Bất an với nợ xấu

- Thứ Sáu, 11/06/2021, 05:33 - Chia sẻ
Một trong những nỗi bất an của các đại biểu dự phiên họp mở rộng của Thường trực Ủy ban Kinh tế sáng qua là dịch bệnh Covid - 19 và dòng tín dụng vào bất động sản, thị trường chứng khoán sẽ khiến nợ xấu tăng lên, kéo theo nhiều hệ lụy.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Đỗ Văn Sinh phát biểu tại phiên họp
Ảnh: Quang Khánh

“Dòng tiền chảy vào đâu?”

Phiên họp mở rộng của Thường trực Ủy ban Kinh tế nhằm thẩm tra sơ bộ báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và giai đoạn 2016 - 2020, chuẩn bị trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Khóa XV.

Trong báo cáo gửi đến Ủy ban Kinh tế, Chính phủ ghi nhận tín dụng phục hồi, 5 tháng đầu năm nay tăng 4,67% so với cuối năm 2020 là một điểm sáng. Tuy vậy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Minh “thắc mắc”: “Sản xuất, kinh doanh trì trệ, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường lớn mà tín dụng lại tăng. Anh Sinh (Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Đỗ Văn Sinh - PV) đã hỏi hộ tôi: dòng tiền chảy đi đâu? Chắc chắn không vào sản xuất kinh doanh, vậy có vào những kênh tiềm ẩn rủi ro nợ xấu như bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng hay không?”.

Theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Kinh tế, thị trường chứng khoán và bất động sản tăng nóng  thời gian qua là không bình thường. “Không có con số chính xác nhưng dư nợ ngân hàng đi qua kênh trung gian để vào bất động sản và chứng khoán chắc chắn không nhỏ”, ông Cường khẳng định.

Bên cạnh đó, các đại biểu lo ngại nỗ lực xử lý nợ xấu trong nhiều năm qua có nguy cơ bị Covid - 19 xóa bỏ. Hướng về phía Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Đỗ Văn Sinh đặt câu hỏi: “Ngành ngân hàng dự báo nợ xấu hết năm 2021 như thế nào? Nếu không kiểm soát được dịch thì nợ xấu sẽ ra sao?”. Chung mối quan tâm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Minh nhận xét: “Chúng ta đã thực hiện nhiều giải pháp kỹ thuật như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19 như nợ xấu thực chất ra sao - số liệu này không có trong báo cáo của Chính phủ”.

“Các đại biểu yên tâm, chúng tôi kiểm soát!”

Trước khi giải đáp với các đại biểu, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, một năm rưỡi qua, Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ với cả 2 vai Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Trung ương. Điều này đòi hỏi phải phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng. “Đặc thù của ta là dùng chính sách tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp trong khi các nước dùng chính sách tài khóa. Nếu ta cứ dùng các biện pháp hành chính, không tuân theo quy luật thị trường thì sẽ đẻ ra hệ lụy mới”.

Ví dụ, tháng 3.2020, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 01/2020 quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19. “Lúc đó, để cứu doanh nghiệp phải có chính sách như vậy, không cần biết nợ đã xấu chưa, có phải xấu do dịch không. Nhưng nếu kéo dài chính sách này thì hệ lụy nợ xấu sẽ biểu lộ nhiều ở cuối năm nay hoặc năm tới”, ông Tú nói.

Đến cuối năm 2020, nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng là 1,69%. Ông Tú cho biết, hiện nay nợ xấu nội bảng là 1,76%. Nếu tính cả nợ tiềm ẩn, nợ đã bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng, nợ có khả năng chuyển xấu thì khoảng 3,54%. Ngân hàng Nhà nước cũng tính toán nhiều phương án. “Có 3 kịch bản tăng trưởng để dự báo nợ xấu. Theo đó cuối năm nay, nợ xấu nội bảng có thể dao động 1,54% – 1,91%; tính cả nợ xấu tiềm ẩn, nợ đã bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng, nợ có khả năng xấu vào khoảng 3,43 – 3,84%. Còn nợ xấu tính theo Thông tư 01/2020 và Thông tư 03/2021, có thể ở mức 4,56% – 4,98%". Ông Tú lưu ý, những tính toán này đặt trong điều kiện chúng ta sớm kiểm soát được dịch bệnh. 

Thừa nhận tăng trưởng tín dụng có chảy vào thị trường chứng khoán và bất động sản nhưng ông Tú khẳng định “thấp hơn rất nhiều so với những năm trước”. Theo ông, tăng trưởng tín dụng bất động sản xu hướng giảm, từ 26,76% năm 2018 xuống chỉ còn 11,89% năm 2020; dư nợ bất động sản chiếm 18 - 20% tổng dư nợ của nền kinh tế. Tính đến 30.4.2021, tăng trưởng tín dụng vào bất động đạt 4,83%, cao hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung (4,14%), tỷ lệ nợ xấu là 1,89%, dư nợ tín dụng bất động sản chiếm 19,71% tổng dư nợ của nền kinh tế, nghĩa là không tăng so với giai đoạn trước đó.

Tuy vậy, ông Tú cho rằng, đáng quan tâm là tín dụng vào các dự án nghỉ dưỡng cao cấp, dự án có tính chất đầu cơ, “nôm na là dự án của đại gia” tăng 4,56% so cuối năm ngoái với khoảng 662 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 35% tổng dư nợ cho vay bất động sản. Tín dụng tiêu dùng phục vụ mua nhà chiếm hơn 64% với khoảng 1 triệu 224 nghìn tỷ đồng, tuy “vẫn tăng nhưng nằm trong ngưỡng kiểm soát và giúp thị trường bất động sản tăng trưởng”.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thừa nhận, có hiện tượng tín dụng vào bất động sản tăng cao ở một số ngân hàng cụ thể. Ngân hàng Nhà nước đã “chỉ mặt đặt tên” và can thiệp bằng biện pháp hành chính là không cho phép tăng trưởng tín dụng nhằm không tạo ra bong bóng bất động sản. “Các đại biểu yên tâm, tiền tệ chúng tôi kiểm soát”, ông Tú khẳng định.

Đề cập đến thị trường chứng khoán, ông Tú cho rằng thị trường của chúng ta rất khác. Lẽ ra doanh nghiệp hoạt động hiệu quả thì giá cổ phiếu mới lên, nhưng ở đây “doanh nghiệp đầy mụn nhọt mà bảng điện tử cứ xanh rờn”, như vậy có thể dẫn đến bong bóng của thị trường chứng khoán. 

“Báo cáo của Chính phủ phải gia cố rất nhiều!”

Nhiều đại biểu dự phiên họp cho rằng các báo cáo của Chính phủ phải gia cố rất nhiều mới thành đối tượng thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Minh cảm giác báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021, đề xuất giải pháp 6 tháng cuối năm “như báo cáo tháng 5 và 5 tháng đầu năm trình Chính phủ chứ không phải đối tượng thẩm tra của Quốc hội”.

Theo ông Minh, cần thiết kế, gia cố lại báo cáo, bám vào Nghị quyết 124/2020 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. “Báo cáo hiện nay tản mạn, hơi xa. Nếu Nghị quyết một đằng ta bay lượn một nẻo thì rất khó thẩm tra”, ông bình luận.

Chia sẻ nỗi vất vả với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, song Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến cũng đề xuất thay đổi cách làm báo cáo theo hướng bám theo Nghị quyết của Quốc hội.

Liều lượng thông tin, đánh giá về các lĩnh vực trong báo cáo cũng được cho là chưa cân xứng. Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Viết Lượng cho rằng, nội dung văn hóa, giáo dục trong báo cáo còn quá ít, chưa tương xứng với sự quan tâm của đại biểu.

Ông Lượng phân tích: Dịch Covid-19 tác động đến mọi ngành, mọi người. Lĩnh vực văn hóa, giáo dục có đặc thù riêng cũng chịu ảnh hưởng rất mạnh. Do đó, cần đánh giá kỹ tác động của dịch Covid đến lĩnh vực này để có sự điều chỉnh chính sách trong giai đoạn tới. Ví dụ, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nghệ thuật biểu diễn gần như bị đóng băng, nhiều nghệ sĩ bỏ nghề, bỏ nghiệp, điều này ảnh hưởng như thế nào đến việc nâng cao đời sống tinh thần cho người dân?

Bên cạnh đó, ông Lượng đề xuất báo cáo cần bổ sung đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, nhất là đã kết thúc năm đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới với khối lớp 1; đánh giá việc thực hiện chủ trương tự chủ trong giáo dục đại học…

Hà Lan