Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

Bảo vệ sở hữu trí tuệ tốt hơn, thúc đẩy đổi mới sáng tạo

- Thứ Năm, 21/10/2021, 18:54 - Chia sẻ
Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ chiều nay, 21.10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đây là dự án Luật khó, có tính chuyên ngành cao nên Lãnh đạo Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đã chủ động vào cuộc từ rất sớm, lắng nghe rất kỹ lưỡng ý kiến của các bên, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp. Đến nay chất lượng dự án luật này khá tốt, cơ bản đáp ứng yêu cầu nội luật hóa các cam kết quốc tế; đồng thời có thêm các cơ chế, chế tài bảo vệ sở hữu trí tuệ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, các startup...

Bảo đảm quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả

Cũng trong phiên làm việc chiều nay, Quốc hội đã làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và thảo luận tại tổ về dự luật này. 

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trình bày Tờ trình dự án Luật
Ảnh: Quang Khánh

Trình bày Tờ trình dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, hiện nay, Việt Nam không còn thuần túy là nước “sử dụng tài sản trí tuệ” mà đang chuyển mạnh thành quốc gia tạo ra tài sản này phục vụ cho mô hình tăng trưởng theo chiều sâu. Luật Sở hữu trí tuệ đã được sửa đổi vào các năm 2009 và 2019, tuy nhiên, nội dung sửa đổi chưa tạo ra động lực mạnh mẽ cho việc nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, cũng như chưa bảo đảm hành lang pháp lý đầy đủ, hiệu quả đối với việc bảo hộ, khai thác và bảo vệ tài sản trí tuệ. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ lần này là yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 92 điều (trong đó bổ sung 12 điều, sửa đổi 80 điều) và bãi bỏ 2 điều, nâng tổng số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sau khi sửa đổi lên 232 điều, thuộc 7 nhóm Chính sách đã được thông qua. Cụ thể như bảo đảm quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan; khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách Nhà nước...

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật
Ảnh: Quang Khánh

Báo cáo thẩm tra dự án Luật do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày. Theo đó, Ủy ban Pháp luật tán thành việc sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ và cho rằng, về cơ bản, nội dung của dự thảo Luật đã đáp ứng cam kết trong các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Chính phủ đưa ra 2 phương án. Phương án 1 là biện pháp xử phạt hành chính chỉ áp dụng đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng; các hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ không bị xử phạt hành chính mà chỉ bị xử lý bằng biện pháp dân sự. Phương án 2 là giữ nguyên quy định của pháp luật hiện hành (Điểm a, Khoản 1, Điều 211 quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền SHTT gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội). Theo đó, áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với tất cả các hành vi xâm phạm quyền SHTT. 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ, Ủy ban Pháp luật lựa chọn phương án 2, bởi phương án 1 có một số điểm không hợp lý như: biện pháp xử phạt vi phạm hành chính được áp dụng để xử lý các vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm. Biện pháp này có phạm vi áp dụng riêng và không loại trừ quyền của các bên khởi kiện ra Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự để yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra. Bên cạnh đó, phương án 1 có nguy cơ làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giảm vai trò chủ động của cơ quan nhà nước trong việc phát hiện, xử lý kịp thời hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ để duy trì trật tự công; đây là việc làm thường xuyên, liên tục, không phụ thuộc vào việc khởi kiện của đương sự....

Ảnh: Quang Khánh

Không gây xáo trộn hoặc thay đổi hệ thống bảo vệ quyền SHTT

Tham gia thảo luận Tổ, các đại biểu Quốc hội đều thống nhất cao với việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, đây là dự án luật rất khó, có tính chuyên ngành cao nên Lãnh đạo Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đã vào cuộc từ rất sớm, từ khi chưa có hồ sơ dự án luật chuyển sang Quốc hội. Dự luật này liên quan rất nhiều đến việc nội luật hóa các cam kết quốc tế trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên. Các cơ quan của Quốc hội đã lắng nghe rất kỹ lưỡng ý kiến của các bên, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp vì vấn đề này liên quan đến đổi mới sáng tạo và bản quyền của doanh nghiệp. Đến nay, Chủ tịch Quốc hội đánh giá chất lượng dự án luật khá tốt, cơ bản đáp ứng yêu cầu. Qua làm việc với các bên liên quan, cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cũng đánh giá tốt đối với dự án luật này.

Cùng với việc nội luật hóa cam kết tại các hiệp định thương mại tự do, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý việc sửa đổi luật lần này phải có cơ chế, chế tài bảo vệ sở hữu trí tuệ tốt hơn để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, các startup nhiều hơn. 

Với hai vấn đề Chính phủ xin ý kiến, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thảo luận rất kỹ lưỡng. Trong đó, về chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ các sáng kiến, kiểu dáng… được tài trợ từ ngân sách nhà nước, Chủ tịch Quốc hội thống nhất phương án giao quyền đăng ký cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, tổ chức chủ trì có quyền sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí khi được cấp văn bằng bảo hộ, trừ các đối tượng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh vẫn do các cơ quan nhà nước thực hiện đăng ký. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội thống nhất với đề nghị của Ủy ban Pháp luật, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện phương án này theo hướng bổ sung, làm rõ “cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả” để thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1.11.2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI; rà soát, đề xuất sửa đổi đồng bộ các quy định về quyền sở hữu kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước trong các luật hiện hành như Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Về thu hẹp xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhất là vi phạm về kiểu dáng công nghiệp, Chủ tịch Quốc hội cho biết, qua nghiên cứu kinh nghiệm của các nước thì thấy rằng, càng với những nước đang phát triển thì càng cần phải bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thậm chí phải bảo vệ nghiêm ngặt hơn. Nhiều doanh nghiệp cho biết nếu không xử phạt hành chính mà chỉ xử phạt dân sự thì rất tốn kém và mất thời gian, “chờ được vạ thì má đã sưng”. Trong khi đó, Luật hiện hành đang có quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực này, thực tế triển khai không thấy có gì vướng mắc, chi phí thực thi và việc xử phạt cũng đơn giản. Hơn nữa, việc áp dụng xử phạt hành chính cũng không loại trừ việc khởi kiện dân sự. Do đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, các lập luận để sửa đổi, thu hẹp phạm vi xử phạt hành chính đối với kiểu dáng công nghiệp như phương án Chính phủ trình là chưa đủ cơ sở, chưa thuyết phục. 

Cũng đề nghị giữ nguyên quy định nêu trên như Luật hiện hành, ĐBQH Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai) cho rằng, quy định của Luật hiện hành tạo thêm cơ hội cho các chủ thể trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời, không gây xáo trộn hoặc thay đổi hệ thống bảo vệ quyền SHTT. Bên cạnh đó, chi phí mà chủ thể quyền SHTT đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh phải chi trả cho việc bảo vệ quyền thấp vì phần lớn chi phí này trong việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đã được Nhà nước chi trả.

Trung Thành