Bảo vệ sức khỏe là bảo vệ sản xuất

- Thứ Sáu, 07/05/2021, 06:47 - Chia sẻ
UBND huyện Đông Anh mới đây đã kiến nghị TP Hà Nội kiểm tra trực tiếp Khu công nghiệp Thăng Long và các công ty tại đây. Bởi thời gian qua, trong công tác phối hợp điều tra truy vết, tổ chức xét nghiệm, cách ly… tại khu công nghiệp này vẫn còn lúng túng, chưa kịp thời. Đơn vị này không cung cấp được danh sách những người liên quan đến 2 ca mắc Covid-19, chưa chủ động các phương án phòng, chống dịch bệnh theo phương châm “4 tại chỗ”, việc phối hợp giữa các công ty trong khu công nghiệp với huyện chưa đáp ứng yêu cầu.

Trước đó, tại Khu công nghiệp Thăng Long đã có 2 ca mắc Covid-19 là công nhân của Công ty Panasonic Việt Nam và Công ty Vico. Ngay lập tức, huyện Đông Anh đã thực hiện rà soát các công nhân làm ở 2 công ty đến từng thôn làng trong thời gian qua. Huyện cũng phân ra những vùng trọng điểm có nguy cơ dịch tễ là bệnh viện, trường học và khu công nghiệp. Tuy nhiên, về phía khu công nghiệp, vẫn còn tình trạng lúng túng, chưa chủ động đưa ra các biện pháp phòng ngừa phù hợp và hiệu quả.

Khu công nghiệp Thăng Long có gần 60.000 công nhân, người lao động đến từ nhiều nơi trên cả nước. Nếu không có biện pháp giám sát và ứng phó kịp thời thì nguy cơ lây lan dịch bệnh, hình thành các ổ dịch lớn như tại khu công nghiệp Chí Linh (Hải Dương) là điều có thể thấy trước. Đáng lo là, nhiều doanh nghiệp và người lao động không đánh giá hết mức độ nguy hiểm, có tâm lý chủ quan “dịch chưa đến mình” mà bỏ qua các khuyến cáo của cơ quan chức năng.

Ngay lúc này, phải có biện pháp khẩn cấp quản lý công nhân trong các nhà máy, không để vi phạm các quy định phòng dịch. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất phải có kế hoạch sẵn sàng ứng phó các tình huống xảy ra. Người lao động cần chấp hành nghiêm túc nội quy an toàn, vệ sinh lao động và phòng, chống dịch Covid-19 của doanh nghiệp. Trong bối cảnh hàng triệu công nhân mất việc làm vì dịch Covid-19, người lao động càng phải tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn phòng chống dịch, để bảo vệ sức khỏe, bảo vệ sản xuất, giữ việc làm cho bản thân và đồng nghiệp.

Bảo vệ sức khỏe nhân dân rất quan trọng nhưng không thể vì chống dịch mà để ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Quan điểm đó đã được Chính phủ nhấn mạnh nhiều lần nhằm quyết tâm đạt “mục tiêu kép”. Bên cạnh sức khỏe, người dân cần thu nhập, do đó, chống dịch nhưng không làm đình đốn hoạt động sản xuất, kinh doanh, hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh đến phát triển kinh tế và đời sống người dân. Tất cả các nhà máy, khu công nghiệp được bảo vệ an toàn trước đại dịch thì mới bảo vệ an toàn cho nền kinh tế. Tránh thiệt hại cho từng người lao động, cho doanh nghiệp, cho toàn xã hội và cho nền kinh tế đất nước.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, biến chủng virus có tốc độ lây lan nhanh và phần lớn ca bệnh không có triệu chứng, các biện pháp an toàn, vệ sinh lao động phải được áp dụng triệt để vào công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, công đoàn và doanh nghiệp cần chú trọng tuyên truyền phổ biến văn bản pháp luật về an toàn phòng, chống dịch Covid-19 cho người lao động, người sử dụng lao động, giúp người lao động nắm vững các quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của mình khi tham gia quan hệ lao động... Cán bộ công đoàn chủ động tuyên truyền, giám sát, không để công tác phòng chống dịch chỉ là hình thức.

Duy Anh