư thích đáng theo đúng tiêu chuẩn quy định về đảm bảo chất lượng môi trường của Việt Nam và quốc tế. Công tác giám sát môi trường định kỳ, quản lý chất thải nguy hại và chất thải rắn thông thường được công ty thực hiện đầy đủ và nghiêm ngặt. Nước thải được xử lý qua hệ thống xử lý bao gồm nhiều công đoạn khác nhau như khử độc xianua, lưu lắng bã quặng… để đáp ứng được Quy chuẩn Việt Nam về nước thải công nghiệp trước khi thải ra môi trường.

- Còn vấn đề hoàn thổ, trồng rừng sau khai thác thì sao, thưa ông?

- Việc hoàn nguyên cũng là một trong những yêu cầu bắt buộc của doanh nghiệp. Theo đó, sau khi khai thác doanh nghiệp phải nhanh chóng san ủi để hoàn thổ, trả lại mặt bằng, đồng thời phải có kế hoạch trồng rừng, cây gì, tỷ lệ sống, hiệu quả kinh tế... Cụ thể, đối với mỏ vàng Đăk Sa, công ty đã đầu tư gần 2 tỷ đồng để phủ xanh khoảng 33ha diện tích đất bề mặt. Tổng chi phí phục hồi môi trường mỏ Đăk Sa là trên 300.000 USD. Một điều rất đáng mừng là đến nay phần lớn diện tích đất hoàn thổ đang được người dân trồng cây keo mang lại giá trị kinh tế rất hiệu quả đồng thời tạo cho khu vực mỏ có môi trường tự nhiên ổn định.

- Có một nghịch lý là hầu hết lợi ích của những địa phương có khoáng sản chỉ gắn với doanh nghiệp khai thác, còn người dân thì không, thậm chí họ còn chịu hậu quả về ô nhiễm môi trường, đường sá bị phá hỏng... Với công ty Vàng Phước Sơn thì sao, thưa ông?  

- Phương châm kinh doanh của chúng tôi là “lợi ích của doanh nghiệp luôn gắn liền với lợi ích của cộng đồng”. Với hơn 539 tỷ đồng nộp thuế cho ngân sách nhà nước tính từ năm 2005 đến nay, Công ty TNHH Vàng Phước Sơn tự hào là một trong số rất ít các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có đóng góp tốt cho ngân sách, đồng thời luôn chấp hành tốt việc kê khai, báo cáo thuế theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, công ty còn đặc biệt chú trọng đến công tác hỗ trợ cộng đồng địa phương vùng mỏ qua việc tài trợ nhiều dự án phát triển cơ sở hạ tầng địa phương và hỗ trợ dân sinh với tổng kinh phí hơn 29 tỷ đồng, như xây dựng cầu, đường, trường học, nhà tình nghĩa, nước sạch nông thôn, chăm sóc sức khỏe, học bổng cho tài năng trẻ và các chương trình hỗ trợ nông dân nghèo phát triển chăn nuôi. Các chương trình này đã ít nhiều góp phần cải thiện đời sống cho đồng bào địa phương, qua đó thể hiện được quan điểm và mục tiêu của công ty là xây dựng ngành công nghiệp khai thác chế biến khoáng sản hiện đại và thân thiện với môi trường, phát triển bền vững và quan tâm đến lợi ích của cộng đồng.

- Ông có kiến nghị gì về chính sách pháp luật trong hoạt động kinh doanh, khai thác khoáng sản? 

- Nhìn chung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường đã được xác lập tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động chúng tôi thấy một số điều chưa hợp lý cần sửa đổi. Cụ thể như thuế tài nguyên áp dụng mức thu 15% tính trên doanh thu đối với khai thác vàng là quá cao so với hầu hết các nơi trên thế giới. Cách tính thuế tài nguyên theo tỷ lệ % trên giá bán sản phẩm như hiện nay là hoàn toàn bất hợp lý vì không tính đến giá trị kinh tế của từng mỏ cụ thể.

Ngoài ra, thuế thu nhập doanh nghiệp hiện đang áp dụng đối với Dự án vàng Phước Sơn là 40% tính trên lãi gộp là quá cao so với mức áp dụng cho các doanh nghiệp công nghiệp khác là 25%, trong khi đó đầu tư vào lĩnh vực thăm dò, khai thác, chế biến vàng có tính rủi ro cao. Điều này khiến các nhà đầu tư không thể thu hồi vốn đầu tư trong 10 năm đầu của dự án và gặp nhiều khó khăn tài chính trong việc tái đầu tư để phát triển…

- Xin cảm ơn ông!

Chí Tuấn thực hiện