“Bất thường” và “bình thường”

- Thứ Năm, 13/01/2022, 06:04 - Chia sẻ
Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất của Quốc hội Khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra, thành công thực chất và tốt đẹp như khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong bài phát biểu bế mạc và cảm nhận, đánh giá của cử tri trên cả nước.

Luật Tổ chức Quốc hội quy định Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kỳ. Kỳ họp chưa từng có tiền lệ này gọi là “bất thường” bởi không nằm trong thường lệ đó. Nhưng thực chất, “bất thường” của kỳ họp chỉ ở khía cạnh hình thức, còn nếu xét về mục tiêu tối thượng của Quốc hội là “phụng sự lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân” như tuyên thệ nhậm chức của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vào tháng 7.2020 thì đây hoàn toàn là một kỳ họp “bình thường”.

Sau 2 năm hoành hành, dịch Covid-19 đã bào mòn sức lực của nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân. Sự phục hồi bắt đầu nhen nhóm kể từ khi nước ta chuyển hướng chiến lược sang “sống chung với Covid” song tốc độ còn rất chậm. Trong khi đó, phần lớn nền kinh tế thế giới đã quay trở về tình trạng bình thường trong năm 2021. Dù sự phục hồi này không đồng đều và liên tục giữa các nước và các khu vực kinh tế nhưng cũng đặt nước ta trước nguy cơ lỡ nhịp.

Thực tế này đòi hỏi cấp bách có gói hỗ trợ để thúc đẩy kinh tế phục hồi nhanh hơn, bền vững hơn. Nếu đợi đến kỳ họp thường lệ vào tháng 6.2021 Quốc hội mới quyết định chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ thì e rằng quá chậm, quá muộn. Vì vậy, tổ chức kỳ họp là cần thiết, để Quốc hội kịp thời có các quyết sách đáp ứng yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Kết quả cụ thể là Quốc hội đã biểu quyết thông qua 1 luật và 4 nghị quyết, trong đó có nghị quyết về Chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô khoảng 350 nghìn tỷ đồng hỗ trợ Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội. Để triển khai kịp thời, có hiệu quả các chính sách này, Quốc hội cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù về lựa chọn nhà đầu tư, phân cấp, ủy quyền… đối với các dự án quan trọng quốc gia, các dự án hạ tầng quan trọng, có quy mô lớn khác trong lĩnh vực giao thông và y tế thuộc phạm vi Chương trình. Đặc biệt, Quốc hội cũng yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu… trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện nghị quyết này.

Thành công của kỳ họp “bất thường” cũng đến từ những điều đã trở thành “bình thường" và quen thuộc của Quốc hội Khóa XV. Đó là sự chủ động chuẩn bị từ sớm, từ xa của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội trong mọi khâu, mọi việc (và đằng sau là những ngày làm việc vất vả sớm khuya, không kể thứ Bảy, Chủ nhật). Đó là sự huy động tối đa trí tuệ của nhà khoa học, chuyên gia nhằm thu thập một cách độc lập các căn cứ khoa học, thông tin về bối cảnh trong nước và quốc tế, những thực tiễn sinh động… với mong muốn nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng. Đó là những bước tiến vững chắc của “Quốc hội điện tử”, ngày càng tiến gần hơn đến ý nghĩa cốt lõi - tăng hiệu quả kết nối và tương tác giữa đại biểu với cử tri, các chuyên gia và nhà khoa học (kỳ họp bất thường diễn ra theo hình thức trực tuyến hoàn toàn, các đại biểu cũng bấm nút biểu quyết “trực tuyến”).

Trong bài phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói rằng, với việc tổ chức thành công Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội có bài học quý để những kỳ họp “bất thường” trở thành hoạt động “bình thường” nhằm đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của thực tiễn. Như vậy, từ “chưa có tiền lệ”, sự thành công lần này đã tạo ra một “tiền lệ” tốt và biến nó trở thành sinh hoạt “bình thường” của Quốc hội từ nay trở về sau.

Nhìn từ phía cử tri, thành công của một kỳ họp “bất thường” về hình thức và “bình thường” về mục tiêu càng vun đắp niềm tin lớn lao vào Quốc hội nhiệm kỳ này. Quốc hội sẽ cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua đại dịch, sớm phục hồi kinh tế - xã hội và đưa đất nước phát triển bền vững.

Hà Lan