Biến đổi khí hậu bên dòng Cửu Long

- Thứ Sáu, 26/02/2021, 08:55 - Chia sẻ
Kết hợp giáo dục, nghệ thuật và khoa học dành cho học sinh phổ thông trung học ở đồng bằng sông Cửu Long, dự án “Cuộc sống bên những dòng sông” do Hội đồng Anh phối hợp tổ chức nhằm giúp giới trẻ Việt Nam thấy được sự khẩn thiết phải đối mặt với các thử thách do biến đổi khí hậu gây ra; đồng thời phát triển tư duy phản biện và phản hồi một cách sáng tạo, theo hình thức số hóa.

Hội đồng Anh tại Việt Nam đang gửi thư mời các đối tác là nhà khoa học, nghệ sĩ đa ngành, lãnh đạo trẻ là sinh viên, nhà hoạt động vì môi trường,  nhà báo, giáo viên… tham gia dự án “Cuộc sống bên những dòng sông”. Yêu cầu với người tham gia là có kiến thức và hiểu biết về vấn đề biến đổi khí hậu; có mối quan tâm sâu sắc đến công tác ứng phó với các vấn đề môi trường tại đồng bằng sông Cửu Long; mong muốn cùng làm việc với giới trẻ để truyền thông các dự án hành động vì xã hội theo hướng sáng tạo, đổi mới và trực tuyến.

Dự án dự kiến bắt đầu từ tháng 3 tới với hoạt động đàm thoại chính sách về biến đổi khí hậu và tác động đối với dòng sông Cửu Long. Ngoài ra còn có trại huấn luyện và khảo sát thực tế hai ngày rưỡi cho 25 thủ lĩnh thanh niên, nhà khoa học trẻ, nghệ sĩ trẻ… nhằm hỗ trợ kiến thức chuyên môn và phương pháp sáng tạo để thực hiện các dự án hành động vì xã hội. Chương trình huấn luyện sẽ tập trung cung cấp kiến thức chuyên môn và cách thức sáng tạo để giải quyết những thách thức của biến đổi khí hậu và truyền thông hiệu quả đến cộng đồng.

Sau đó, cho đến tháng 10, các nhà lãnh đạo trẻ đã được huấn luyện sẽ tham gia hỗ trợ và hướng dẫn cho các em học sinh THPT khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Học sinh sẽ làm việc theo nhóm để thực hiện các nghiên cứu riêng của họ về những khía cạnh khác nhau của dòng sông Cửu Long quê nhà. Dự án sẽ áp dụng phương pháp kết hợp giữa giáo dục, nghệ thuật và khoa học, có sự tham gia đa ngành, tập trung vào tác động của vấn đề biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời mang lại cơ hội để gắn kết trực tuyến với các khu vực vùng xa và khó khăn khác ở ba miền đất nước.

Dự án sẽ kết hợp giáo dục, nghệ thuật và khoa học để nâng cao nhận thức của giới trẻ về biến đổi khí hậu  

Nguồn: Hội đồng Anh

Việt Nam được đánh giá là quốc gia dễ tổn thương vì những tác động của các vấn đề trên Trái đất (ô nhiễm không khí, mực nước biển tăng, rác thải nhựa...) và hiện có rất nhiều nỗ lực để giảm thiểu tác động nhằm hướng đến một nền kinh tế xanh hơn. Trong báo cáo dự án nghiên cứu Thế hệ trẻ (Next Generation) của Hội đồng Anh thực hiện gần đây, giới trẻ Việt Nam trong độ tuổi 16 - 30 cho biết nước sạch và vệ sinh, năng lượng sạch, kế hoạch hành động vì môi trường và điều kiện sống phù hợp là những ưu tiên hàng đầu của họ. 69% người trả lời khảo sát nghiên cứu khẳng định là sẽ tích cực đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam qua những hành động vì môi trường.

Dự án “Cuộc sống bên những dòng sông” mong muốn sẽ mang lại nền tảng cho các hoạt động tập trung vào giới trẻ ở khu vực phía Nam Việt Nam, vì đây là nơi chịu ngày càng nhiều tác động nghiêm trọng do biến đổi khí hậu gây ra, như lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn. Kết quả mong đợi là các dự án hành động vì xã hội (SAPs) với cách thức truyền tải nội dung sáng tạo như các sản phẩm trực tuyến, tranh vẽ, mẫu thiết kế, phim ngắn... để có thể truyền thông rộng rãi đến học sinh và công chúng cả theo hình thức trực tiếp lẫn trực tuyến.

Vương quốc Anh sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (COP26) tại Glasgow từ ngày 1 - 12.11. Đây sẽ là hội nghị thượng đỉnh quốc tế lớn nhất về biến đổi khí hậu mà nước này chủ trì, với sự tham dự của 30.000 đại biểu là lãnh đạo các quốc gia, các chuyên gia và nhà hoạt động về khí hậu để bàn và đồng thuận về kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trước và sau COP26, Hội đồng Anh phát động một chương trình sáng tạo gồm các hoạt động gắn kết người trẻ tuổi trên thế giới. Tại Việt Nam, dự án “Cuộc sống bên những dòng sông” do Hội đồng Anh phối hợp với đối tác ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long thực hiện.

Ngọc Huấn