Điện gió Sóc Trăng

Biến tiềm năng thành hiện thực

- Chủ Nhật, 17/10/2021, 07:06 - Chia sẻ
Với đường bờ biển dài 72km, Sóc Trăng có nhiều tiềm năng phát triển điện gió cả trong bờ và ngoài khơi, UBND tỉnh cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 16 dự án điện gió với tổng công suất 1.095,2MW. Giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh đã đề xuất đưa vào Quy hoạch điện VIII 12.849MW điện gió trên bờ và ngoài khơi, 7.956MW điện mặt trời.

Phát huy thế mạnh vùng ven biển

Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn cho biết, thế mạnh lớn nhất của tỉnh là điện gió với sức gió mạnh vùng ven biển. Tỉnh lại có vùng bãi bồi ven biển rộng lớn với trên 50.000ha là những địa bàn có thể phát huy để đầu tư xây dựng những cánh đồng điện gió lớn.

Theo Sở Công thương Sóc Trăng, với lợi thế bờ biển dài và rộng, tỉnh có tiềm năng lớn về điện gió. Qua khảo sát, gió ở độ cao 120m tại khu vực bãi bồi ven biển có tốc độ đạt trung bình khoảng 8,3m/s, tiềm năng phát triển các dự án điện gió trong đất liền và ngoài khơi tương đương quy mô công suất trên 7.000MW. Theo phê duyệt quy hoạch của Bộ Công thương về phát triển điện gió tỉnh Sóc Trăng giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Sóc Trăng sẽ có 3 vùng quy hoạch phát triển điện gió. Vùng 1 được phân bổ tại khu vực bãi bồi ven biển thị xã Vĩnh Châu, huyện Trần Đề và huyện Cù Lao Dung có diện tích 21.900ha, công suất dự kiến 860MW, vận tốc gió trung bình 6,4m/s; Vùng 2 phân bổ ở khu vực đất liền ven biển thị xã Vĩnh Châu và huyện Trần Đề có diện tích 7.500ha, công suất dự kiến 295MW, vận tốc gió 6m/s; Vùng 3 phân bổ tại khu vực đất liền thị xã Vĩnh Châu có diện tích 7.940ha, công suất dự kiến 315MW, vận tốc gió 6,2m/s. Riêng giai đoạn sau năm 2020, công suất lắp đặt tích lũy đạt khoảng 200MW với sản lượng điện gió tương ứng là 470 triệu kWh.

Trên cơ sở được Bộ Công thương quy hoạch phát triển điện gió giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Sóc Trăng được phê duyệt với diện tích đất khảo sát 37.340ha, quy mô công suất tiềm năng 1.470MW. Sở Công Thương Sóc Trăng đã phối hợp cùng các ngành, địa phương kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực này và đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 10 dự án trong quy hoạch với quy mô công suất 352,4MW và được UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư cho 9 dự án điện gió, quy mô công suất 262,4MW.

Những cánh đồng gió Sóc Trăng góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia

Những quả ngọt đầu tiên

Đầu tháng 10.2021, 3 nhà máy điện gió đầu tiên ở Sóc Trăng đã đóng điện nghiệm thu vận hành, đó là Nhà máy Điện gió số 5 Lạc Hòa, Nhà máy Điện gió số 6 Quốc Vinh và Nhà máy Điện Gió Số 7. Các nhà máy này đã chính thức hòa vào lưới điện quốc gia.

Nhà máy Điện gió số 5 Lạc Hòa đặt tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng do Công ty CP Năng lượng Tái tạo Vĩnh Châu - TDC làm chủ đầu tư, sau khi hoàn thành giai đoạn 1 có công suất 30MW. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng trên diện tích quy hoạch 5,6ha trên đất liền với sản lượng bình quân hàng năm khoảng 93 triệu kWh.

Nhà máy Điện gió số 6 Quốc Vinh đặt tại thị xã Vĩnh Châu do Công ty TNHH Điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng làm chủ đầu tư, sau khi hoàn thành giai đoạn 1 có công suất 30MW. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.420 tỷ đồng trên diện tích quy hoạch 7,5ha trên đất liền, với sản lượng bình quân hàng năm khoảng 95 triệu kWh.

Nhà máy Điện gió số 7 tỉnh Sóc Trăng cũng được đặt tại thị xã Vĩnh Châu do Công ty CP Năng lượng Sóc Trăng - Công ty TNHH Xuân Cầu làm chủ đầu tư, sau khi hoàn thành giai đoạn 1 có công suất 30MW. Các hạng mục xây dựng bao gồm 7 trụ turbine gió, mỗi turbine có công suất 4,2MW. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng trên diện tích dự kiến quy hoạch cả 2 giai đoạn là 3.100ha, với sản lượng bình quân hàng năm khoảng 108 triệu kWh.

Các dự án được kỳ vọng sẽ có sức lan tỏa, thúc đẩy, thu hút các dự án khác đầu tư vào tỉnh Sóc Trăng để phát triển công nghiệp địa phương, tạo sức bật cho kinh tế khu vực Tây Nam Bộ. Không chỉ phát triển điện gió, để bảo đảm đầu tư phát triển nguồn điện, tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp tục hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án điện gió đã cấp chủ trương đầu tư và đang trình bổ sung quy hoạch, triển khai các dự án điện mặt trời và các dự án phát triển lưới điện.

Ngành chức năng tỉnh cũng đang thực hiện đánh giá lại thực trạng phát triển nguồn điện gồm nhiệt điện, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, rà soát khả năng giải tỏa công suất của các dự án sẽ đưa vào vận hành đồng thời, đánh giá tiềm năng phát triển điện trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Từ đó, tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch điện VIII của quốc gia và là điều kiện nền tảng để đẩy nhanh thủ tục phê duyệt các dự án.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Lâm Văn Mẫn, để phát huy lợi thế vốn có về tài nguyên gió, đất đai, tỉnh sẽ ưu tiên đầu tư, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, tạo điều kiện thuận lợi để huy động vốn từ các thành phần kinh tế. Từ đó, góp phần đầu tư phát triển ngành công nghiệp điện gió, điện mặt trời, tăng thêm nguồn điện góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia...

Bài và ảnh: Vũ Châu