Bế mạc Phiên họp thứ 54 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

- Thứ Hai, 15/03/2021, 19:58 - Chia sẻ
Chiều 15.3, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 54. Trước đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ Mười một, Quốc hội Khóa XIV và báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV.

2.278 ý kiến cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ Mười một

Trình bày dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ Mười một, Quốc hội Khóa XIV, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh cho biết, đã tổng hợp được 2.278 ý kiến cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 54, Ủy ban Thường vụ Quốc hội 

Trong đó, về văn hóa, giáo dục, cử tri và Nhân dân đồng tình với những giải pháp dừng tổ chức các lễ hội đầu năm, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch phù hợp với diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Cử tri và Nhân dân ghi nhận những nỗ lực của ngành giáo dục nhằm tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; cho rằng, ngành giáo dục và các địa phương đã kịp thời chỉ đạo chuyển đổi việc dạy và học sang hình thức trực tuyến để đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân còn lo lắng trước tình trạng phát tán các hình ảnh, bài viết phản cảm, bạo lực, lối sống thiếu lành mạnh, nhằm lôi kéo nhiều người xem để thu lợi; cơ sở vật chất, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn thiếu, xuống cấp; chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; tình trạng bạo lực học đường vẫn xảy ra ở một số nơi.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại phiên họp

Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị một số vấn đề như: đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương sớm ban hành chương trình cụ thể đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nhà nước pháp quyền; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo môi trường, cơ hội cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận, phát huy hiệu quả các nguồn lực của đất nước. Quốc hội, Chính phủ tiếp tục tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát để tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ điều hành phiên họp

Tăng cường giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nêu rõ, thông qua 1.050 cuộc tiếp xúc cử tri của các Đại biểu Quốc hội, đã có 1.904 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đến nay có 1.810  kiến nghị được giải quyết, trả lời.

Đối với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã tiếp nhận và trả lời 58/58 kiến nghị, đạt 100%. Tiếp thu kiến nghị cử tri, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 được tổ chức thành công, đảm bảo lựa chọn được những đại biểu có đủ năng lực, phẩm chất, xứng đáng là người đại diện của Nhân dân. 

Đối với Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, tiếp nhận 1.804 kiến nghị của cử tri, đã giải quyết, trả lời 1.713 kiến nghị, đạt 95%, trong đó: 1420 kiến nghị được giải trình, cung cấp thông tin; 134 kiến nghị đã giải quyết xong; 159 kiến nghị đang được xem xét, giải quyết. Việc giải quyết kiến nghị của cử tri đã được Chính phủ, Bộ, ngành xác định là nhiệm vụ trọng tâm cùng với việc tập trung chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid - 19, phát triển kinh tế, tạo việc làm, đảm bảo an ninh - trật tự, quốc phòng - an ninh. Nhiều nguyện vọng chính đáng của cử tri được nghiên cứu, tiếp thu giải quyết đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc góp phần ổn định và cải thiện đời sống của Nhân dân.

Đối với Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã xem xét, trả lời 30/30 kiến nghị. Trong đó, Tòa án Nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã thông tin đến cử tri về việc Tòa án Nhân dân tối cao đã ban hành một số văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết tranh chấp liên quan đến nợ xấu; Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã chỉ đạo toàn ngành kiểm sát thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó có nhiều biện pháp để nâng cao vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của Kiểm sát viên trong giải quyết án hình sự...

Kết quả giám sát cũng cho thấy còn một số hạn chế như: vẫn xảy ra tình trạng giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri không đúng thời hạn; một số ít văn bản trả lời chung chung, không nêu rõ kết quả khi cử tri yêu cầu tổ chức kiểm tra, rà soát tiêu chuẩn, chất lượng; vẫn còn một số quy định của pháp luật chưa thống nhất, có quy định còn chưa phù hợp với thực tế, nhiều ý kiến cử tri không đồng tình; một số kiến nghị cử tri qua nhiều kỳ họp mặc dù đã được các Bộ, ngành nghiên cứu, tiếp thu nhưng đến nay chưa được giải quyết dứt điểm nên cử tri vẫn tiếp tục kiến nghị.

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV

Báo cáo giám sát cũng nêu một số kiến nghị như: các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; giám sát những vấn đề mới phát sinh liên quan trực tiếp đến đời sống, sản xuất, kinh doanh, học tập... và những vấn đề bức thiết, nổi cộm được đông đảo cử tri quan tâm. Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ, ngành giải quyết những tồn tại hạn chế đã nêu trong báo cáo; rà soát, giải quyết dứt điểm các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, hạn chế chuyển kiến nghị chưa được giải quyết sang nhiệm kỳ sau... 

Thảo luận tại Phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành các nội dung được nêu trong 2 báo cáo. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, các kiến nghị đều rất cần thiết, đặc biệt, Quốc hội, các cơ quan trong tổ chức bộ máy Nhà nước cần nghiêm túc lắng nghe và trả lời kịp thời kiến nghị của cử tri. Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị tiếp tục rà soát các nhóm vấn đề tồn tại, hạn chế, nhất là 5% kiến nghị chưa được trả lời và các nội dung chung chung, chưa chính xác để trả lời cử tri một cách thỏa đáng nhất. 

Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, thời gian chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Mười một không còn nhiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần khẩn trương chỉ đạo các cơ quan hữu quan để hoàn hiện thiện các công việc trình Quốc hội tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội Khóa XIV. 

Hồ Long