"Bầu khí quyển" cho sáng tạo

- Thứ Năm, 26/08/2021, 03:47 - Chia sẻ
Để trở thành thành phố sáng tạo đúng nghĩa, Hà Nội cần tạo nên “bầu khí quyển” - không gian trong mỗi ngõ ngách của đô thị - khơi gợi cảm hứng cho mọi người tìm tòi, trao đổi, thực hành, giới thiệu tới công chúng những ý tưởng mới, sản phẩm hay trình diễn sáng tác của mình.
Triển lãm mỹ thuật diễn ra tại Vicas Art Studio
Ảnh: Nhandan.vn

Nơi nuôi dưỡng sáng tạo

Hà Nội chính thức trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO được coi là bước đầu tiên, tạo đà cho phát triển chính sách đi kèm kế hoạch hành động cụ thể, để tạo ra thay đổi nhiều chiều của thành phố. Để Hà Nội thực sự trở thành thành phố sáng tạo của thế giới, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Nghệ thuật Heritage Space cho rằng, cần sự dịch chuyển nhiều mặt từ cơ chế chính sách, pháp luật và quản lý nhà nước, hệ thống kết cấu hạ tầng, phân bổ nguồn lực công và xã hội hóa, tuyên truyền và nhận thức, giáo dục. Trong đó, phát triển các không gian sáng tạo là vô cùng quan trọng.

Hiện nay, không gian sáng tạo bao gồm các không gian công và không gian tư. Không gian sáng tạo công (được quản lý, vận hành bởi Nhà nước, hoặc hoạt động bởi nguồn lực công) gồm hệ thống bảo tàng, viện và trung tâm chuyên về văn hóa, nghệ thuật, các hội nghề nghiệp văn học, nghệ thuật, trường đại học và trường chuyên trong lĩnh vực, nhà hát, khu triển lãm và cơ sở dành cho hoạt động biểu diễn. “Những không gian này, theo đánh giá chủ quan của tôi, đang được vận hành chưa thực sự hiệu quả ở một số khía cạnh: chưa được khai thác tối ưu, hệ thống và cách vận hành tụt hậu; chưa thực sự kết nối với hoạt động sáng tạo cộng đồng; chưa có kênh/ cơ chế/ cách thức hỗ trợ và hợp tác với cộng đồng sáng tạo độc lập” - ông Nguyễn Anh Tuấn nhận định.

Bên cạnh đó, Hà Nội còn có hệ thống không gian công cộng là những không gian mở mà mọi người có thể tiếp cận, như hệ thống công viên, vườn hoa, quảng trường, phố đi bộ cuối tuần đã và đang được sử dụng cho nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật lớn.

Đối với không gian tư nhân, các hình thức kết hợp 3 - 4 công năng ở trong một không gian sáng tạo, hoặc tổ hợp sáng tạo trong một địa điểm là thường thấy để tối ưu hóa nguồn lực và hiệu năng. Như một quán café vừa là gallery, phòng hòa nhạc cuối tuần, showroom tranh nghệ thuật, địa điểm làm việc và kết nối các cá nhân và tổ chức sáng tạo trong và ngoài nước. Nhìn chung, các không gian sáng tạo do tư nhân quản lý có hình thái đa dạng hơn và phong phú, cách thức vận dụng và hoạt động linh hoạt, hiệu quả hơn. Sự kết nối, trao đổi thông tin, tri thức sáng tạo diễn ra tại không gian tư nhân cũng sôi nổi và có tần suất lớn, đồng thời yếu tố mở biến các không gian tư nhân dễ thu hút nhóm khán giả thế hệ mới. Hạn chế của hệ thống này là thường thiếu sự ổn định do nguồn lực có hạn, và do đó dễ thay đổi chức năng hoặc biến mất sau một thời gian ngắn (6 tháng - 1 năm).

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, cơ sở hạ tầng phong phú, giàu bản sắc và hơn 115 không gian sáng tạo đa dạng các biểu đạt (không gian văn hóa, nghệ thuật; không gian thiết kế, thương mại điện tử, ứng dụng phần mềm) là một lợi thế để Hà Nội khai thác chuyển hóa thành sức mạnh mềm ở sức hấp dẫn, khả năng kết nối. Tuy nhiên, trên thực tế, đổi mới thể chế chưa quyết liệt trong mở cửa cho đầu tư mạnh vào khu vực tư nhân, cũng như phá vỡ các rào cản hướng tới kết hợp công - tư trong khai thác và phát huy hiệu quả cơ sở hạ tầng và các không gian sáng tạo văn hóa...

Kết nối chuỗi không gian sáng tạo

Để biến các không gian sáng tạo thành một hệ thống toàn diện hỗ trợ, khuyến khích và thúc đẩy sáng tạo trong đô thị, từ các bài học trên thế giới, hay thậm chí ở ngay trong nội địa, ông Nguyễn Anh Tuấn góp ý cần khuyến khích mở không gian sáng tạo độc lập trong khuôn viên của các không gian quản lý công. Chẳng hạn, một trường đại học về văn hóa nghệ thuật nên có trung tâm thúc đẩy sáng tạo và trao đổi. Hiện tại, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS) đã mở VICAS Art studio hoạt động theo hình thức hỗ trợ nghệ sĩ làm các trưng bày nghệ thuật đương đại, tận dụng cơ sở vật chất sẵn có và tự chủ về ngân sách. Đây là một mô hình đáng khích lệ, thường thấy ở các trường đại học và học viện các nước phát triển. Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam trước đây từng hợp tác với tư nhân để mở Viet Art Center, hoạt động mạnh khoảng những năm 2006 - 2012, tổ chức được nhiều triển lãm và các hoạt động trao đổi văn hóa nghệ thuật quan trọng ở Hà Nội.

Một trong những chuỗi không gian thuộc quản lý công là các nhà máy với nhiều quy mô khác nhau ở nội thành Hà Nội đã và đang được nghiên cứu chuyển đổi. Trên thế giới đã có nhiều bài học chuyển hóa cơ sở công nghiệp trở thành trung tâm văn hóa - sáng tạo, không gian công cộng, từ đó tạo ra nhiều chiều kích cho giá trị vật chất và tinh thần của đô thị (kinh tế, du lịch, văn hóa, môi trường).

Kết nối chuỗi không gian sáng tạo công - tư - công cộng hiệu quả cũng cần được thực hiện dựa trên cơ chế quản lý và đối thoại công - tư trong lĩnh vực sáng tạo; tạo ra nguồn lực hỗ trợ các không gian và nhóm, cá nhân sáng tạo độc lập bằng việc thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển sáng tạo, thành lập ủy ban (hoặc hội đồng) phát triển văn hóa nghệ thuật để quyết định các vấn đề, chính sách, giải thưởng, quỹ tài trợ của thành phố hay từ doanh nghiệp ủy thác cho thành phố…

“Khí quyển” sáng tạo cần được hình thành bởi nhu cầu của các cá nhân sáng tạo, và có những không gian, nơi chốn, nền tảng để họ có thể tìm tới nhau trao đổi, thực hành, tìm tòi, giới thiệu tới công chúng, qua đó tạo ra tác động với cộng đồng xã hội. Các chuyên gia cho rằng, phát triển không gian văn hóa sáng tạo là một xu thế toàn cầu không thể cưỡng lại. Vì thế, đây là cơ hội để Hà Nội khai thác thế mạnh công - tư, phát huy và khai thác tiềm năng văn hóa sáng tạo dồi dào từ nghìn năm lịch sử.

Ngọc Phương