Biến thách thức thành cơ hội

- Thứ Năm, 16/12/2021, 22:22 - Chia sẻ
Tại tọa đàm “Đồng bằng sông Cửu Long – thuận thiên, bền vững, vượt đại dịch” ngày 16.12, các chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, trước bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, dịch Covid-19 diễn biến khó lường cần có những giải pháp đồng bộ, cấp bách, những cơ chế, chính sách mới mang tính đột phá, biến thách thức thành cơ hội phát triển nhanh và bền vững cho khu vực này.
Các đại biểu dự tọa đàm.
Các đại biểu dự tọa đàm

GDP khu vực ĐBSCL thấp hơn trung bình cả nước

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng đã dành sự quan tâm đặc biệt để giúp các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), xây dựng các kế hoạch, chương trình giúp khu vực có nền tảng phát triển bền vững, giúp người dân có cuộc sống tốt đẹp hơn. Hạ tầng giao thông, các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, y tế cơ sở, an sinh xã hội, phòng chống dich bệnh… là những ưu tiên trước mắt cho khu vực.

Theo Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ GS. Võ Tòng Xuân, sau 4 năm thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH có thể thấy rõ, Nghị quyết 120 đổi đời người nông dân. Hiện các tỉnh ĐBSCL cũng như các bộ, ngành chuẩn bị chuyển sang giai đoạn thuận theo thiên nhiên để phát triển ĐBSCL, đi tới kinh tế nông nghiệp. Nhất là vùng ven biển, trước kia chỉ trồng lúa nay xen thêm vụ tôm ở vùng mặn. Đồng thời, các tỉnh mạnh dạn cùng với bà con nông dân phát triển cây kỹ thuật, hệ thống canh tác.

Tuy nhiên, trước ảnh hưởng đại dịch Covid-19 năm qua rất khó khăn với ĐBSCL, cùng với cả nước. Đây là khu vực chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch, phải thực hiện giãn cách kéo dài nhất nước. Thống kê ước tính trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng trung bình khu vực ĐBSCL đạt hơn 4,5%, thấp hơn trung bình 5,64% của cả nước. Thậm chí, dự kiến, cuối năm tăng trưởng khu vực ĐBSCL có thể bị âm. Đây là khu vực năng động, xuất khẩu lớn, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước, nhưng gặp khó khăn nên ảnh hưởng nhiều tới nguồn lực ứng phó với BĐKH trong thời gian tới. Hầu hết nguồn lực tài chính, nhân lực đã được sử dụng chống dịch thời gian qua. 

Cùng với đó, ĐBSCL là vùng đồng bằng rất nhạy cảm với tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai. Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài, BĐKH thời gian qua tác động sâu rộng đến đời sống dân sinh, đời sống KT-XH của ĐBSCL như: Mưa lũ có sự thay đổi, mưa mùa hạn ít, bão chuyển dịch về ĐBSCL nhiều hơn; hạn hán xâm nhập mặn liên tục và ngày càng khốc liệt, ranh giới xâm nhập mặn lấn sâu vào cửa sông; lún sụt cũng diễn ra khốc liệt, cùng với đó nước biển dâng và triều cường cũng gia tăng. Nhiều khu vực đô thị trước đây như Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh ít bị ảnh hưởng thì nay, tình trạng ngập lụt do triều cường ngày càng gia tăng.

Tuy nhiên, theo ông Hoài chúng ta vẫn có nhiều thuận lợi. Thuận lợi đầu tiên phải thấy là người dân và chính quyền ĐBSCL rất quyết liệt, chủ động trong công tác phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu và sự vào cuộc của các nhà khoa học cũng rất lớn. ĐBSCL cũng còn rất nhiều dư địa để chúng ta có thể đảm bảo được sinh kế cũng như an toàn, khác với những khu vực khác như khu vực miền núi vô cùng khó khăn, thiếu những dư địa cho đảm bảo an toàn và sinh kế. 

Bên cạnh thuận lợi, ông Hoài chỉ rõ ĐBSCL còn đối mặt với những khó khăn như: diễn biến của thiên tai và BĐKH tác động rất sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế -xã hội. Đây là khó khăn rất lớn đòi hỏi các hoạt động trong chỉ đạo phải toàn diện. Thứ hai là thiên tai và biến đổi khí hậu luôn bất định. Về hạn hán, nguồn nước của chúng ta đang được điều tiết bởi có các công trình dưới thượng nguồn. Ban Chỉ đạo quốc gia đang có kế hoạch xây dựng hệ thống công trình đê điều tiết nước trên hệ thống sông Mekong. Cùng với đó, sức chống chịu của cơ sở hạ tầng và trách nhiệm của người dân trong công tác phòng, chống thiên tai rất hạn chế.

Nhiều tiềm năng, lợi thế

Để phát huy hơn nữa tiềm năng của ĐBSCL, theo Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về BĐKH GS Trần Thục, thời gian tới cần tiếp tục quan tâm 3 yếu tố là nước sạch (nước ngọt sạch, nước mặn sạch), giống và đầu ra. Về nước sạch, có nhiều đề án đang và đã hoàn thành ở Sóc Trăng, Bến Tre, đặc biệt năm 2021 đã hoàn thành đề án cống Kênh Cụt (Rạch Giá)... Những đề án này sẽ đảm bảo cung cấp nước ngọt sạch cho nuôi trồng thủy sản. Nước mặn sạch cho nuôi trồng thủy sản sẽ khó khả thi hơn vì giá thành cao quá. Về giống, chúng ta đã có sự tiến bộ vượt bậc, đã chủ động được giống tôm sú, ghẹ từ các nguồn của Nhà nước và tư nhân. Hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm đã được củng cố, ta đã có thể kiểm soát được giống trôi nổi, giống kém chất lượng. Về đầu ra, vừa qua Bộ NN và PTNT và Bộ Công thương đã phối hợp chặt chẽ trong việc dự báo về thị trường cho bà con; đẩy mạnh mô hình hợp tác xã để kết nối các hộ nuôi trồng thủy sản với doanh nghiệp.

Chia sẻ vấn đề này, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường Nguyễn Đình Thọ cho biết, ĐBSCL là khu vực có lợi thế về năng lượng tái tạo, 11/13 tỉnh của ĐBSCL có lượng bức xạ mặt trời đạt mức 1387/1534 kWh/năm và thời gian khu vực này có nắng 2.200 đến 2.500 giờ/năm. Vì vậy, đây là khu vực có thể tận dụng tiềm năng phát triển về năng lượng mặt trời. Về năng lượng gió, khu vực này cũng có tiềm năng rất lớn dọc khu vực ven biển, tới 1.200-1.500 MW. Ngoài ra, ĐBSCL cũng là khu vực tận dụng được nguồn năng lượng sinh khối với nguồn sinh phẩm nông nghiệp lên tới 23 triệu tấn/năm. Đây là khu vực trọng điểm để Việt Nam có thể đạt được kết quả như Thủ tướng Chính phủ cam kết tại COP26. Đặc biệt, thông qua đầu tư công, dẫn đắt đầu tư tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo và truyền tải điện. Đồng thời xây dựng quy hoạch để khu vực này có thể truyền tải điện cung cấp cho vùng ĐBSCL cũng như khu vực trọng điểm kinh tế phía Nam trong thời gian tới.

Cũng tại cuộc tọa đàm, một vấn đề được các chuyên gia nhắc tới là tình trạng lún sụt ở các tỉnh ĐBSCL nhất là khu vực Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu diễn biến trầm trọng. Hiện tình trạng này đang gia tăng do tác động của BĐKH cũng như cũng hoạt động kinh tế - xã hội như khai thác nguồn nước, khoáng sản và các hoạt động khác ảnh hưởng đến lòng sông và nguồn nước ngầm của chúng ta. Để giải quyết vấn đề này, theo các chuyên gia đầu tiên là đánh giá tài nguyên nước ngầm, điều tra tình trạng sạt lở, xác định nguyên nhân, từ đó đưa ra quy hoạch khai thác nguồn nước để hạn chế sạt lở và quản lý công tác này. Đây là giải pháp căn cơ bài bản nhất và để giải quyết vấn đề này. Ngoài ra, một vấn đề quan trọng là chúng ta phải có nguồn ngân sách chính đáng để phục vụ công tác phòng chống lún sụt và sạt lở ĐBSCL.

Vũ Quang