Bảo vệ trẻ em trước đại dịch Covid-19

- Thứ Năm, 02/12/2021, 08:19 - Chia sẻ
Mặc dù Covid-19 ở trẻ ít gặp hơn người lớn nhưng trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, số lượng trẻ em bị nhiễm Covid-19 đang có chiều hướng tăng. Theo đó, Bộ Y tế đã có hướng dẫn cụ thể về chẩn đoán, điều trị, và đưa ra các dấu hiệu chuyển nặng cần phải báo cấp cứu 115 hoặc đội phản ứng nhanh tại xã, phường để cấp cứu tại nhà hoặc đưa trẻ đến bệnh viện.

Gia tăng số lượng trẻ nhiễm Covid-19

Theo thống kê của Bộ Y tế, triệu chứng lâm sàng thường gặp ở trẻ khi nhiễm Covid-19 là sốt (chiếm 63%), ho (34%), buồn nôn/nôn (20%), tiêu chảy (20%), khó thở (18%), triệu chứng mũi họng (17%), phát ban (17%), mệt mỏi (16%), đau bụng (15%), triệu chứng giống Kawasaki (13%), không có triệu chứng (13%), triệu chứng thần kinh (12%), kết mạc (11%) và họng đỏ (9%). Ngoài ra, có thể có một số biểu hiện khác nhưng ít hơn như tổn thương da, rối loạn nhịp tim, tổn thương thận cấp, viêm thanh mạc, gan to, viêm gan...

Sau khi chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong trạng thái “bình thường mới”, số ca mắc Covid-19 ghi nhận ở trẻ em đang có chiều hướng tăng lên.

Là địa phương chịu ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19, việc điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng tỉnh Đồng Nai đang lâm vào tình trạng quá tải. Theo thống kê sơ bộ, đến nay, Đồng Nai đã có hơn 13.000 trẻ mắc Covid-19. Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh (CDC Đồng Nai) cho biết, nguyên nhân số trẻ em mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh tăng là khi địa phương “mở cửa” phục hồi kinh tế, nguy cơ lây nhiễm tăng, trẻ em mặc dù được khuyến cáo không ra ngoài nhưng khi người lớn mắc Covid-19 cũng có khả năng lây nhiễm sang cho trẻ em. Trong khi đó, tỉnh Đồng Nai đang bắt đầu tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em từ 15 - 17 tuổi.

Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã có Quyết định 5155/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 ở trẻ em. Theo hướng dẫn, phần lớn trẻ em mắc Covid-19 đều không có triệu chứng hoặc có thể nhẹ với triệu chứng viêm hô hấp trên hoặc triệu chứng về tiêu hóa chiếm 55%; tỷ lệ diễn biến bệnh ở mức trung bình chiếm 40%, nặng chiếm 4%, nguy kịch chiếm 0,5%. Riêng đối với trẻ mắc bệnh nền, trẻ dưới 12 tháng tuổi, có nguy cơ cao diễn biến nặng.

Thời gian ủ bệnh của bệnh nhi mắc Covid-19 từ 2 - 14 ngày, trung bình là 4 - 5 ngày. Bệnh khởi phát với 1 hay nhiều triệu chứng như sốt, mệt mỏi, đau đầu, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, sổ mũi, mất vị giác/khứu giác, nôn và tiêu chảy, đau cơ, tuy nhiên trẻ thường không có triệu chứng. Hầu hết trẻ chỉ bị viêm đường hô hấp trên với sốt nhẹ, ho, đau họng, sổ mũi hay viêm phổi và tự hồi phục sau 1 - 2 tuần. Khoảng 2% trẻ có diễn tiến nặng, thường vào ngày thứ 5 - 8 của bệnh.

Bên cạnh đó, hướng dẫn cũng chỉ ra các yếu tố nguy cơ bệnh diễn biến nặng ở trẻ, bao gồm đẻ non, cân nặng thấp; béo phì, thừa cân; đái tháo đường, các bệnh lý gene và rối loạn chuyển hóa; các bệnh lý phổi mạn tính, hen phế quản; ung thư… Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong ở trẻ được đánh giá ở mức rất thấp (< 0,1%), hầu hết tử vong do bệnh nền.

Số lượng trẻ em bị nhiễm Covid-19 có chiều hướng tăng

Nguồn: ITN 

Phân loại và điều trị theo mức độ

Về nguyên tắc điều trị bệnh nhi mắc Covid-19, Bộ Y tế yêu cầu tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm chuẩn trước và trong thời gian điều trị, chăm sóc; phân loại trẻ mắc bệnh theo mức độ và điều trị theo các mức độ nặng của bệnh. Nếu bệnh nhân xuất hiện hội chứng "cơn bão cytokin" (thuật ngữ dùng để mô tả một phản ứng sinh lý làm phát tán những hoạt chất nguy hiểm ra khỏi hệ tuần hoàn, khiến người bệnh viêm phổi cấp tính, suy hô hấp nặng và có thể dẫn đến tử vong) thì cần điều trị bằng corticoid, lọc máu, ức chế sản xuất hoặc đối kháng IL receptor. Đặc biệt, cần bảo đảm trẻ được bú mẹ và dinh dưỡng hợp lý theo mức độ nặng của bệnh, bù nước điện giải, vật lý trị liệu, sức khỏe tâm thần.

Bộ Y tế cũng đưa ra tiêu chuẩn xuất viện cụ thể đối với các trường hợp trẻ mắc Covid-19 không có triệu chứng lâm sàng và trường hợp có triệu chứng lâm sàng. Khi trẻ xuất viện cần phải thông báo cho y tế cơ sở và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật địa phương biết để phối hợp theo dõi. Sau khi ra viện cần ở tại nhà và tự theo dõi trong 7 ngày; đo thân nhiệt 2 lần/ngày. Nếu thân nhiệt cao hơn 38 độ C ở 2 lần đo liên tiếp hoặc có bất kỳ dấu hiệu lâm sàng bất thường nào thì cần báo cho y tế cơ sở để thăm khám và xử trí kịp thời.

TS. Phan Hữu Phúc, Khoa Điều trị tích cực nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo các bậc phụ huynh cần chú ý chăm sóc trẻ tại nhà, bảo đảm chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý để tăng cường sức đề kháng. Đồng thời, tuân thủ 5K, hạn chế tiếp xúc; giữ vệ sinh cho trẻ, bảo đảm vệ sinh sạch sẽ môi trường xung quanh, nhà cửa thông thoáng, lau chùi thường xuyên các vật dụng trong nhà và đồ chơi của trẻ, vệ sinh tay cho trẻ thường xuyên.

Theo các chuyên gia y tế, tiêm vaccine là biện pháp quan trọng để kiểm soát đại dịch; cần chủ động theo dõi, cho trẻ tiêm vaccine Covid-19 theo đúng lứa tuổi quy định. Bên cạnh đó, người lớn tiêm vaccine cũng góp phần hạn chế sự lây truyền cho người không đủ điều kiện tiêm chủng, đặc biệt là trẻ em.

Hải Yến