Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cứu sống mẹ con sản phụ mắc Covid-19 bằng kỹ thuật ECMO

- Thứ Bảy, 24/07/2021, 19:08 - Chia sẻ
Ngày 24.7, thông tin từ BS.CK2 Phạm Thanh Phong - Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ và Bệnh viện Nhi Đồng TP. Cần Thơ cùng với sự hỗ trợ qua hình thức trực tuyến của các chuyên gia Bệnh viện Chợ Rẫy đã cứu sống trường hợp mẹ con sản phụ mắc Covid-19 nguy kịch nhờ thực hiện kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo hay còn gọi là hoạt động hô hấp tuần hoàn ngoài cơ thể).

Trước đó, vào ngày 13.7.2021 Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ tiếp nhận thai phụ N.T.N.H., 22 tuổi, địa chỉ ở Đồng Tháp được tuyến dưới chuyển lên với chẩn đoán: Nhiễm SARS-CoV-2 suy hô hấp tiến triển nhanh - viêm phổi nặng, thai 34 tuần đang thở máy. Tình trạng nguy kịch cả mẹ và con.

Sản phụ N.T.N.H đã hồi tỉnh và cai được máy thở

Ngay sau khi nhập viện, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn với nhiều chuyên khoa và Bệnh viện Chợ Rẫy qua hình thức trực tuyến. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật mổ lấy thai cấp cứu và thực hiện chặt chẽ và tuân thủ đúng quy định của Bộ Y tế về phòng chống lây nhiễm chéo Covid-19. Kết quả bé gái cân nặng 2.100 gr suy hô hấp nặng được các bác sĩ hồi sức và chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng TP. Cần Thơ để điều trị.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân được chuyển lại  đơn vị  Hồi sức tích cực điều trị Covid-19, mặc dù được can thiệp kịp thời, nhưng bệnh nhân suy yếu rất nhanh, đi vào tình trạng suy hô hấp nguy kịch, huyết áp thấp phải duy trì thuốc vận mạch, tổn thương gần như hoàn toàn cả hai bên phổi.

Các bác sĩ đã hội chẩn trực tuyến Bệnh viện Chợ Rẫy quyết định phải thực hiện cấp cứu kỹ thuật ECMO. Ê-kíp điều trị bệnh nhân bao gồm khoa Bệnh Nhiệt đới, khoa Hồi sức tích cực – Chống độc tiến hành áp dụng kỹ thuật ECMO và lọc máu liên tục và kỹ thuật ECMO dưới sự hỗ trợ trực tuyến của chuyên gia Bệnh viện Chợ Rẫy.

Bé gái hiện đã ổn định sức khỏe

Sau 120 phút hết sức khẩn trương, phối hợp các biện pháp hồi sức để duy trì sinh mạng người bệnh, ê-kíp đã thực hiện thành công thiết lập hệ thống ECMO, giúp bệnh nhân tạm thời thoát khỏi tình trạng nguy kịch. 

Bệnh nhân được theo dõi, đánh giá liên tục và sử dụng phối hợp các biện pháp hồi sức tích cực với kỹ thuật ECMO, thở máy bảo vệ phổi, lọc máu hấp phụ cytokines, chống đông phòng huyết khối, kháng sinh chống nhiễm khuẩn, dinh dưỡng và tập phục hồi chức năng.

Sau 10 ngày điều trị tích cực, sáng ngày 23.7 chức năng phổi và tình trạng bệnh nhân dần hồi phục, bệnh nhân  cai được ECMO và máy thở, đã ngưng thở oxy, bệnh nhân tỉnh, xét nghiệm sinh học phân tử Realtime RT-PCR khẳng định virus SARS-CoV-2 âm tính hai lần.

Riêng cháu bé, sau khi sinh được đặt nội khí quản và chuyển Bệnh viện Nhi đồng TP. Cần Thơ điều trị. Tình trạng lúc nhập viện trẻ sinh non bị rối loạn đông máu, thiếu máu - viêm phổi  nặng - suy hô hấp. Sau 10 ngày được các bác sĩ nỗ lực chăm sóc, sức khỏe của bé cũng đã ổn định, cai thở máy, không cần hỗ trợ hô hấp, bú tốt.

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ hội chuẩn trực tuyến với đầu bệnh viện Chợ Rẫy

Đây là trường hợp bệnh nặng và khó, bởi bệnh nhân mắc Covid-19 trong khi mang thai và nhập viện với tình trạng nguy kịch đe dọa tính mạng cả mẹ và con. Tuy nhiên, với quyết tâm và nỗ lực cũng như sự chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, nhân lực từ trước, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã kịp thời phẫu thuật mổ lấy thai và sau đó thực hiện kỹ thuật ECMO, lọc máu liên tục. Đồng thời phối hợp với Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ điều trị thành công cả mẹ và con sản phụ và đặc biệt  hỗ trợ chuyên môn của các chuyên gia Bệnh viện Chợ Rẫy (Hồi sức Cấp Cứu-Dinh dưỡng) thông qua hội chẩn trực tuyến.

Theo BS.CK2 Dương Thiện  Phước, kỹ thuật ECMO là phương pháp sử dụng tuần hoàn và trao đổi oxy bên ngoài cơ thể nhằm hỗ trợ chức năng sống ở các bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng mà không đáp ứng với các biện pháp hồi sức thường quy cũng như hồi sức nâng cao. ECMO là kỹ thuật hồi sức chuyên sâu, hiện đại, được ví như cứu cánh cuối cùng cho những ca bệnh nặng và được thực hiện ở các bệnh viện lớn tại Việt Nam.

Để áp dụng rộng rãi hơn nữa kỹ thuật ECMO vào quá trình điều trị bệnh nhân không đơn giản. Đây là kỹ thuật cao, khó khăn và phức tạp nên đòi hỏi phải có đội ngũ có hiểu biết sâu sắc về bệnh học, am hiểu và nhạy bén trong xử lý các tình huống mới có thể đưa ra các quyết định đúng, kịp thời.

Vũ Châu