Bảo vệ sức khỏe tâm thần cho trẻ em và thanh thiếu niên

- Thứ Tư, 17/11/2021, 19:15 - Chia sẻ
Đó là nội dung Lễ kỷ niệm Ngày Trẻ em Thế giới 2021 tại Việt Nam do UNICEF và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ,TB-XH) đồng tổ chức, diễn ra sáng 17.11 tại Hà Nội. Ngày Trẻ em Thế giới là ngày mà các Chính phủ đã khẳng định cam kết tôn trọng và bảo vệ quyền của trẻ em được đề ra trong Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em - một ngày cho trẻ em, vì trẻ em.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà phát biểu.

Tại Lễ kỷ niệm, UNICEF và Tiktok công bố một thử thách trên Tiktok. Lấy ý tưởng "ngắt kết nối để kết nối lại", thách thức trên Tiktok khuyến khích trẻ em rời xa các thiết bị kỹ thuật số và dành thời gian với gia đình, bạn bè và có những trải nghiệm tại thế giới thực.

Nhiều lo ngại về sức khỏe tâm thần

Với áp lực từ cuộc sống, giáo dục, từ những kỳ vọng và từ các mối quan hệ, tỷ lệ những người gặp khó khăn về sức khỏe tâm thần đã trở nên đáng lo ngại trong nhiều năm qua. Có sự gia tăng về số trẻ em bị kỳ thị do sự khác biệt, cha mẹ cảm thấy áp lực quá lớn, và trẻ em bị cô lập do bị xâm hại, sao nhãng và gặp khó khăn.

Gần hai năm sau đại dịch, trẻ em trên khắp thế giới đang thể hiện sự lo lắng, sợ hãi, bất an và bất ổn ở mức độ đáng lo ngại. Ở nhiều quốc gia, đại dịch đã dẫn đến tình trạng trẻ em tự làm hại mình và tự sát ngày càng tăng. UNICEF kêu gọi đầu tư và hành động ngay lập tức để đảm bảo rằng đại dịch này không dẫn đến một cuộc khủng hoảng mất hy vọng, mất niềm tin và đánh mất ước mơ của thế hệ trẻ em trải qua đại dịch này.

“Trong hai năm vừa qua, tác động của đại dịch được thể hiện rõ trên mọi lĩnh vực của Công ước về Quyền trẻ em, cho thấy sự thụt lùi trong việc đạt được tất cả các quyền trẻ em, ngày càng có nhiều trẻ em bị bỏ lại phía sau. Đại dịch đã cho thấy rõ ràng những lĩnh vực chưa được giải quyết triệt để như bạo lực, tiếp cận kỹ thuật số hoặc lao động trẻ em. Đại dịch cũng nêu bật sự bất ổn ở thế giới bên ngoài có thể ảnh hưởng đến thế giới bên trong chúng ta. Rõ ràng rằng sức khỏe tốt - không chỉ là sức khỏe thể chất - mà còn là sức khỏe tâm thần. Trẻ em không được gặp gỡ và tiếp xúc với bạn bè, bị mất đi những thói quen hàng ngày và phải đối mặt với sự sợ hãi và nỗi đau buồn, đại dịch đã cho thấy tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần của trẻ em và thanh thiếu niên”, bà Rana Flowers, đại diện UNICEF phát biểu.

“Việt Nam tự hào là quốc gia đầu tiên ở châu Á, thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước này (vào ngày 20.2.1990). Trải qua hơn 30 năm thực hiện Công ước, Việt Nam đã đạt được những kết quả và tiến bộ trong việc thực hiện các quyền trẻ em, mang lại cho trẻ em cuộc sống ngày càng tốt hơn. Việt Nam đã nội luật hóa tất cả các quyền và các nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em của Công ước, từ Hiến pháp năm 2013 đến Luật Trẻ em năm 2016 và các bộ luật, các luật có liên quan. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động Quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030, các chương trình, đề án phòng ngừa xâm hại, bạo lực, tai nạn thương tích trẻ em, chăm sóc toàn diện trẻ em, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và chỉ đạo triển khai trên toàn quốc” – Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà chia sẻ.

Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm

Ngày Trẻ em Thế giới được tổ chức trên toàn cầu vào ngày 20 tháng 11 hàng năm nhằm đánh dấu việc thông qua Công ước Quyền trẻ em, là hiệp ước nhân quyền được phê chuẩn rộng rãi nhất trong lịch sử. Trong suốt nhiều năm qua, Ngày Trẻ em Thế giới là một ngày vui và mang đến các thông điệp nghiêm túc, là thời điểm UNICEF đề cập đến những vấn đề cấp bách nhất của trẻ em, tôn vinh những tiến bộ, tăng cường sự quyết tâm cho các nhà lãnh đạo và tiếp tục giải quyết những việc cần thiết. Đây cũng là thời điểm trẻ em trên toàn thế giới đoàn kết và cất lên tiếng nói của mình.

Hỗ trợ, chăm sóc nhiều hơn cho trẻ

Tại sự kiện, trẻ em và thanh thiếu niên đã chia sẻ những câu chuyện của chính mình, qua đó cho thấy sự thiếu hiểu biết và kỳ thị là những yếu tố cơ bản ngăn cản các em nhận được những hỗ trợ cần thiết. Các em cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của đảm bảo các dịch vụ hỗ trợ sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội phù hợp cho trẻ em và thanh thiếu niên ở Việt Nam.

Trong vai trò của chuyên gia sức khỏe tâm thần, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam đã trò chuyện với trẻ em và khẳng định rằng sức khỏe tâm thần tồn tại theo một chuỗi liên tục, có thể bao gồm các giai đoạn hạnh phúc và giai đoạn đau khổ mà hầu hết các giai đoạn này sẽ không phát triển thành những rối loạn có thể chẩn đoán được. "Tất cả chúng ta đều có những ngày tốt đẹp hơn những ngày khác. Chia sẻ về những ngày tồi tệ của mình cũng quan trọng như chia sẻ về những ngày tốt đẹp. Có thể các em thấy rất khó mở lòng để chia sẻ, ngay cả với những người mình tin tưởng, nhưng đó là bước đầu tiên để các em có thể nhận được sự hỗ trợ cần thiết".

Là những người làm cha mẹ, nhà văn Trang Hà, MC Thảo Vân và ca sĩ Duy Khoa nhấn mạnh, kỹ năng làm cha mẹ tích cực, mối quan hệ thân thiết, hỗ trợ với trẻ em kết hợp với việc lắng nghe, trò chuyện cởi mở, trung thực, không phán xét và không kỳ thị là những yếu tố cần thiết để trẻ em có được sức khỏe tầm thần mạnh khỏe và hạnh phúc. Các diễn giả cũng nhất trí, nhiều bậc cha mẹ cần được hỗ trợ để thực hiện vai trò quan trọng này.

Chia sẻ với các đại biểu, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, Ngày Trẻ em Thế giới năm nay tập trung vào vấn đề sức khỏe tâm thần, qua đó UNICEF và Bộ LĐ,TB-XH thể hiện sự tin tưởng rằng đây thời điểm quan trọng để tập trung vào kiến tạo một thế giới hiểu biết hơn, chấp nhận hơn và hỗ trợ nhiều hơn cho trẻ em. kiến nghị tăng cường đầu tư và hành động nhằm hỗ trợ, nuôi dưỡng và bảo vệ sức khỏe tâm thần cho tất cả trẻ em và thanh thiếu niên.

Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực đến trẻ em và thanh thiếu niên, Thứ trưởng mong muốn các Bộ, ban, ngành, cơ quan, tổ chức cần quan tâm hơn và có hành động cụ thể để nâng cao sức khỏe tâm thần cho trẻ em và người chăm sóc trẻ vượt qua đại dịch Covid-19 với các giải pháp thiết thực và bền vững, như là: thường xuyên tuyên truyền, giáo dục về kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ nhằm sớm phát hiện, giảm các sang chấn tâm lý cho trẻ em; triển khai các can thiệp về chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em với cách tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực về cả y tế, giáo dục và bảo trợ xã hội; rà soát, bổ sung và hoàn thiện các quy định của luật pháp và chính sách liên quan đến chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em trong hệ thống an sinh xã hội; phát triển nghề công tác xã hội trong đó có đội ngũ làm công tác hỗ trợ tâm lý xã hội trẻ em trong hệ thống trợ giúp xã hội; nghiên cứu, xây dựng các Chương trình, đề án khắc phục các tác động của đại dịch Covid-19 đối với trẻ em, đặc biệt chú trọng chương trình hỗ trợ tổng thể, toàn diện, đa ngành về chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội. Thứ trưởng hy vọng những việc làm thiết thực và ý nghĩa của chúng ta sẽ góp phần đảm bảo thực hiện quyền trẻ em, giúp các em có cơ hội phát triển tự tin trong tương lai.

Bình Nhi